Thứ Sáu, 07/03/2014 08:31

Tỉ lệ hút thuốc thụ động giảm mạnh nhờ nhiều người Việt bỏ thuốc lá

Bộ Y tế vừa công bố kết quả điều tra lần thứ 2 về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015 (GATS 2015). Tỉ lệ hút thuốc lá ở cả nam và nữ đã giảm xuống, đặc biệt ở khu vực thành thị, nơi làm việc.

Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, so với 5 năm trước tỉ lệ hút thuốc lá ở cả nam và nữ có xu hướng giảm, từ 23,8% xuống còn 22,5%.

Đặc biệt tỉ lệ nam giới ở thành thị hút thuốc lá điếu đã giảm đáng kể, từ 45,3% (năm 2010) xuống còn 38,7% (năm 2015).Tuy vậy, ở khu vực nông thôn, tỉ lệ nam giới bỏ thuốc vẫn chưa có sự thay đổi.

Cũng theo kết quả điều tra này, tổng số người hút thuốc của Việt Nam hiện khoảng 15,6 triệu người, trong đó chủ yếu là nam giới. Mặc dù tỉ lệ này có xu hướng giảm nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế giới.

Thuốc lá chứa nhiều chất độc hại gây bệnh cho người hút chủ động và cả người hút thuốc lá thụ động

Phân tích con số này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, con số giảm hút thuốc lá dù vẫn còn thấp nhưng số lần hút thuốc giảm đi nhiều do Việt Nam có các quy định về Luật phòng chống tác hại thuốc lá, các điểm cấm hút thuốc trong nhà buộc nhiều người phải nhịn khi lên “cơn nghiện”.

Nhờ tỉ lệ hút thuốc lá giảm, số người hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc đã giảm từ 55,9% (năm 2010) xuống 42,6% (năm 2015). Tương tự, số người hút thuốc lá thụ động tại cơ sở chăm sóc y tế giảm từ 23,6% xuống 18,4%. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại các trường đại học, cao đẳng giảm mạnh từ 54,3% xuống 37,9%; tỷ lệ hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng giảm 15%.

Tuy nhiên, lại có hiện tượng thuốc lá điện tử cũng bắt đầu được sử dụng nhiều hơn với tỉ lệ 0,2% người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên hút thuốc.

Tại lễ công bố kết quả, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến một lần nữa nhấn mạnh các tác hại của thuốc lá. Tại Việt Nam mỗi năm có đến 40.000 người tử vong liên quan đến hút thuốc lá. Khoa học ngày càng tìm ra nhiều bệnh nguy hiểm liên quan đến khói thuốc hơn là chúng ta tưởng.

“Chẳng hạn, gần đây các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh được những người hút thuốc lá nhiều thì thế hệ sau của họ có nguy cơ bị dị dạng, tật nguyền, biến đổi gen nhiều hơn. Rồi những người hút thuốc lá nhiều cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nhiều hơn, đây là những tác hại mà trước đây chúng ta chưa tính tới…”, Thứ trưởng Tiến nói.

Thứ trưởng cũng đánh giá, dù công tác phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam chưa tạo chuyển biến giật mình nhưng có thể nói là có hiệu quả đáng ghi nhận, với số người hút thuốc lá giảm, tỉ lệ hút thuốc lá thụ động cũng đã giảm xuống.

Theo Dân trí

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tác hại khôn lường từ thuốc lá điện tử
Tác hại khôn lường từ thuốc lá điện tử

Mặc dù các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại nước ta, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) trong giới trẻ đang gia tăng, bất chấp những tác hại khôn lường của trào lưu mới này.

Thuốc lá điện tử - đừng thử dù chỉ một lần
Thuốc lá điện tử - đừng thử dù chỉ một lần

“Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc hay thuốc lá điện tử, đừng thử dù chỉ một lần. Thuốc lá điện tử không an toàn cho thanh thiếu niên, thanh niên, phụ nữ có thai hoặc người lớn không sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá. Các nhà khoa học vẫn có nhiều vấn đề để nghiên cứu về việc liệu thuốc lá điện tử có hiệu quả trong hỗ trợ cai thuốc hay không”. Đó là điều mà các chuyên gia y tế khuyến cáo cộng đồng trong nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá.

WHO Nên nhường vaccine COVID-19 cho người trưởng thành và nước nghèo
WHO: Nên nhường vaccine COVID-19 cho người trưởng thành và nước nghèo

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết, do trẻ em và thanh thiếu niên ít nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng, nên các quốc gia nên ưu tiên tiêm chủng cho người trưởng thành và chia sẻ vaccine cho Cơ chế COVAX để mang đến nguồn cung vaccine cho các nước nghèo hơn.