Thứ Năm, 25/04/2019 13:56

Vận hội cho di sản

Một cơ chế đặc thù về chính sách, ngân sách từ Trung ương để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương...

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, sáng 22/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành thảo luận ở tổ về các Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Tại Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 6 nội dung đưa vào Dự thảo Nghị quyết, có nội dung về phí tham quan di tích và Quỹ bảo tồn di sản Huế. Với tài nguyên đồ sộ, phong phú, đặc sắc về di sản, trong đó nhiều di tích đã và đang xuống cấp, vấn đề quỹ - nguồn kinh phí - để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản đang là bài toán lớn đối với Huế.

Thảo luận ở tổ chiều 22/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đối với Thừa Thiên Huế, đã có Nghị quyết đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sau 10 năm thực hiện, đã đạt được những bước phát triển tốt. Tuy nhiên, do đặc thù khu vực nông thôn, vùng núi có xuất phát điểm và hạ tầng khó khăn, khó có thể đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Chính trị đã có quyết sách mới, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương với cốt lõi là Cố đô Huế. Theo đó, các tiêu chí của thành phố di sản trực thuộc Trung ương cũng sẽ khác và cần có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ Thừa Thiên Huế đạt được mục tiêu này. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chính phủ đề xuất có Quỹ phát triển di sản cho Thừa Thiên Huế mà các địa phương khác lại không có là nhằm hỗ trợ thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thien Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương.

Có thể thấy, quyết sách mới của Chính phủ đối với Thừa Thiên Huế đang mở ra vận hội lớn cho di sản Huế, vốn là đặc thù riêng, đồng thời là thế mạnh, tiềm lực phát triển. Ngoài Quần thể di tích Cố đô, Nhã nhạc, Mộc bản, Châu bản, Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (đã được công nhận di sản văn hóa thế giới), lịch sử vùng đất đã để lại cho Huế nhiều giá trị di sản quý giá về ẩm thực, ca Huế, áo dài, hệ thống phủ đệ, chùa chiền, thư tịch... Hay như sông Hương, cũng được đánh giá là tài sản cảnh quan thiên nhiên vô giá của Huế.

Tuy nhiên, đến nay, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế như thế nào để vừa tăng nguồn thu, tạo ra dòng tiền nhưng vẫn đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và thích nghi hãy còn là bài toán khó. Nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng như hồ Tịnh Tâm, Hổ Quyền - Voi ré, “sông vua” ở Huế... vẫn chưa được đầu tư bảo tồn đúng mực và chưa phát huy được giá trị. Những trăn trở khác là việc khai khác di sản vào mục đích du lịch chưa được đầu tư phù hợp, xứng tầm, dẫn đến rẻ hóa cơm vua, rẻ hóa ca Huế..., ít nhiều làm mai một, thui chột di sản. Hay trăn trở, du lịch gắn với di sản triều Nguyễn ở Huế phải có gì khác ngoài nguồn thu bán vé tham quan di tích đã được ví von là kiểu làm du lịch ăn mòn di sản... Và những câu hỏi khác, là khi nào, ẩm thực Huế, ca Huế, áo dài Huế, ca Huế, sông Hương... sẽ được xúc tiến lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Không chỉ là vấn đề danh tiếng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, việc Huế có thêm các di sản được thế giới công nhận còn là cơ hội có thêm những chiếc gậy trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách khoa học, hiệu quả.

Một cơ chế đặc thù về chính sách, ngân sách từ Trung ương để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương là vận hội lớn đang đến. Chiếc gậy cơ chế đặc thù về quỹ - kinh phí - ngân sách chính là cú hích lớn để bánh xe thành phố di sản tiến bước. Tuy nhiên, cùng với cơ chế, chính sách còn là vấn đề nội lực của địa phương, đặc biệt là năng lực vận hành.

Chính vì vậy, Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh của Quốc hội được xây dựng dựa trên 5 quan điểm, trong đó, tính tự lực, tự cường, tính năng động, sáng tạo, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của mỗi địa phương được đặc biệt chú trọng, nhấn mạnh.

Nhật Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có một Huế rất riêng qua góc nhìn văn chương
Có một Huế rất riêng qua góc nhìn văn chương

Chọn dòng sông, vùng biển hay đơn thuần một làng quê với những kỷ niệm riêng có…, các tác giả đã kể cho người đọc một góc nhìn về Huế rất riêng nhưng vô cùng gần gũi, mến thương. Ở đó, nét đẹp di sản, văn hóa và con người được khai thác một cách khéo léo với giọng văn mềm mại, dữ liệu thông tin thú vị, độc đáo, làm lay động người đọc.

Mong muốn hợp tác, chia sẻ với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp
Mong muốn hợp tác, chia sẻ với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp

Chiều 16/2, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (Ecole française d’Extrême - Orient - EFEO) do ông Nicolas FIÉVÉ, Giám đốc làm trưởng đoàn.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản đối mặt nhiều khó khăn
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản đối mặt nhiều khó khăn

Được xem là một trong những vùng đất bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản, nhưng thực tế hiện nay Huế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều bất cập, khó khăn. Từ việc khoanh vùng, cho đến kinh phí tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích cho đến việc huy động các nguồn lực “hồi hương” cổ vật…