Thứ Năm, 22/10/2009 17:12

Xây dựng làng sinh thái Phước Tích

Sức hấp dẫn của làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền) có được không chỉ bởi những ngôi nhà rường cổ có niên đại trên trăm năm tuổi, mà còn phải kể đến sự kết hợp hài hòa của không gian xanh với những rặng chè tàu, các cây cổ thụ, mái đình, gốc đa, bến nước... rất mộc mạc còn được lưu giữ. Phước Tích đang từng bước phát triển du lịch- dịch vụ theo hướng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; đồng thời trở thành một làng cổ sinh thái.

Điểm du lịch xanh

 

Với hơn 25 ngôi nhà rường có giá trị và gần 10 nhà thờ họ tộc được làm bằng nhà rường cổ còn được lưu giữ, cùng với các thiết chế đình làng, chùa, bến nước, miếu thờ và nhiều dấu tích Chămpa còn nguyên vẹn là những dấu tích lịch sử mang đậm nét đặc trưng, cổ kính của làng quê Phước Tích. Đến thăm làng cổ Phước Tích, du khách không chỉ chiêm ngưỡng, khám phá những ngôi nhà rường cổ, được xem những người thợ làm gốm trổ tài, mà còn được tận hưởng một không khí trong lành, thoáng đãng. Những rặng chè tàu, lũy tre làng, gốc thị hàng trăm năm tuổi, vườn cây ăn quả..., tất cả đã vẻ nên một cuộc sống rất đỗi thanh bình, mộc mạc của người dân làng cổ Phước Tích. Đây cũng chính là sức hấp dẫn của Phước Tích đối với du khách gần xa... 

 

Nhiều du khách rất ấn tượng trước không gian xanh ở làng cổ Phước Tích

Lần đầu tiên đến thăm làng cổ Phước Tích, anh Phạm Hoàng Văn, một du khách đến từ Hà Nội rất tâm đắc và ấn tượng về nét cổ nguyên sơ còn sót lại ở làng cổ Phước Tích. Anh Văn trò chuyện: “Khác với những công trình kiến trúc cổ ở miền Bắc, những ngôi nhà ở Phước Tích không bị bao bọc bởi các bức tường gạch mà được hoà mình trong cảnh vật thiên nhiên thơ mộng. Đây đích thực là một ngôi làng cổ thuần khiết, mang đậm nét nông thôn Việt Nam. Đặc biệt, cảnh quan môi trường ở Phước Tích rất trong lành. Các đường làng, ngõ xóm không bị bê tông hóa mà vẫn còn giữ được những con đường đất và những con đường được lát gạch rất đẹp và nên thơ”. 

 

Làng Phước Tích có 2 thôn, gồm Phước Phú và Phú Xuân. Cả làng có 117 hộ nhưng chỉ có 320 khẩu. Đa phần thanh niên, người trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa, nên trong làng bây giờ chỉ toàn những người già cả, lớn tuổi. Thời gian qua, bằng nhiều hình thức, chính quyền địa phương xã Phong Hòa đã vận động người dân trong xã nói chung và các hộ dân thuộc làng cổ Phước Tích thường xuyên vệ sinh, gìn giữ cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch xanh hấp dẫn du khách. 

 

Ông Hoàng Tấn Minh, Trưởng thôn Phước Phú, thành viên Ban quản lý làng cổ Phước Tích cho biết, trước và sau khi làng cổ Phước Tích được công nhận di tích cấp quốc gia, công tác môi trường trong làng rất được bà con chú trọng. Không chỉ giữ gìn vệ sinh, làm sạch nhà, sạch vườn, mà cứ 3 tháng 1 lần, người dân trong làng được huy động ra quân tổng dọn vệ sinh dọc các đường thôn, ngõ xóm. Một nét đặc biệt ở ngôi làng này là người sống và người chết được ngăn cách riêng biệt bởi đôi bờ sông Ô Lâu. Chính vì vậy, khác với nhiều ngôi làng, địa phương khác, trong khu vực làng cổ Phước Tích không có một ngôi mộ nào của dân được lập dựng. Nhờ đó, cảnh quan môi trường trong làng luôn đảm bảo.

 

Trước xu thế phát triển của xã hội, nhiều người dân có ý định phá những hằng rào bằng cây xanh để xây những bức tường bằng xi măng. Nếu làm như vậy sẽ làm mất đi nét thơ mộng, cổ xưa của Phước Tích, nên chính quyền địa phương ra sức vận động bà con giữ nguyên hiện trạng những hàng rào bằng cây chè tàu, cau...

 

Bảo tồn một ngôi làng cổ xanh

 

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho biết, để hướng đến xây dựng làng cổ Phước Tích trở thành điểm tham quan, du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách, thời gian qua, cùng với những đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, nước sinh hoạt và một số công trình vệ sinh môi trường, chính quyền địa phương đã tổ chức các buổi họp dân trong khu vực di tích trọng điểm để vận động, khuyến cáo người dân giữ nguyên hiện trạng những ngôi nhà cổ, lưu giữ những hàng chè tàu mang đậm nét đặc trưng vùng quê nông thôn và hệ thống đường làng ngõ xóm. Nét riêng ở làng cổ Phước Tích là hầu hết những ngôi nhà trong làng đều có diện tích đất vườn rộng. Song thực tế, những vườn cây ở đây vẫn còn hỗn tạp, hệ thống cây xanh lởm chởm. Thông thường, nhà rường phải đi kèm với nhà vườn, nên sắp tới, địa phương có kế hoạch sẽ quy hoạch lại các vườn tạp, tạo cảnh quan xanh cho làng cổ Phước Tích; đồng thời hình thành nên những vườn cây đặc trưng.

 

Vấn đề môi trường cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Với mong muốn bảo tồn được di sản văn hóa đặc trưng của làng cổ Phước Tích vừa đúng theo kiến trúc cổ xưa nhưng vừa đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp, xã Phong Hòa đang xây dựng phương án thu gom, xử lý rác thải. Trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã xây dựng một điểm trung chuyển rác thải hợp vệ sinh. Hiện tại, cứ hàng tháng, xã hợp đồng với HTX Môi trường thị trấn Phong Điền tổ chức 2 chuyến xe về thu gom, vận chuyển tại khu vực chợ Ưu Điềm và dọc Quốc lộ 49C. Phước Tích cũng nằm trên tuyến quốc lộ này nên cũng được thu gom, vận chuyển đảm bảo vệ sinh.

 

Ngoài vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chung toàn xã, chính quyền địa phương cũng tuyên truyền vận động người dân không sử dụng túi ni-lông mà thay vào đó là tận dụng các vật dụng thân thiện với môi trường như lá cây, giỏ xách sử dụng nhiều lần... Đặc biệt, ở địa phương, người dân thường có thói quen sử dụng các loại lá sẳn có trong vườn nhà như lá chuối, lá vả, lá dong để gói, đựng thực phẩm. Một số khác nếu có sử dụng túi ni-lông thì cũng chôn, đốt, không để vương vãi ra môi trường, góp phần giữ cho làng cổ Phước Tích luôn xanh, sạch, đẹp.

 

Ông Hoàng Tấn Minh cho biết thêm, sắp tới Ban Quản lý làng cổ Phước Tích sẽ đề xuất thu phí dịch vụ tham quan, để qua đó trích một phần kinh phí phục vụ cho việc thuê, chi trả nhân công thu gom, làm vệ sinh môi trường trong khu vực làng cổ.

 

Bài, ảnh: Hoài Thương

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.