Chủ Nhật, 25/10/2009 21:09

Văn hóa áo dài

Buổi trưa nóng như đổ lửa. Tháp tùng mấy người bạn phương xa vào chợ Đông Ba, đến được các kiốt đặc sản tôm chua, nón lá thì áo đã thấm ướt mồ hôi. Một chị hàng nón đon đả trao cho khách chiếc quạt giấy, mời chào duyên dáng: “Anh chị muốn mua loại nón mô, để em giới thiệu”. Nụ cười tươi vui của chị bán nón và tà áo dài dịu dàng khiến cho cái nóng hầm hập của Huế như nguôi ngoai phần nào.

Không to tát, rộn ràng nhưng việc UBND tỉnh vận động chị em tiểu thương Đông Ba mặc áo dài trong những ngày Festival Huế 2012 đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng lễ hội. Số chị em hưởng ứng dù chưa nhiều nhưng những tà áo dài điểm xuyết thấp thoáng giữa cảnh mua bán tấp nập đã làm vui du khách. Cùng với vẻ đẹp nền nã, hình như lời ăn, tiếng nói của các chị, các mẹ tiểu thương khi mặc chiếc áo dài truyền thống cũng trở nên lịch thiệp hơn, mềm mại hơn.

Cách đây không lâu, trao đổi về việc bảo tồn bản sắc văn hóa Huế, điều một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch e ngại là văn hóa mặc đang trở nên biến tướng thái quá, trong khi vai trò tà áo dài, nét đẹp làm nên bản sắc văn hóa Huế đang mất dần. Đơn cử như ở chợ Đông Ba, với truyền thống áo dài từng gắn bó với lịch sử hơn 100 năm hình thành chợ, nhưng do sự chi phối của cơ chế thị trường và nhịp sống hiện đại, số tiểu thương còn giữ đựơc thói quen mặc áo dài chỉ có một, hai người thuộc thế hệ kỳ cựu về tuổi tác.
 
Tại nhiều hội thảo về văn hóa, du lịch tổ chức ở Huế, vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa Huế được đề cập khá nhiều. Không ẩn trốn đâu xa, nhiều chuyên gia cho rằng, chính tà áo dài, thói quen mặc áo dài là một đặc trưng văn hóa của Huế, cần phải giữ gìn và khuấy động. Đó là hình ảnh đẹp, độc đáo, riêng có của Huế với khẩu hiệu thu hút của điểm đến như: Huế-Kinh đô của áo dài...
 
Có lẽ, việc thuyết phục phụ nữ Huế thường xuyên mặc áo dài trong thời đại ngày nay, ở một số đặc thù công việc cũng có những lý do bất tiện của nó. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục có chủ trương, có sự vận động, khuyến khích và có những hoạt động bổ trợ thiết thực, chắc chắn dần dần sẽ nhen nhóm trở lại tình yêu, sở thích mặc áo dài trong mỗi người dân Huế. Chẳng hạn như, gắn với cuộc vận động mặc áo dài là những cuộc thi thời trang áo dài dành cho chị em tiểu thương chợ Đông Ba lần đầu tiên vừa được Nhà Văn hóa Huế tổ chức nhân dịp Festival Huế. Không chỉ ở các ngôi chợ, phong trào mặc áo dài có lẽ cần phải gắn với những mô hình cụ thể như phong trào xây dựng làng, thôn, bản, công sở văn hóa với những ngày mặc áo dài được phát động bền bỉ, rộng hơn, liên tục hơn chứ không chỉ dừng lại ở chợ Đông Ba và những ngày lễ hội.
 
Tiểu Muội
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.