Thứ Ba, 11/09/2018 08:46

Thư viện làng tỏa lan phong trào khuyến đọc

Cùng với các hoạt động khuyến học và khuyến tài, đã và đang lan tỏa phong trào khuyến đọc với sự ra đời của các tủ sách gia đình và thư viện làng.

Lớp học miễn phí của “thầy giáo làng”Làng An Truyền có 32 học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1

Cũng đã khá lâu rồi, tôi có dịp gặp ông Hồ Văn Dũng ở thôn Hà Lạc (xã Quảng Lợi), một nhà giáo đã chuyển ngành. Tuổi thơ nghèo khó, không có điều kiện học hành nhưng chính những cuốn sách mượn từ bạn bè, thầy cô đã cho ông tri thức. Bởi vậy, ông đã tìm mọi cách xây dựng cho bằng được một tủ sách gia đình, có đến 500 cuốn. Nhà ông ở gần Trường tiểu học xã Quảng Lợi, mỗi khi rảnh rỗi, các em học sinh lại chạy sang tủ sách của ông mượn đọc. Ðiều làm ông vui nhất chính là ý thức tự giác của các em học sinh nơi đây. Không chỉ cho mượn sách, ông Dũng cũng là người định hướng cho các em đọc sách sao cho phù hợp với lứa tuổi.

Không còn quá xa lạ ở Quảng Điền là các tủ sách và thư viện của gia đình hay của làng, của thôn. Có thời điểm, chỉ riêng thị trấn Sịa đã có đến sáu tủ sách của làng và gia đình. Thôn Thạch Bình có một thư viện làng ra đời sớm và hoạt động hiệu quả nhất với hàng ngàn đầu sách. Người đọc được phát thẻ, có thư mục sách, cũng phải giữ yên lặng không làm phiền người khác, nghĩa là tuân thủ các nội quy như những thư viện lớn trong tỉnh. Chỉ khác, thư viện làng này không hề thu tiền.

Thôn, làng có tủ sách, phụ huynh mừng vì không phải quản con trong dịp hè. Các cháu trong thôn cũng siêng học hẳn ra, thay vì những cuộc đi chơi vô bổ như trước đây. Tôi nhớ cách nay không lâu, một nông dân ở thôn Thủ Lễ (xã Quảng Phước) cho biết: “Từ khi có tủ sách làng, chúng tôi đã biết thêm nhiều kiến thức trong chăn nuôi, chăm bón hoa màu, lúa, kỹ thuật trồng nấm... sao cho hiệu quả. Trẻ em trong làng đã hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ, giúp chúng tránh xa các tệ nạn xã hội, nâng cao hiểu biết và sự ham học”.

Đằng sau một tủ sách gia đình hay thư viện làng là cả một tấm lòng. Tôi có anh bạn quê Quảng Trị, đang làm việc tại một nhà xuất bản ở thành phố Hồ Chí Minh. Mấy năm gần đây, ba mẹ của anh mất, căn nhà ở quê còn lại không ai ở và chăm sóc. Vậy là tận dụng ngôi nhà, anh quyết định “dốc sức” để xây dựng một thư viện lấy tên là “Khai trí”. Vừa bỏ tiền mua sách, anh vừa kêu gọi sự đóng góp của bạn bè thân hữu.

Cách đây vài năm, thư viện “Khai Trí” khai trương và có đến trên 5.000 bản sách. Thuê người ở quê phục vụ, anh bạn tôi điều hành từ xa. Để khuyến khích phong trào đọc sách, hằng năm anh có sáng kiến thưởng cho bạn đọc tích cực nhất của thư viện. Khí thế đang lên thì liên tục những trận lũ lớn trong năm 2020 đã làm ướt hỏng gần như toàn bộ sách của “Khai Trí”. Không chịu bỏ cuộc, anh bạn tôi tìm mọi cách cứu thư viện. Chỉ vài tháng sau lũ, bằng công sức của bạn và sự trợ giúp của bạn bè, hàng ngàn bản sách được bổ sung và thư viện Khai Trí của bạn tôi lại đều đặn phục vụ bạn đọc trong vùng.     

Tháng 4/2019, nhân Ngày sách Việt Nam, huyện Quảng Điền được UBND tỉnh chọn là địa điểm trưng bày và nói chuyện về điểm sáng phong trào đọc sách. Nhân dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông đã tặng hơn 100 đầu sách (hơn 200 bản) cho thư viện Nguyễn Chí Thanh, thư viện tổ dân phố Thạch Bình, thư viện tư nhân ông Trương Vững, thư viện tư nhân ông Văn Đình Tiến. Các nhà xuất bản Thuận Hóa, Đại học Huế, Công ty Sách và Thiết bị trường học cũng tặng nhiều đầu sách hay cho các thư viện và trường học trên địa bàn huyện Quảng Điền.

Chúng tôi cho rằng, các tủ sách gia đình hay thư viện làng đang rất cần sự đồng cảm và chung tay của cộng đồng để tồn tại và nhân rộng. Nhớ trong “Vi Hiền truyện” đã có đúc rút đầy ý nghĩa, rằng: “Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách hay”. Khuyến đọc, thiết nghĩ cũng là khuyến học.

Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để ai bị bỏ lại phía sau
Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bằng những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp hội phụ nữ Thừa Thiên Huế hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào học tập
Nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào học tập

Từ thực tiễn các phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”… xuất hiện nhiều tấm gương học sinh, sinh viên sống đẹp, sống có ích, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, sáng tạo và nghiên cứu khoa học.