Thứ Ba, 11/06/2024 15:16

THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khoa học - công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) được coi là cơ sở quan trọng hàng đầu cho sự phát triển nhanh và bền vững. Trước thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với KHCN và ĐMST trở thành yếu tố đầu vào quan trọng của lực lượng sản xuất hiện đại, là chìa khóa quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế.
  1. 1. Khái quát về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

            ĐMST là yếu tố quan trọng hàng đầu trong động lực tăng trưởng kinh tế, tạo ưu thế cạnh tranh. Nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… đang hướng tới “nền kinh tế ĐMST” (Innovation Economy), lấy ĐMST làm động lực. Ở giai đoạn lấy ĐMST làm động lực phát triển, nguồn chủ yếu để tạo ra ưu thế cạnh tranh là năng lực ĐMST, thiết kế và sản xuất các sản phẩm và dịch vụ mới ở những công nghệ mũi nhọn. Đây cũng là xu hướng tất yếu, đặc biệt là được thúc đẩy mạnh mẽ bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc xây dựng “nền kinh tế ĐMST” thành công phụ thuộc phần lớn vào năng lực ĐMST, hay nói cách khác là phải xây dựng được hệ sinh thái ĐMST (Innovation Ecosystem) hiệu quả. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái ĐMST có vai trò quyết định trong việc thúc đẩy quá trình ĐMST và nâng cấp liên tục năng lực công nghệ của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực, địa phương và quốc gia. Cách tư duy này mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia nhằm giải quyết những thách thức lớn về tăng trưởng dài hạn và quan trọng hơn, góp phần gia tăng sức cạnh tranh của mỗi quốc gia trên thế giới.

            Thực tế cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST bao gồm: Các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và các chủ thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, trong đó, có chính sách và luật pháp của nhà nước (về thành lập doanh nghiệp, thành lập tổ chức đầu tư mạo hiểm, thuế, cơ chế thoái vốn...); cơ sở hạ tầng dành cho khởi nghiệp (các khu không gian làm việc chung, cơ sở vật chất phục vụ thí nghiệm, thử nghiệm để xây dựng sản phẩm mẫu...); vốn và tài chính (các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư cá nhân, các ngân hàng, tổ chức đầu tư tài chính...); văn hóa khởi nghiệp (văn hóa doanh nhân, văn hóa chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, thất bại); các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, các huấn luyện viên khởi nghiệp và nhà tư vấn khởi nghiệp; các trường đại học; các khóa đào tạo, tập huấn cho cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp; nhà đầu tư khởi nghiệp; nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp; thị trường trong nước và quốc tế.

            Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn, quan trọng qua từng giai đoạn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp”[1]; Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, ĐMST, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới”. Để đạt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Đảng đưa ra quan điểm, chủ trương đổi mới một cách đồng bộ và toàn diện: Phát triển KHCN, ĐMST, phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế tư nhân là một trong các đột phá chiến lược.

  1. Thực trạng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam

            Cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết xác định 10 nguyên tắc chủ đạo, trong đó có 5 nguyên tắc liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân; thực hiện chủ trương nhà nước kiến tạo lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm sự nhất quán dễ dự báo của chính sách; Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp; Có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016, về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, với mục tiêu khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp đó, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh: "Xây dựng và phát triển hệ thống các trung tâm ĐMST quốc gia, trung tâm ĐMST vùng, ngành, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết ĐMST với các khu công nghệ cao, khu dân cư, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu…”.

            Ngoài ra, một số nội dung quan trọng của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” đã và đang được triển khai thực hiện như: Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia đã xây dựng và đưa vào thực hiện, phát triển khu công nghiệp thông tin tập trung và khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được tập trung thực hiện ở 2 thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) và một số địa phương…

            Như vậy, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến hoạt động khởi nghiệp đã từng bước được hình thành và dần hoàn thiện. Đảng và Nhà nước xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp về cả số lượng, quy mô và chất lượng, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo là những giải pháp quan trọng để thực hiện đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

            Trong những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp bắt đầu có những tiến triển đáng khích lệ, đặc biệt sau khi có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những ứng dụng vượt trội hỗ trợ lựa chọn phương án kinh doanh, tiếp cận thị trường huy động các nguồn lực; nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết, đã mở rộng không gian phát triển… tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển những ngành, lĩnh vực, các sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh. Sự phát triển rõ nét nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST Việt Nam trong năm qua chính là việc ứng dụng có chiều sâu mô hình ĐMST vào các hoạt động dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo giáo dục, kinh doanh... Ngoài ra, những lĩnh vực dịch vụ như là thanh toán, tài chính, logistics cũng được tăng cường ứng dụng.

            Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang hình thành nhiều hiệp hội, các cơ sở về những lĩnh vực chuyên sâu. Các trường đại học cũng hướng đến đại học khởi nghiệp ĐMST với sự ra đời của nhiều trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, các chương trình huấn luyện. Mạng lưới cố vấn của Việt Nam cũng phong phú hơn, đặc biệt là kiều bào ở nước ngoài. Điều này cho thấy sự tăng trưởng rất tốt cả về chiều sâu lẫn chiều rộng của hệ sinh thái khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển trong trạng thái bình thường mới và giải quyết các bài toán lớn của nền kinh tế, đó là nền kinh tế chuyển đổi số, nền kinh tế ứng dụng những mô hình ĐMST.

            Theo Báo cáo chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO công bố vào tháng 10/2023, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ. Chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy hệ sinh thái của các thành phố ở Việt Nam như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới về chỉ số này. Sau thời kỳ dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã tăng trưởng trở lại với 634 triệu USD năm 2022 và đạt gần 500 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.

Bảng 1 - Xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp một số thành phố trên thế giới

Bảng xếp hạng

2019

2020

2021

2022

2023

Việt Nam

72

59

59

54

58

Hà Nội

229

196

191

222

174

Thành phố Hồ Chí Minh

 

225

179

111

114

Thái Lan

 

 

 

53

52

Bangkok

 

 

 

99

74

Phuket

 

 

 

547

640

Chiang Mai

 

 

 

567

591

Pattaya City

 

 

 

864

849

Nguồn: Startup Blink (2023)

Việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐSMT với mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tạo ra giá trị vượt trội. Hiện trên cả nước đã có gần 200 khu làm việc chung, khoảng 70 vườn ươm doanh nghiệp, 30 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 108 quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST chính là hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi; nguồn lực tài chính phù hợp và sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu.

            3. Khuyến nghị cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội

            Trong những năm qua, hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Hà Nội diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Hà Nội đang từng bước phát triển dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị có liên quan. Cụ thể, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 08/7/2019 quy định quy chế đặc thù cho khởi nghiệp ĐMST; UBND Thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025”. Đây chính là cơ sở, là nền tảng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Hà Nội trong thời gian qua. Bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam dưới đây thể hiện khá rõ nét mức độ phát triển của hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Hà Nội qua từng năm.

           Bảng 2 - Bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam

Năm

Việt Nam

TP.Hà Nội

TP. Hồ Chí Minh

 

Xếp hạng

Thay đổi

Xếp hạng

Thay đổi

Thay đổi

Xếp hạng

2017

60

 

173

 

 

 

2019

72

-12

229

-56

 

 

2020

59

+13

196

+33

225

Lần đầu tiên có tên trong bảng xếp hạng

2021

59

0

191

+5

179

+46

2022

54

+5

222

-31

111

+68

Nguồn: Tổng hợp của tác giả, 2023

   Theo xếp hạng của Tổ chức Startup Blink (Bảng 1), thứ tự của Hà Nội trong Bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp của các thành phố trên toàn cầu có chiều hướng tăng lên: Năm 2019 đứng thứ 2.029/1.000, năm 2023 xếp hạng 174/1000. Dẫu vậy, cho đến nay Hà Nôi vẫn chưa lọt vào “top” 200 hệ sinh thái dẫn đầu trên thế giới.

            Thực tế cho thấy, cùng với cả nước, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Hà Nội đã có những bước phát triển tích cực, song chưa thực sự phát huy được tiềm năng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu do các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp còn hoạt động rời rạc, chưa có sự gắn kết. Mặc dù, Hà Nội có cơ sở thực tiễn và nguồn đầu tư sẵn có để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhưng còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các đơn vị để huy động, phát triển các tiềm năng đó. Quy trình lựa chọn của các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn rất khắt khe và không phải doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST nào cũng có thể tiếp cận… Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, làm đứt gãy một số chuỗi sản xuất, thương mại, hạn chế sự di chuyển các nguồn lực trên quy mô quốc gia và quốc tế, dẫn tới sự khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST còn non trẻ và dễ bị tổn thương, gây ra những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Thủ đô.

Để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn Thủ đô trong giai đoạn tới, Hà Nội cần thực hiện hiệu quả một số giải pháp trọng tâm sau:

            Một là, khơi thông, khuyến khích phát triển nguồn tài chính khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm. Tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Đồng thời, chủ động đề xuất, tháo gỡ một số “điểm nghẽn” trong huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng...

            Hai là, mở rộng tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Hà Nội có thể thí điểm cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia đấu thầu mua sắm công của Thành phố, Chương trình triển khai Chính phủ điện tử và Thành phố thông minh. Một kênh tiếp cận thị trường có tiềm năng phát triển cao cho doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là mua sắm và đặt hàng giải pháp công nghệ từ phía các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước. Để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thị trường này, Thành phố từng bước phát triển thị trường KHCN với sự tham gia đặt hàng của các doanh nghiệp lớn và khuyến khích sự tham gia cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp khởi nghiệp.

            Ba là, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ sở ươm tạo; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, đặc biệt là các trường thuộc khối kỹ thuật - công nghệ, cần thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, với các nhiệm vụ hình thành không gian chung, tài trợ kinh phí cho các nhóm khởi nghiệp là giảng viên và sinh viên, tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản trị liên quan đến khởi nghiệp cho các nhóm khởi nghiệp. Tạo hành lang hỗ trợ tối đa cho thành lập một số trung tâm, viện nghiên cứu độc lập hoặc trực thuộc các trường đại học trên địa bàn về hai lĩnh vực công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI); khuyến khích các trường đại học liên kết quốc tế mở các ngành học về các công nghệ này để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích các chuyên gia người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và người nước ngoài cộng tác nghiên cứu và đào tạo với các trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học trên địa bàn.

            Bốn là, đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng cho khởi nghiệp ĐMST. Để nâng cao hiệu quả và hiệu suất khai thác, cần tăng cường kết nối giữa những cơ sở hiện hữu với việc đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất của các trường đại học, các cơ sở ươm tạo và các trung tâm tăng tốc. Cần xây dựng Quy chế phối hợp đầu tư, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất cho khởi nghiệp sáng tạo giữa chính quyền, các trường đại học, các cơ sở ươm tạo và các trung tâm tăng tốc… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST hiện thực hóa ý tưởng của mình.

            Năm là, xây dựng Trung tâm ĐMST và khởi nghiệp Hà Nội với nhiệm vụ: Hình thành hệ thống không gian khởi nghiệp và hệ thống dịch vụ hỗ trợ; Cung cấp cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cần thiết để các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và triển khai các công việc kinh doanh; Thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Facebook tới đặt trung tâm R&D và văn phòng; Thu hút và quy tụ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế, hiệp hội tham gia hoạt động đầu tư cho cá nhân, nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nhằm thúc đẩy hoạt động ĐMST, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực công nghệ và sản xuất cho Thành phố; Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sáng tạo trong cộng đồng sinh viên, trong các trường đại học, cao đẳng, gắn nghiên cứu với thực tiễn; Tuyển chọn các đối tượng trong hệ sinh thái đáp ứng điều kiện tham gia Đề án và tham gia ươm tạo tại Trung tâm ĐMST và khởi nghiệp.

            Trung tâm ĐMST và khởi nghiệp Hà Nội thực hiện chức năng: Quảng bá công nghệ; Tư vấn - Đào tạo; Cung cấp các dịch vụ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: Khu làm việc chung (Co-working space); Tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng sáng tạo; dự án sáng tạo; Tổ chức các khóa huấn luyện về khởi nghiệp sáng tạo (bootcamp); Cố vấn khởi nghiệp (mentoring); Hỗ trợ vốn khởi nghiệp...; Hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ (R&D); Kết nối mạng lưới: Tổ chức các sự kiện kết nối mạng lưới, dẫn dắt hệ sinh thái; Kết nối đầu tư và xúc tiến thương mại; Hình thành mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế...

            Sáu là, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg, ngày 10/10/2023 về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và bàn giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học & Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội quản lý. Ngày 24/11/2023, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được chính thức chuyển giao cho Hà Nội, trở thành bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, với mục tiêu chính, thúc đẩy phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, bảo đảm giữ vững vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công chiến lược phát triển KHCN và ĐMST của quốc gia giai đoạn đến năm 2030.

            Hà Nội cần huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn lực xã hội để tiếp tục phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo đúng định hướng, mục tiêu đã đề ra. Một mặt, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, mặt khác xây dựng những cơ chế chính sách có tính đột phá để đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành trung tâm KHCN và ĐMST hàng đầu của quốc gia và có vị thế tương xứng trong khu vực. Đối với Hà Nội, việc phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cụ thể hóa quy hoạch xây dựng Thành phố phía Tây theo mô hình thành phố trong thành phố, kiến tạo nên một không gian phát triển mới cho Thủ đô trong tương lai./.

Dương Thu Phương (Tổng hợp)
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.