Lâu nay, Huế vẫn được mệnh danh là vùng đất của văn chương. Chừ đây, với một hội thảo, qua “góp nhặt”, “xâu chuỗi” rồi tổng hợp lại và đề xuất hướng phát triển mới hay và tỏ tường, mỏ nguồn này của xứ Thần kinh phong phú vô cùng. Nói như nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật ở Thừa Thiên Huế là rất lớn. Nó đã trở thành “ký ức văn hóa” của nhiều thế hệ cư dân, như: hệ thống nhà lưu niệm, nhà thờ danh nhân, bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim, khu nghĩa trang, các khu lăng mộ… liên quan đến các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Còn chuyện du lịch văn chương, nghĩ rằng không có chi lạ.
Nhớ hơn 30 năm trước khi còn ở giảng đường đại học, tôi có dịp vào Quy Nhơn. Địa điểm đầu tiên (và cũng đáng xem duy nhất bấy giờ ở đây) mà người bạn ở đó giới thiệu là cùng nhau đạp xe lên thăm trại phong Quy Hòa và Ghềnh Ráng. Chúng tôi đã có trọn một buổi sáng rong chơi. Đó là nơi nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử sống những ngày cuối đời trong sự dày vò của chứng bệnh nan y và là nơi có mộ phần của ông. Quy Nhơn không phải quê hương, nhưng nhắc tới Hàn Mặc Tử không ai quên được thành phố biển này.
Gần đây, Khu du lịch Ghềnh Ráng - Tiên Sa đã nổi lên như một viên ngọc bích giữa biển xanh và là điểm đến hấp dẫn của Bình Định. Góp phần tạo nên thương hiệu du lịch nổi tiếng này, bên cạnh các bãi biển Tiên Sa, Hoàng Hậu… là mộ phần của Hàn Mặc Tử được xây dựng và trùng tu thường xuyên ngay tại khu vực Ghềnh Ráng - Tiên Sa này. Ghé thăm mộ Hàn Mặc Tử, không chỉ có những người yêu thơ, mà còn có rất nhiều khách du lịch cũng tìm về nơi đây với mong muốn thắp nén hương để tưởng nhớ về người thi sĩ tài hoa nhưng bạc phận này, từng làm thổn thức con tim họ qua những vần thơ.
Huế cũng đang sở hữu nhiều không gian văn hóa nghệ thuật gắn liền với tên tuổi của thi nhân và danh nhân văn hóa. Ví như, lâu nay, ngôi nhà là phủ đệ của Tùng Thiện Vương, em trai vua Thiệu Trị, nổi tiếng trong câu: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/Thi đáo Tùng, Tuy bất thịnh Đường”, hướng mặt ra dòng sông An Cựu “nắng đục, mưa trong” là nơi nhiều người thường hay lui tới. Rồi ngôi nhà cụ Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự cũng vậy. Mới đây, Huế đã xây dựng nhiều không gian văn hóa, nhà tưởng nhiệm gắn liền với các tên tuổi, như Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị, Tố Hữu… Thế nhưng, để trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn còn cần thời gian và phương thức tổ chức hoạt động, quảng bá...
Vậy nên, khi ai đó có ý tưởng đề xuất xây dựng “Đồi thi nhân” như một địa chỉ du lịch cho Huế, tôi đã nghĩ đến Ghềnh Ráng - Tiên Sa và mộ phần chàng thi sĩ Hàn Mặc Tử. Đó là một mẫu hình. Suy cho cùng, các thiết chế văn học nghệ thuật, trong đó có mộ phần của các văn nhân và thi sĩ, cũng là di sản văn hóa và đối với du lịch, đặc biệt ở những vùng đất như Huế, đó là hồn cốt. Chính trên cái nền tảng di sản hồn cốt đó mà nảy sinh ra ý tưởng du lịch thế nào cho hợp lý, cho hấp dẫn. Đó là cả sự công phu và biết cách tạo nên sự khác lạ.
Đan Duy