Thứ Năm, 03/10/2019 08:43

Xê dịch yêu thương

Không chỉ trải nghiệm những điều mới lạ trên các cung đường, nhiều bạn trẻ đang “làm mới” chuyến phượt của mình bằng việc kết hợp sẻ chia một phần khó khăn với những người nghèo.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Kết hợp phượt và khảo sát, tìm hiểu cuộc sống người dân tại A Lưới

Đi để trải nghiệm

Mấy lần gần đây, mỗi lần hẹn nhau đi phượt, nhóm bạn của tôi đều kết hợp làm thiện nguyện. 10 đứa chơi chung có sở thích khám phá đó đây, lại cùng chung tâm nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Mỗi chuyến đi, hành trình chúng tôi hướng đến một điểm với những công việc kết hợp khác nhau: Tặng sách vở cho học sinh nghèo, nhu yếu phẩm cho bà con vùng cao…, đôi khi có cả hoạt động tư vấn sức khỏe hay cắt tóc cho trẻ em nghèo nếu chuyến đi có người trong nghề. Lặn lội bằng xe máy, khắp những vùng cao ở Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum… nhiều người trong nhóm chúng tôi đều đã đi và đến.

Thật ra, không chỉ riêng chúng tôi mà những chuyến xê dịch yêu thương ngày càng nhiều. Gọi là xê dịch yêu thương, bởi từ những chuyến “du lịch bụi”, nhiều nhóm bạn, cặp đôi yêu nhau, những cặp vợ chồng trẻ mê phượt đều chọn cách kết hợp này làm tăng thêm trải nghiệm và kỷ niệm ở mảnh đất mình đặt chân đến.

Kết hợp phượt và khảo sát, tìm hiểu cuộc sống người dân tại A Lưới

Tìm hiểu các thông tin cho một chuyến phượt thiện nguyện không khó. Chỉ cần bỏ một chút thời gian lang thang các diễn đàn, mạng xã hội facebook hay lân la bắt chuyện với các cộng đồng phượt, sự kết nối trực tuyến của những người cùng đam mê không chỉ mang lại những mô tả khái quát về các vùng đất sắp đến mà thậm chí còn tìm được các thổ địa “tiền trạm”, kết nối với chính quyền địa phương, tìm hiểu thông tin về những khó khăn của người dân địa phương, trường hợp cần giúp đỡ, địa điểm có thể dừng chân chuẩn bị quà tặng, từ đó giúp chuyến đi thuận lợi hơn.

Công Danh, người thường xuyên có những chuyến đi phượt thiện nguyện chia sẻ: “Mình có nhóm bạn bác sĩ cũng mê phượt, kết nối bạn bè ở các tỉnh thành. Bọn mình thường chọn những vùng sâu vùng xa để tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân nghèo, kiểm tra răng miệng cho trẻ em… Mỗi chuyến đi, tụi mình ở lại vài ngày ở điểm đến để chuẩn bị, tổ chức chương trình và giao lưu với người dân”.

Cái hay từ những chuyến phượt thiện nguyện không chỉ là khám phá cảnh quan, những cung đường đẹp mà còn trải nghiệm nhiều hơn về con người, văn hóa, ẩm thực mỗi điểm đến. Do làm các chương trình cộng đồng, các nhóm, cặp đôi đi phượt thiện nguyện chọn cách ở cùng người dân tạo sự gần gũi. Các nhóm thiện nguyện được mời những bữa cơm, giao lưu văn nghệ cùng với người dân, hòa chung như người bản địa.

Nhóm phượt dừng lại chụp ảnh trên cung đường đến huyện Đông Giang (Quảng Nam)

Thái Duyên, người bạn trẻ cùng chồng vừa có chuyến chạy xe máy phượt các tỉnh miền Bắc chia sẻ: “Không cần mang vác cồng kềnh trên xe. Mỗi điểm đến, sau khi tìm hiểu được những trường hợp cần giúp đỡ, bọn mình tìm đến những khu chợ gần đó để mua quà tặng cho người dân. Cùng họ ăn những bữa cơm, nói chuyện chia sẻ về những buồn vui trong cuộc sống. Người dân thấy vui, mình cũng cảm thấy ý nghĩa. Sau những hành trình ấy, danh bạ của mình lại có thêm người quen để thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau. Những điều đó chỉ những người đi mới hiểu hết ý nghĩa”.

Giúp người đâu chỉ là vật chất

Phượt hiện nay không còn là trào lưu mới, nhưng phượt thiện nguyện vẫn luôn mới, bởi các nhóm, người phượt thiện nguyện dựa trên tình hình thực tế, giai đoạn để quyết định những chuyến phượt đến các vùng đất, đơn cử như giúp dân sau sạt lở, bão lũ, hỗ trợ người dân nghèo sau dịch bệnh…

Chuyến phượt kết hợp tìm hiểu khó khăn của người dân tại Đông Giang (Quảng Nam)

Giới trẻ gắn kết với công nghệ và tận dụng tốt mạng xã hội để lan tỏa những hình ảnh, thông điệp cuộc sống tốt đẹp. Từ những chuyến phượt thiện nguyện đã thổi một sức sống mới cho phong trào du lịch tự túc, sức lan tỏa lớn đã tạo ra nhiều chương trình hay: Phượt kết hợp làm vệ sinh các bãi biển, bảo vệ môi trường; kết nối các hội thiện nguyện đến tổ chức chương trình hỗ trợ cho người dân đặc biệt khó khăn…

Dương Thuận, bạn trẻ thi thoảng vẫn đi phượt thiện nguyện chia sẻ: “Không quá áp lực nhiều về chuyện kinh phí. Vì đây là những chuyến “du lịch bụi” lại ở cùng bà con, nên có thể dành một khoản kinh phí tự có trích ra làm chương trình tùy theo khả năng mỗi người, mỗi nhóm rồi lại kêu gọi thêm. Quy mô các hoạt động cũng do bản thân tự xây dựng, theo cách làm được điều gì cho xã hội hãy cứ làm theo sức của mình. Khi không có quá nhiều tiền, nhiều nhóm phượt vẫn làm được nhiều hoạt động: dạy học, cắt tóc cho trẻ em nghèo…”

Phượt thiện nguyện nghe lớn lao, nhưng lại đơn giản theo tâm nguyện của những cá nhân, nhóm phượt. Hơn cả, họ muốn trải nghiệm và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, sẻ chia với những con người còn khó khăn trên mảnh đất hình chữ S yêu thương.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụng sự xã hội, lan tỏa yêu thương
Phụng sự xã hội, lan tỏa yêu thương

Hội Phản ứng nhanh (PUN) 75 Huế đã có những tháng ngày xông pha chống dịch đầy hiểm nguy, song rất đáng tự hào. Bước sang tuổi thứ hai, những con người luôn mang tinh thần xung kích tình nguyện ấy vẫn sẵn sàng “đáp lời” khi cộng đồng cần…

Podcast - xu hướng chia sẻ thông tin mới
Podcast - xu hướng chia sẻ thông tin mới

Vài năm trở lại gần đây, podcast nổi lên như một cách tiếp cận thông tin mới của giới trẻ. Những đoạn âm thanh vốn trước đây không được mấy người chú ý đã như một cuộc cách mạng về văn hóa đầy thú vị trong cuộc sống của giới trẻ hiện đại.

Trồng cây, “trồng” yêu thương
Trồng cây, “trồng” yêu thương

“Để 10 nghìn cây xanh tươi, đơm hoa, kết trái hoặc tạo rừng chống xâm thực, sạt lở…, cần quá trình bền bỉ, trách nhiệm và yêu thương” - Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh thông tin về mục tiêu của lực lượng BĐBP tỉnh trong năm 2023.