Thứ Hai, 09/07/2018 12:32

Xuân trong kỷ niệm

Những ngày xưa xa ấy, khi còn mẹ ở bên, mỗi độ sang tháng chạp mẹ lại tất bật lo toan, thức khuya, dậy sớm quần quật ngoài đồng mặc cho cái rét căm căm vun xới rau củ, hành tỏi và mấy chục luống hoa bán cho kịp tết. Kiếm thêm tiền sắm sửa quần áo mới cho chị em tôi, cho bằng bạn bằng bè, để nhà mình cũng cũng đủ đầy bánh mứt như người ta. Nhớ lắm đôi chân trần, dáng người gầy gầy, xương xương, tất tả đi vào ngỏ trong bóng tối nhá nhem, khi nhà nhà đã lên đèn.

Đó mới là tết Việt…Mưa xuân HuếMùi Tết

Những ngày nắng tháng chạp hiếm hoi, mẹ thái đu đủ, cà rốt, củ kiệu, hành tím phơi cho kịp làm dưa món, dưa kiệu. Tết ăn kèm bánh chưng. Chị em tôi tranh nhau nhặt những bông rau củ mà mẹ đã tỉa tót đẹp đẽ, xếp ra mâm, ra liếp phơi. Nghịch ngợm nô đùa, làm mẹ cũng cười theo.

Tối đến, ngồi quanh bếp tíu tít trò chuyện, xem mẹ xào nấu chuẩn bị gói giò chả, làm nem. Chúng tôi được mẹ giao nhiệm vụ rửa sạch và lau khô mẹt lá chuối, nhưng cũng lăng xăng háo hức vô cùng. Mẹ là con gái Bắc nên làm gì cũng khéo, giò chả vừa miệng mà đẹp mắt lắm, ai ăn cũng khen.

Dường như, những ước ao mong ngóng của chúng tôi ngày ấy như có phép màu, kéo thời gian vùn vụt, mới đó đã sang ngày 30. Mấy chị em rộn ràng cùng mẹ đi chợ tết. Vượt quãng đường hơn 7km, đất đỏ gồ ghề, đèo đứa nhỏ, đợi đứa lớn nhưng mẹ chẳng phàn nàn nửa câu. Ai hỏi mẹ cũng cười trả lời: “cho chúng nó vui’’. Quả thật, vừa mua sắm,vừa trông chừng chị em tôi, chẳng dễ dàng gì, nhất là trong phiên chợ tết đông gấp mấy ngày thường.

Nhà tôi có nếp cứ phải nấu bánh chưng vào đêm ba mươi, và làm cổ tất niên vào ngày cuối năm đúng nghĩa. Mẹ một tay làm hết mọi việc, để ba gói bánh chưng. Bếp đỏ lửa suốt từ chiều đến nửa đêm. Mấy chị em tôi tranh phần nấu bánh chưng, nhưng thế nào cũng ngủ quên, thế là mình mẹ thức cho đến khi làm xong cỗ giao thừa và nồi bánh chưng được vớt ra rổ tắm nước xong xuôi.

Mẹ bận rộn là vậy, nhưng chẳng năm nào người quên, đêm ba mươi nấu một nồi nước lá thơm cho cả nhà tắm gội. Mẹ nói để gột sạch những xui xẻo, những điều không may trong năm cũ, chào đón năm mới thơm tho sạch sẽ mong gặp nhiều may mắn. Mùi nước lá ấy cho đến bây giờ vẫn phảng phất lưu lại trong ký ức của chúng tôi. Thơm thảo như tấm lòng của mẹ.

Ba ngày tết, mẹ lo chu đáo cúng cơm ngày ba bữa cho ông bà, gia tiên. Mẹ nói mời các cụ về ăn tết thì phải lo cho chu toàn, vậy mới tròn chữ hiếu của con cháu với bề trên. Gia đạo có lễ nghĩa, hiếu thuận thì luôn thuận lợi, bình an.

Những tháng ngày bên mẹ sao bình yên, ấm áp và trân quý biết bao nhưng với chị em tôi dường như quá ngắn. Mùa đông năm ấy mẹ lâm bệnh nặng rồi qua đời, để lại đàn con côi cút và những cái tết về sau mãi chông chênh, thấm đẫm buồn. Đứng góc nào cũng nhớ mẹ, nhớ quắt quay bóng dáng người luôn tất bật lo toan. Tết vẫn thịt thà, bánh mứt, giò chả đủ đầy nhưng chẳng tìm đâu hương vị ngày xưa mẹ làm.

Ba vẫn giữ thói quen gói, nấu bánh chưng vào đêm ba mươi. Năm nào ba cũng lén khóc vì nhớ mẹ. Nhìn ba mà lòng quặn thắt. Đời này chưa từng thấy ba rơi nước mắt dù trải qua ngàn vạn chông gai nuôi đàn con khôn lớn, cùng vợ đi qua chặng đường mười năm bạo bệnh. Vậy mới biết mất đi người thương là nỗi đau to lớn đến nhường nào.

THẢO NGUYÊN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giai điệu mùa xuân
Giai điệu mùa xuân

Ra giêng, mặt trời bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, thổi bừng vào không gian giai điệu mới...

Đến Huế mùa xuân
Đến Huế mùa xuân

Trong một cuộc hội ngộ không hẹn trước đầu năm Quý Mão, nơi tả ngạn sông Hương, bên chén trà ấm tình thân hữu...

Ngược sóng giữ mùa xuân
Ngược sóng giữ mùa xuân.

Mùng 5 tết, tôi nhận tin nhắn của một Thiếu úy hải quân, thuộc Vùng 3 Hải quân: “Tạm biệt đất liền. Chúng tôi chuẩn bị ra khơi canh biển”, xúc động chợt dâng đầy.

Ngược sóng giữ mùa xuân
Ngược sóng giữ mùa xuân

Mùng 5 tết, tôi nhận tin nhắn của một Thiếu úy hải quân, thuộc Vùng 3 Hải quân: “Tạm biệt đất liền. Chúng tôi chuẩn bị ra khơi canh biển”. Xúc động chợt dâng đầy.