Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám đốc Công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Văn Hướng
Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và Công ty IDG Vietnam tổ chức Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2018. Hội thảo đã có sự tham dự của trên 200 đại biểu là đại diện các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia và các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám đốc Công nghệ thông tin (CNTT) của cơ quan nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự và có bài phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, trong những năm gần đây, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ điện tử cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo Báo cáo của Liên hợp quốc về phát triển Chính phủ điện tử tại các quốc gia thành viên, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, từ nhóm các nước có chỉ số phát triển trung bình sang nhóm các nước có chỉ số phát triển cao, tăng 10 hạng trong bảng xếp hạng chung, lên thứ 89/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đang xếp thứ 6 về chỉ số phát triển chung và đứng thứ 4 về chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử là “Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EDGI) của Liên hợp quốc”, Chính phủ và Bộ ngành các cấp cần phối hợp chặt chẽ cũng như quyết tâm cao độ nhằm hiện đại hoá cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ thống điện tử kết nối và liên thông từ trung ương tới địa phương, ứng dụng mạnh mẽ CNTT gắn chặt với công cuộc cải cách hành chính và phát triển dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4; đồng thời tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Trên cơ sở đó, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2018 được tổ chức lần này có chủ đề: “Phát triển chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả” nhằm để các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ trao đổi, đánh giá về thực trạng và đề ra những giải pháp cho việc ứng dụng CNTT trong sự phát triển của Chính phủ điện tử, nhằm tăng cường năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước; đồng thời nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ công.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử
Quang cảnh tại Hội thảo Ảnh: Văn Hướng
Tại hội thảo, các đại biểu nghe các báo cáo như: Thực trạng, tầm nhìn và chiến lược thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam của Cục Tin học hóa - Bộ thông tin và Truyền thông; Chính phủ điện tử nhằm thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình của đại diện Chương trinh phát triển Liên hiệp quốc; Phát triển dự liệu mở Chính phủ và tăng cường tiếp cận thông tin cho phát triển kinh tế của đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Chính phủ điện tử hỗ trợ thương mại quốc tế từ công nghệ tới chính sách của đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam; Vai trò của Bưu điện Việt Nam trong cung cấp dịch vụ hành chính công và triển khai Chính phủ điện tử...
Đáng chú ý là báo cáo tham luận của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ về: “Xây dựng chính quyền điện tử trên cơ sở hiện đại hóa hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và nhận thức của người dân”.
Ngoài phiên báo cáo chính, Hội thảo còn có 2 phiên thảo luận chuyên đề với nội dung: “Đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống Chính phủ điện tử” và “Ứng dụng giải pháp Chính phủ điện tử để cải cách, cung ứng dịch vụ hành chính công, gia tăng trách nhiệm giải trình và chống tham nhũng”. Bên cạnh đó, trong chương trình Hội thảo, Hội truyền thông số Việt Nam cũng sẽ công bố kết quả đánh giá, xếp hạng các đơn vị có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tiêu biểu năm 2017.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đứng thứ nhất về phát triển Chính phủ năm 2017 đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chỉ số tổng hợp phát triển Chính phủ điện tử đạt 0,727, tiếp theo lần lượt là Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh. Thừa Thiên Huế cũng nằm trong Top 10 địa phương hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
Bảng xếp hạng Chính phủ điện tử cấp tỉnh năm 2017
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, cả ba nhóm chỉ số cơ bản của hệ thống Chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực đều đã được nâng cao. Hiện tổng cộng đã có thêm 13.909 dịch vụ cấp độ 3 và 4 được các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương xây dựng, vận hành. Như vậy, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp tổng cộng 1.551 dịch vụ công trực tuyến. Tại các địa phương, con số này là 45.374 dịch vụ.
Chỉ số hạ tầng viễn thông cũng có sự gia tăng đáng kể, tỷ lệ người dùng Internet chiếm 54,2% dân số Việt Nam, mật độ thuê bao cố định là 4,9 thuê bao/100 dân, mật độ thuê bao di động là 129 thuê bao/100 dân, thuê bao băng thông rộng cố định là 12 thuê bao/100 dân, thuê bao băng rộng di động là 48,4/100 dân.
Theo Sách trắng CNTT do Bộ Thông tin và truyền thông phát hành năm 2017: Hiện Việt Nam đã có ít nhất 10.872 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 1.400 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.
Nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương đã được người dân, doanh nghiệp thực hiện với số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết rất lớn, như Bộ Công an (8,8 triệu hồ sơ), Bộ Công Thương (772.000 hồ sơ), Bộ GD&ĐT (270.000 hồ sơ), Bộ Giao thông Vận tải (144.1189 hồ sơ); TP.Hà Nội (225.173 hồ sơ); tỉnh Lâm Đồng (110.625 hồ sơ); Cà Mau (95.000 hồ sơ), Thái Nguyên là (91.201 hồ sơ); Hà Nam (82.000 hồ sơ)…
Chính phủ đã có kế hoạch cụ thể để ban hành Nghị quyết mới về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2025. Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn bị việc thành lập Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Uỷ ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT.
Bài, ảnh: Thái Bình- Văn Hướng