Thứ Tư, 15/06/2011 06:44

Tìm thấy bài thơ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Qua sách vở chúng ta biết, hoặc được nghe những bậc cao niên kể nhiều câu chuyện sống động và thực sự xúc động về con người tài năng và đức độ suốt đời vì dân vì nước, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nguyễn Vịnh tức Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ông là nhà hoạt động cách mạng, nhà chính trị quân sự tài ba, nhà chỉ đạo kinh tế nông nghiệp giàu thực tiễn, vị Đại tướng của nhân dân, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Sinh thời ông là người nổi tiếng về tài năng diễn thuyết, trong các buổi giảng bài, phổ biến chủ trương của Đảng, quân đội hay chỉ là cuộc nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở các địa phương hoặc ngoài mặt trận, để người nghe chăm chú và thêm hứng khởi Nguyễn Chí Thanh thường viện dẫn nhiều ví dụ cụ thể, đôi lúc dùng ca dao tục ngữ, nhiều trích đoạn các bài tấu nói và cả văn thơ, hò Huế… Trong những năm tháng gian khổ của dân tộc, chỗ nào ông xuất hiện thì đều gây được niềm tin, để lại những ấn tượng tốt đẹp về phong cách hành xử cũng như lối nói chuyện: những kiến giải của ông rất cụ thể, dễ hiểu và xúc động. Ngoài “chức phận” một cán bộ lãnh đạo chính trị cao cấp của Đảng và quân đội, ông còn là một nhà báo có bút lực dồi dào, viết nhiều bài xuất sắc cho nhiều tờ báo lớn như: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Học tập, Quân Giải phóng, Nội san Tuyên huấn, Tạp chí Văn hóa…với những bút danh: Sáu Di, Trường Sơn, Người Quan Sát, D.400, S.K.Z, Tr.S… Và có lẽ trong một đời hoạt động cách mạng không ai viết “thư tình” cho người vợ yêu quý của mình nhiều như Tướng Nguyễn Chí Thanh, hiện gia đình của ông đang lưu giữ gần 150 bức!
 
 
Ngoài những sở trường đã trở thành sự nghiệp cả đời ông vẫn hiện hữu trong chúng ta, ít ai biết ông còn một “sở đoản”, đó là làm thơ.
 
Thi thoảng Đại tướng của chúng ta “ngẫu hứng” làm thơ. Theo ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, người gọi Nguyễn Chí Thanh bằng anh con bác ruột, thì Đại tướng làm thơ không nhiều (ông Chính bảo: nhiều người nói thơ anh Thanh không hay lắm. Thơ tuyên truyền. Cười!) mà đa phần đã bị thất lạc. Vừa qua, trong lúc sưu tầm tư liệu báo chí xuất bản ở Huế, chúng tôi đã tìm được một bài thơ của ông.
 
Bài thơ này in trên báo Tay thợ, Cơ quan tuyên truyền tranh đấu của công nhân Trung Bộ, số báo đặc biệt kỷ niệm 1 năm ngày đất nước độc lập (2/9/46), Bí thư Xứ ủy Nguyễn Chí Thanh gửi bài thơ với ngôn từ mộc mạc nhưng lại “chứa nhiều chất thép” để Tặng thợ thuyền lao động Việt Nam.
 
Nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của ông (1/1/1914 – 1/1/2014), với một tình cảm trân trọng và tự hào về người con kiệt xuất của quê hương cách mạng Thừa Thiên Huế và Việt Nam, xin được giới thiệu một trong số ít bài thơ này của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
 
Ai thắng nổi những bàn tay gân guốc ấy,
 
Một khi nó đã vươn mình trỗi dậy,
 
Như ngọn triều tiền phong xô đẩy
 
Cả muôn làn tung tóe bắn lên cao.
 
Người xứng đáng những đàn con yêu nước;
 
Người đã làm sự mệnh một tiền quân;
 
Ôi oanh liệt!
 
Đoàn công nhân Việt Nam,
 
Một lòng thôi! chỉ biết tôn thờ,
 
Tổ quốc thân yêu với một ngọn cờ,
 
Chiến thắng đã tô bằng máu đỏ.
 
Thác đổ! thác đổ! như thác đổ.
 
Từ Nam phương xuôi gió,
 
Vượt biên thành sang tới tận Ba Lê.
 
Người mang đi những hy vọng tràn trề,
 
Rồi từ đó tên người trong quốc tế;
 
Cần lao đã ngồi bàn chễm chệ,
 
Ngồi phân phô, toan tính chuyện hơn, thua.
 
Ai đã thắng? Chính đây người đã thắng!
 
Ai sẽ thắng? Ngày mai người sẽ thắng!
 
Tổ quốc phải quang vinh!
 
Thế giới phải hòa bình!
 
Dân chủ sẽ trường sinh!
 
Phát xít, hả! mạt lộ!
 
Những lát búa từ tay ta cứ bổ,
 
Cho tan hoang chế độ bất bình,
 
Máu muôn đời đun luyện chí bình sinh,
 
Mau chiếm lấy một ngày mai đồ sộ!
 
5/8/46
 
Nguyễn Chí Thanh”
Dương Phước Thu (sưu tầm, giới thiệu)
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.