Thứ Ba, 24/04/2018 12:43

Vớt rác, bèo khơi thông cầu cống

Sau các đợt lũ liên tiếp, bèo, rác ứ đọng trên các sông, hồ, cầu cống… rất lớn, làm dòng chảy khó lưu thông, nhất là khi nước rút, nhiều chân cầu đọng lại nhiều bèo rác, vừa ảnh hưởng đến công trình vừa làm nước lũ thoát chậm hơn. Vì thế, ngoài tập trung vệ sinh trên bộ, trên cạn, một số nơi, người dân chủ động ra quân khơi thông cầu cống, vệ sinh ao hồ.

“Vệ sĩ” sông HươngDọn vệ sinh môi trường đầm Chuồn hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanhRác thải, bèo tấn công các dòng sông ở Huế

Công nhân môi trường thu vớt rác, bèo trên các sông để khơi dòng, đảm bảo vệ sinh môi trường

Hiện nay, dưới chân của nhiều cây cầu bắc qua các sông lớn nhỏ ở hầu hết các địa phương, như: Phú Thứ, Diên Trường, Hoà Xuân, Lợi Nông... hay các cây cầu nhỏ qua sông Phổ Lợi thuộc địa bàn các xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, thị trấn Thuận An (Phú Vang)... do lượng bèo rác từ thượng nguồn đổ về trong các ngày lũ khiến sức chảy ì ạch, có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Nhiều người dân cho biết, không chờ lệnh của địa phương, bà con sống quanh khu vực tự giác dùng rựa, dây thừng, cuốc, cào… chèo thuyền ra quân làm từ mấy hôm nay. Nhờ thế, cầu cống mới được khơi thông, nước rút nhanh hơn để ứng phó với nguy cơ lũ chồng lũ được dự báo có khả năng sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Điều người dân lo lắng là việc vệ sinh cục bộ, tự phát chỉ giải quyết tạm thời ở phạm vi hẹp. Sau lũ, bèo và rác “ngoại lai” từ các nơi đổ về nhiều vô kể. Nếu không làm đồng loạt giữa các nơi sẽ khó đem lại hiệu quả. Chắc chắn sau lụt, nhiều vùng hạ lưu sẽ trở thành “túi rác” từ thượng nguồn đổ về. Điều này ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, trong đó nặng nhất là hoạt động nuôi trồng thủy sản ven sông, ven đầm phá.

Đến nay, công tác thu gom rác thải trên cạn ở địa bàn TP. Huế và một số vùng phụ cận đang được Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) tăng cường triển khai. Ông Lê Vĩnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc HEPCO cho biết, phải mất khoảng gần 1 tuần nữa, công tác thu gom rác thải ở các vùng ven mới có thể ổn định trở lại. Hiện nay, các vùng lõm, như Xuân Phú, Kiểm Huệ và một số phường Thuận Lộc, Phú Cát, Phú Hiệp… nước vừa rút, lực lượng công nhân mới bắt đầu tập trung đến các điểm này.

Thống kê sơ bộ, lượng rác trong những ngày này tăng đột biến do nhiều ngày không được thu gom vận chuyển, cộng với người dân tận dụng dịp này vứt cả những vật dụng nội thất hư hỏng, bị ngâm nước lụt ra đường, nên gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý.

Liên tục từ ngày 18/10 đến nay, nhờ sự ra quân xịt rửa, vệ sinh kịp thời của các phường và sự phân công địa bàn giữa các đơn vị đường bộ, vệ sinh môi trường, nên nhiều tuyến đường ở phía Bắc và phía Nam TP. Huế cơ bản sạch đẹp trở lại.

Về công tác vệ sinh trên các sông hồ, phía HEPCO đang triển khai kế hoạch với yêu cầu phải đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân. Đơn vị đang tạm huy động lực lượng thực hiện thu vớt rác, bèo ở một số điểm nước đã rút cạn hoặc chỉ tập trung vớt ở những đoạn gần bờ, tránh những đoạn nước chảy xiết. Do đó, hiện có thể vẫn còn một số mặt sông, ao, hồ còn lượng rác khá nhiều, nên sau khi nước rút, đơn vị sẽ tập trung tăng cường huy động người và phương tiện ra quân thu dọn.

HEPCO cũng đề nghị UBND TP. Huế và các địa phương trong phạm vi phụ trách huy động người dân cùng tham gia dọn vệ sinh, đảm bảo cầu cống, đường sá không còn nhếch nhác, tránh ảnh hưởng mỹ quan, môi trường sau lũ.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khơi thông sức trẻ
Khơi thông sức trẻ

Chiếm tỷ lệ đông, có khát vọng, hoài bão, lý tưởng và tri thức, lực lượng đoàn viên, thanh niên là nguồn lực lớn của xã hội.

Vớt bèo khơi thông dòng chảy
Vớt bèo khơi thông dòng chảy

Cùng với đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình, các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Điền tích cực vớt bèo, khơi thông dòng chảy trên sông, công trình thủy lợi, cống rãnh.

Khơi thông dòng tín dụng chảy vào các lĩnh vực xanh
Khơi thông dòng tín dụng chảy vào các lĩnh vực xanh

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) tổ chức đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo gần 150 quốc gia đã cùng cam kết sẽ đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.