Chủ Nhật, 30/06/2019 14:52

Vững chãi biên cương

Giữ vững bình yên cuộc sống, xây dựng niềm tin trong lòng dân, bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh đã xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương.

Hậu phương của người lính

Chia sẻ yêu thương đến người dân nghèo A Lưới

Giữ bình yên

Buổi sáng cuối đông. Những chiếc xe máy chở theo người mang gùi đến nơi làm nương rẫy, ngược xuôi đèo Pê ke, con đèo dài uốn lượn nối hai xã Hồng Vân và Hồng Thủy, huyện biên giới A Lưới. Hai bên đèo, những bờ lau lách, cây rừng khẽ lao xao, yên bình. Không ai biết rằng trên con đèo này, rất nhiều đêm buốt giá, có những cán bộ, chiến sĩ BĐBP, quân phục lẫn với lá rừng, lặng lẽ mật phục, đón lõng, bắt tội phạm.

Nhiều đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đã bị bắt gọn. Gần đây nhất, giữa tháng 11/2021, lực lượng Phòng Phòng chống ma túy & tội phạm (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh) phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân và Công an tỉnh bắt quả tang Hồ Thị Bình đang vận chuyển trái phép chất ma túy. Cũng trong khoảng thời gian này, sau những ngày lặn lội vất vả, theo dõi, giám sát đối tượng nghi vấn tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), Phòng Phòng chống ma túy & tội phạm phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An bắt Trương Viết Pháp, một đối tượng sử dụng thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi, giấu ma túy đá vào thùng xốp hải sản, gửi xe khách đường dài ra Hà Nội.

Khắc phục sau bão lũ

Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Phòng phòng chống ma túy & tội phạm nói rằng, đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các anh sẵn sàng “ăn gió nằm sương”, hoặc có thể khoác áo chống đạn lên đường thực hiện nhiệm vụ lúc nửa đêm hay trong bão lũ, bất kể thời gian, không gian. Trong năm 2021, Phòng Phòng chống ma túy & tội phạm đã phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ, xử lý 125 vụ/203 đối tượng; đặc biệt phối hợp phá các chuyên án lớn, bắt 3 đối tượng vận chuyển tổng cộng 1kg chất ma túy (Kentamin) và 7kg ma túy đá...  Cứ mỗi hành vi phạm tội bị ngăn chặn là thêm lần nữa bình yên được giữ gìn.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, BĐBP thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo an ninh trật tự vừa chung tay phòng, chống dịch nơi biên giới, vất vả gian nan hơn bội phần.

Có mặt tại chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, mới hiểu rằng khi dân ngủ, các anh thức. Biết bao cán bộ, chiến sĩ trực tại chốt, vài tháng, nửa năm liền chưa được về nhà. Lửa nhóm giữa khuya khoắt, xua đi phần nào giá rét, để đồng đội bên nhau truyền hơi ấm, vững bước tiếp trên đường tuần tra.

10 đối tượng từ Lào vượt biên giới quốc gia, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã bị bắt giữ, đưa đến các khu cách ly tập trung, cách ly theo quy định, sau đó bị xử phạt hành chính. Trong giai đoạn cao điểm chống dịch tháng 5/2011, Phòng Phòng chống ma túy & tội phạm đã phối hợp Đồn Biên phòng Lăng Cô bắt giữ 1 tàu cá từ Đà Nẵng chở một số người dân theo đường biển, trốn các quy định phòng, chống dịch, yêu cầu đưa đi cách ly, ngăn chặn dịch lây lan, góp phần đảm bảo bình yên cuộc sống.

Điểm tựa trong lòng dân

Nếu những “tủ mỳ 0 đồng” tặng bánh mỳ miễn phí cho người nghèo, do Tỉnh đoàn phát động, lan tỏa rộng rãi trên nhiều xã, phường đã trở nên “quen thuộc”, thì nơi biên giới xa xôi, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong tình hình ảnh hưởng do dịch COVID-19, là một nỗ lực gấp nhiều lần, vô cùng quý giá. Tủ mỳ 0 đồng đặt trước cổng Trường tiểu học A Đớt (trên địa bàn xã Lâm Đớt, huyện A Lưới), là tình yêu thương của Xã đoàn Lâm Đớt, mạnh thường quân và Đồn Biên phòng A Đớt, dành cho người nghèo, học sinh nghèo. 

Gặt lúa giúp dân

Thiếu tá Trần Quốc Toản, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Đớt cho biết, Ban chỉ huy đồn thống nhất thông báo đến toàn đơn vị, và được cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng, thường xuyên trích một phần tiền lương tháng đóng góp theo khả năng. Nhín bớt một phần chi tiêu, để thêm nhiều cháu học sinh nghèo có chiếc bánh mỳ buổi sáng đầy đủ dưỡng chất, anh em đều sẵn lòng. Từ đóng góp của BĐBP, trong nhân bánh mỳ tặng học sinh nghèo có thêm thịt, trứng. Đồng thời, ngoài số lượng 120- 150 chiếc bánh mỳ mỗi ngày, hàng tuần, mỗi tuần 2 lần, học sinh nghèo được tặng thêm 50- 70 suất xôi. Không chỉ đóng góp kinh phí, BĐBP còn trực tiếp nấu xôi hoặc hỗ trợ làm nhân bánh, tặng bánh.

Chị A Râh Thị Nhị (xã Lâm Đớt) và nhiều người dân các xã biên giới huyện A Lưới bày tỏ nỗi xúc động, khi nói về những ngôi nhà của người nghèo được BĐBP sửa chữa, những ruộng lúa của các gia đình neo đơn được các anh hối hả gặt “chạy bão” giúp, mồ hôi lẫn nước mưa. Và bây giờ những chiếc bánh mỳ nhỏ bé, cũng mang theo yêu thương không hề bé nhỏ. Những yêu thương và hành động ấy đã xây nên niềm tin trong tình cảm người dân.

Cũng bằng niềm tin đó, coi các anh là điểm tựa, sáng sớm tinh mơ, ngư dân Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) đã “tìm đến” Đồn Biên phòng Vinh Hiền, khi chú cá voi to lớn chừng 3 tấn, yếu sức dạt vào bờ biển.

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Chính trị viên và Đại úy Bùi Văn Bền, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vinh Hiền bộc bạch rằng, theo tín ngưỡng của ngư dân, cá voi là phúc thần của biển cả, được người dân ven biển tôn kính. Thấu hiểu mong mỏi của người dân, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và Ban chỉ huy Đồn biên phòng Vinh Hiền chỉ đạo lực lượng cán bộ, chiến sĩ “theo sát”, là lực lượng chủ công, tìm cách cùng chính quyền địa phương và người dân đưa cá voi trở lại với biển cả, với sự sống. Bằng tất cả trách nhiệm và tấm lòng, các anh đã thực hiện được điều đó trong niềm vui hạnh phúc của người dân.

Tuyên truyền pháp luật cho người dân

Nhớ một ngày chủ nhật, trong mùa bão lũ, mưa gió mờ cả mặt người, dưới sự chỉ huy của Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, từ Bộ chỉ huy, hàng chục cán bộ, chiến sĩ bắt đầu các cuộc hành quân ngược lên tuyến núi A Lưới, xuôi về tuyến biển, tăng cường cho các đồn biên phòng, kịp thời di dời dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm, đảm bảo tính mạng, tài sản cho Nhân dân, mới càng hiểu trong lòng dân, các anh là điểm tựa.

Cũng rất nhiều cuộc hành quân để phối hợp, huy động lực lượng, phương tiện của các đồn tuyến biên giới biển cứu hộ, cứu nạn tàu chìm trong mưa bão. Thượng tá Hồ Văn Xuân, Phó Tham mưu trưởng, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, người trực tiếp chỉ huy cùng lực lượng Đồn Biên phòng Vinh Hiền, đưa được toàn bộ thuyền viên của tàu Công Thành bị chìm cách bờ biển 3 hải lý, nói rằng, sự sống, sức khỏe của người dân được chăm sóc, vẹn toàn, niềm tin yêu của người dân càng thêm vững chắc, đó chính là cách BĐBP xây dựng thành trì vững chãi vùng biên giới.

Theo Thượng tá Đặng Ngọc Hiệu, Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, riêng cuối năm 2021, Bộ Chỉ huy và các đồn biên phòng tuyến núi phối hợp chính quyền địa phương, các lực lượng khác tặng bạn Lào hàng trăm suất quà, nhu yếu phẩm, vật tư y tế..., tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng, thắt chặt tình hữu nghị, giữ vững biên cương.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật
Cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật

Không chỉ cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, các hoạt động của dự án CBM (Community – Based Rehabilitation) giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống.

Ở lại với biên cương
Ở lại với biên cương

Có những người lính biên phòng mấy tết liền “gác lại” nỗi nhớ cha mẹ, vợ con để ở lại lo tết ấm cho người dân, canh giữ cái tết yên vui cho bản làng nơi mảnh đất phên dậu của Tổ quốc.

Rộn rã mùa xuân trên biên cương
Rộn rã mùa xuân trên biên cương

“Ai lên A Lưới, có mùa xuân đặc biệt đang về”. Đó là nỗi lòng hân hoan mà người dân sinh sống, làm việc trên dải đất biên cương viết trên facebook, lan tỏa niềm vui khắp muôn nơi.

Áo dài lan tỏa giữa cuộc sống thường nhật
Áo dài lan tỏa giữa cuộc sống thường nhật

Áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong đời sống con người xứ Huế từ xưa cho đến nay. Và hình ảnh ấy đang ngày được lan tỏa trong đời sống đương đại. Có thể bắt gặp hình ảnh áo dài từ những lễ hội lớn nhỏ, cho đến các buổi gặp mặt giao lưu, hay những khoảnh khắc đời thường ở các phiên chợ, rồi được du khách đón nhận theo kiểu “nhập gia tùy tục”…