Thứ Hai, 01/02/2016 08:21

Thoảng mùi cá rô đồng

Ăn cá rô như thế thì quán xá không là gì cả. Một khi con người ta nhớ về ký ức, có lẽ không thời nào gợi nhớ bằng thời khổ cực. Vì nó chứa đựng một thời tuổi thơ, như “gạch nối” của một đời người.

Cá về ngày lũMưa đầu mùa nhớ tô canh cải cá rô đồng

Ngồi nướng mớ cá rô, thơm nức mũi. Mùi cá nướng quyến rũ đến lạ. Nó như cho mình biết nước mắm nhỉ ớt tỏi đã sẵn sàng rồi. Chấm con cá rô, lật qua lật lại. Ăn cá rô thích nhất là ăn từ tốn, gỡ từng tí thịt. Sự thích thú có lẽ chính là từ đó. Vì cá rô xương nhiều.

Ăn hết cá rồi xới bát cơm nóng, chan nước mắm nhỉ đã chấm cá rô, có vị ngọt nơi đầu lưỡi. Đó là vị ngọt của cá đã thấm vào mắm nhỉ. Nước mắm nhỉ lại thấm vào cơm. Mùa đông mà được thế này, cao lương mỹ vị nào bằng!

Tôi đã từng được ăn cá rô đồng như vậy. Không bát đũa sang trọng. Ăn cá rô ở ngoài đồng. Cơm cũng nấu ngoài đồng. Nấu xong, lật nắp vung làm đĩa. Cứ đổ nước mắm nhỉ vào vung. Dằm thêm vài trái ớt hiểm. Một bát cơm nóng, vài con cá rô chấm vào lật qua lật lại. Rồi chan tí nước mắm đã thơm mùi cá. Chan mắm vào cơm chỉ đủ một và. Rồi tém cơm lại, rồi chan tí nữa. Cứ thế hết chén thì thôi.

Ăn cá rô như thế thì quán xá không là gì cả. Một khi con người ta nhớ về ký ức, có lẽ không thời nào gợi nhớ bằng thời khổ cực. Vì nó chứa đựng một thời tuổi thơ, như “gạch nối” của một đời người.

Bây giờ kể chuyện với con, chúng không thể hình dung thế hệ của ba mẹ nó đã trải qua một thời như thế. Cái thời vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh gần chục năm. Cái thời còn ngồn ngộn những dấu vết tang thương. Cơm dường như không được bữa nào no. Mọi thứ vật chất cơ bản cho đời sống con người đều thiếu. Nhớ lại cái thời ấy để yêu hơn cuộc sống của ngày hôm nay.

Những năm sau ngày đất nước thống nhất, quê tôi cá đồng nhiều lắm. Năng suất lúa không cao nhưng mưa gió thuận hòa. Ở thành thị đã nghèo thì dân quê còn nghèo hơn. Dân quê nghèo đấy, khổ đấy những không sợ đói. Gắng sức ra làm, khai hoang vỡ đất thì gạo cũng đủ ăn. Nguồn thực phẩm chính là nhờ cá đồng. Gọi cá đồng là gọi chung vậy nhưng nó cũng có thể là cá bắt được từ sông.

Trước mặt nhà tôi là ruộng. Tiết tháng mười khi lúa trỗ là nước đầy đồng. Cá không biết từ đâu ngược dòng mừng nước nhiều lắm, mà nhất là cá lóc và cá rô. Dường như nhà nào cũng sắm nơm sắm đó và vài mươi cần câu. Ở Huế bây giờ về cầu ngói Thanh Toàn (Thủy Thanh, Hương Thủy) chúng ta bắt gặp những những vật dụng này ở nhà trưng bày nông cụ.

Cá rô rất dễ ăn câu. Cách bắt dễ nhất là câu cắm. Làm gì làm nhưng cứ chiều lại là mắc mồi vào câu rồi đi cắm quanh các bờ ruộng. Nếu siêng thì khuya đi gỡ câu. Rồi mắc mồi lại. Không siêng thì đợi đến trời sáng gỡ cá một lần.

Cần câu cắm được làm bằng tre cật, chỉ ngắn cỡ ba gang tay người lớn. Đầu cần phải vót mỏng. Chính việc vót mỏng đầu cần như thế cho nên dù là ban đêm trời tối, khi rọi đèn ta biết cần nào là cá dính câu. Cá dính câu làm cho cần câu cong lại.

Tuổi thơ thời cách đây chừng bốn mươi năm, cũng có nhiều cái thú với ruộng đồng. Mùa sim thì đi hái sim. Mùa chà là đi giũ chà là. Đi bắt chim, đi thả lưới cá sông... Cuộc sống thế mà vui!

Lê Phương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nệm rơm nồng nàn
Nệm rơm nồng nàn

Ngày mùa đông lạnh giá, đáng sợ nhất là cái rét buốt tê cóng kèm theo mưa phùn. Sáng sớm hé cửa trông ra thấy trời bàng bạc màu sương, con gái tôi năn nỉ xin mẹ được nghỉ học một buổi. Nghe con nói, tôi bất giác bật cười. Ngày xưa, mình cũng… lười y thế. Cũng tìm đủ lý do để được ở nhà vào ngày mưa lạnh, nằm lì trên chiếc nệm rơm nồng nàn hơi ấm.

Ký ức của người trở về
Ký ức của người trở về

Trong dòng ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt, những tháng ngày cầm súng nơi chiến trường thì có lẽ Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 là khoảng thời gian người cựu binh, Đại tá Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1943, tại Bố Trạch, Quảng Bình) không thể nào quên. Bởi ông đã cùng đồng đội can trường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và may mắn trở về...

Ký ức đồng chiêm
Ký ức đồng chiêm

Lễ hội đua ghe thực sự chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong đời sống tinh thần và cả đời sống tâm linh của cư dân đầm phá...

Ký ức trò chơi dân gian
Ký ức trò chơi dân gian

Nghe tin Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đưa trò chơi dân gian vào các tiết sinh hoạt, ngoại khóa ở các trường học và khuyến khích các trường đưa một số trò chơi dân gian thành môn thi đấu trong các cuộc thi thể thao, tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ.

Một thuở giếng khơi
Một thuở giếng khơi

Đắn đo, suy tính mãi, cha mẹ tôi quyết định dựng lại gian bếp và khu công trình phụ tắm giặt, vệ sinh.