Thứ Ba, 23/06/2020 06:45

Tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: Vừa đáp ứng nhu cầu, vừa kiểm soát chặt chẽ

Không chỉ tiếng Anh, số người có nhu cầu dự thi các chứng chỉ ngoại ngữ (CCNN) quốc tế về tiếng Nhật, Hàn, Trung khá lớn. Vì vậy, đơn vị được cấp phép tổ chức thi càng phải đảm bảo yêu cầu kiểm soát chặt chẽ ở các khâu.

Những đơn vị được cấp phép tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trở lạiSiết chặt thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tếBỏ quy định trình độ ngoại ngữ, tin học với phóng viên, biên tập viên

Tập huấn công tác coi thi chứng chỉ tiếng Trung HSK

Nhu cầu lớn

Mới đây, ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Nhật JLPT giữa Trường đại học (ĐH) Ngoại ngữ, ĐH Huế và Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (ngày 28/11), các đơn vị đã tổ chức kỳ thi liên quan (ngày 4/12) với số lượng thí sinh đăng ký dự thi hơn 870 người.

Theo TS. Nguyễn Thị Hương Trà, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, từ năm 2018, Trường ĐH Ngoại ngữ là đơn vị phối hợp với đối tác Nhật Bản triển khai tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Nhật JLPT, mỗi năm 2 đợt. Qua thực tiễn, người có nhu cầu đăng ký dự thi khá lớn, từ khoảng 700 - 1.000 thí sinh mỗi đợt. Không chỉ học sinh, sinh viên mà còn có nhiều đối tượng khác có nhu cầu dự thi, ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.

Các chứng chỉ tiếng Trung HSK, tiếng Hàn TOPIK cũng thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự thi. Theo đại diện Phòng Đào tạo - Trường ĐH Ngoại ngữ, sau khi có Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, nhà trường đã làm hồ sơ để xin được tiếp tục liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Nhật JLPT, tiếng Trung HSK, tiếng Hàn TOPIK. Hiện, Bộ GD&ĐT đã cho tổ chức thi lại chứng chỉ tiếng Nhật, các chứng chỉ khác đang chờ quyết định cấp phép của Bộ, song, nhu cầu thực tế không nhỏ.

Theo PGS.TS. Liêu Linh Chuyên, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Ngoại ngữ, dù sinh viên chuyên và không chuyên có thể thi các chứng chỉ của nhà trường vẫn đáp ứng chuẩn đầu ra (chuẩn đầu ra ngoại ngữ chuyên hiện tại là B2, từ khóa tốt nghiệp năm 2025 là C1, ngoại ngữ không chuyên là B1), nhưng nhu cầu thi các chứng chỉ quốc tế cũng khá lớn. Trước đây, mỗi năm nhà trường phối hợp với đối tác từ Trung Quốc triển khai thi cấp chứng chỉ tiếng Trung HSK mỗi năm ít nhất 3 đợt, trung bình mỗi đợt có 400-500 lượt thí sinh, thấp nhất là hơn 200 lượt thí sinh và cao điểm có đợt trên 800 thí sinh. Riêng đối với chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK, ThS. Đỗ Thị Kiều Diễm, Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc cho hay, qua các năm, trường và khoa phối hợp Viện Giáo dục Hàn Quốc tại Hà Nội (văn phòng đại diện của đối tác từ Hàn Quốc) thực hiện tổ chức thi mỗi năm 3 đợt và điểm thi tại trường, luôn có trên 200 thí sinh đăng ký.

Sở dĩ các CCNN quốc tế có nhu cầu lớn là vì có giá trị cao hơn các chứng chỉ trường cấp và không chỉ đáp ứng được các điều kiện đầu ra với sinh viên, mà còn thuận lợi cho các đối tượng đi du học. Theo Hoài An, một thí sinh dự thi CCNN tiếng Nhật, CCNN quốc tế được các đơn vị chấp nhận ở phạm vị rộng, kể cả nhiều doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng. Nhiều người tham gia xuất khẩu lao động cũng phải đáp ứng yêu cầu về CCNN.

“Để đi xuất khẩu lao động, yêu cầu phải biết cơ bản về ngôn ngữ nên nhiều người học ở bên ngoài nhưng tham gia thi ở trường. Nhà trường chỉ là đơn vị phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức thi cấp CCNN. Tại Huế, trước đây chỉ có điểm thi đại diện ở trường được phối hợp thực hiện tổ chức thi cấp chứng chỉ này”, đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ thông tin.

Kiểm soát nghiêm ngặt

Vừa qua, Bộ GD&ĐT tạm dừng thi và cấp nhiều CCNN quốc tế sau đó cấp phép tổ chức thi cấp CCNN quốc tế cho các đơn vị trở lại là động thái nhằm siết chặt thi CCNN quốc tế, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Trên thực tế, với nhu cầu thí sinh lớn, yêu cầu kiểm soát từ cả các khâu một cách nghiêm ngặt đều phải đặt lên hàng đầu. Theo TS. Nguyễn Thị Hương Trà, với các yêu cầu từ đối tác quốc tế, nhà trường không phải đứng ra tổ chức mà là đơn vị phối hợp thực hiện và được giám sát chặt chẽ, khách quan. Đề thi do đối tác nước ngoài chuyển qua đường bưu điện, có các bộ phận độc lập để bảo mật và kiểm soát. Tại điểm thi thành lập hội đồng, ban thư ký, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát và các bộ phận làm việc nghiêm túc, sau đó bài thi cũng được bảo mật chuyển cho tổ chức quốc tế.

PGS.TS. Liêu Linh Chuyên cho hay, tại điểm thi tiếng Trung HSK, phía đơn vị đối tác từ Trung Quốc còn yêu cầu lắp camera và theo dõi tất cả quy trình nghiêm ngặt. Trong phòng thi, nếu thí sinh có biểu hiện trao đổi bài hoặc hỗ trợ thí sinh khác, lập tức sẽ trích xuất camera và hủy kết quả thi.

Đến nay, để đảm bảo đúng các yêu cầu từ Bộ GD&ĐT, các đơn vị tại Trường ĐH Ngoại ngữ phối hợp với đối tác từ hai nước Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo đúng yêu cầu để được cấp phép trở lại. Song với nhu cầu lớn từ thí sinh, hiện các đơn vị vẫn sẵn sàng các phương án đảm bảo tổ chức thi cấp chứng chỉ trở lại khi được cấp phép.

Một trong những yêu cầu quan trọng mà đơn vị tổ chức tại điểm thi phải đặc biệt quan tâm đó là kỹ lưỡng từ các khâu chuẩn bị, tổ chức, giám sát và các công tác liên quan. Trong đó, từ khâu đề thi, quy trình đăng ký dự thi, quy trình tổ chức thi; cơ sở vật chất, trang, thiết bị để tổ chức thi; việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trước, trong và sau khi thi; đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên đều thực hiện theo quy định của đối tác quốc tế và các quy định của pháp luật của Việt Nam dưới sự kiểm soát của các bên độc lập.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức ZhiShan Foundation trao 102 suất học bổng cho học sinh Phong Điền
Tổ chức ZhiShan Foundation trao 102 suất học bổng cho học sinh Phong Điền

Ngày 15/2, Văn phòng dự án Zhi Shan Foundation phối hợp với Trung tâm công tác xã hội, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh - Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền trao học bổng đợt 1 năm 2023 cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tập.