Thứ Bảy, 13/10/2018 09:10

Xuất phát điểm về trình độ của cán bộ xã

Cuối tháng 3, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025. Thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh cho biết: Đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên”.

Tăng cường cán bộ trẻ có trình độ

Theo kế hoạch trên, chúng ta có thể hiểu, một bộ phận cán bộ cấp xã chưa đạt trình độ chuyên môn trung cấp. Đây là những cán bộ, công chức đã có quá trình công tác, đóng góp cho cơ sở, nhưng vì nhiều lý do đến nay chưa đạt trình độ chuẩn về chuyên môn theo quy định nên cần được đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa, đáp ứng với yêu cầu công việc đảm nhận.

Nhân đây xin nói qua về chuyện đào tạo đại học. Trong hàng chục năm qua, có thể gọi là giai đoạn bùng nổ của đại học. Hầu như tỉnh nào cũng có đại học hoặc là có chi nhánh của một trường đại học nào đó. Trước đây chỉ có Nhà nước mới đảm trách nhiệm vụ đào tạo đại học, gọi là đại học công. Sau này bổ sung thêm đại học tư thục. Và từ đó cũng phát sinh nhiều hình thức đào tạo – dài hạn, tại chức, từ xa. Tư hoặc công được phân biệt là từ hình thức sở hữu.

Cùng với sự bùng nổ của đại học là sự bùng nổ nhu cầu của người học đại học. Đầu ra của đại học, một lượng lớn sinh viên ra trường không biết tìm đâu để có việc làm. Nêu vấn đề để thấy rằng, nguồn nhân lực có trình độ đại học không thiếu (còn thực tế chất lượng nguồn nhân lực như thế nào là một vấn đề khác). Phải chăng đây là một bất cập cần lý giải.

Cán bộ quản lý cấp xã rất quan trọng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhiều xã phát triển thì huyện phát triển, nhiều huyện phát triển thì tỉnh mới phát triển… cứ như thế, xã hội mới phát triển. Cái nơi gần dân và trực tiếp nhất trong hệ thống cấp chính quyền lại là  “nút thắt cổ chai” về trình độ. Làm thế nào để thu hút một lượng nguồn nhân lực đã được đào tạo, cụ thể ở đây là một lượng sinh viên (như nói ở trên), về làm việc ở cấp xã cũng là vấn đề đáng để chúng ta lưu tâm, tức là chúng ta chưa bao giờ thiếu nguồn nhân lực.

Đã là cán bộ công chức, thiết nghĩ dù có cấp nào cũng cần phải đặt ra một chuẩn mực trình độ quản lý như nhau. Tất cả mọi nhiệm vụ quản lý ở cấp xã, suy cho cùng không khác gì nhiệm vụ ở cấp cao hơn - cấp huyện chẳng hạn, chỉ có quy mô là nhỏ hơn mà thôi. Thậm chí nhiệm vụ thực thi cụ thể ở cấp xã có khi còn nhiều hơn. Trước đây tôi từng nghe một lãnh đạo xã nói một cách hình tượng nhiệm vụ cấp xã như thế này: cấp xã giống như một cái đó (một dụng cụ nơm cá). Mọi chủ trương chính sách, chương trình… ở cấp trên muốn được thực thi đều chảy qua cái đó này. Có thể chưa đúng hoàn toàn, nhưng soát xét lại cũng hữu lý.

Để thấy rằng, cấp chính quyền này là cấp quan trọng. Hệ thống chính quyền của chúng ta nếu không muốn “tự nhận lãnh”  trách nhiệm đào tạo lại thì có lẽ phải thực thi có hiệu quả ngay từ khâu tuyển dụng. Không xem nhẹ trình độ của cán bộ cấp xã được. Ai cũng biết, một người đã học qua đại học (dù ngành nào) cũng phải trải qua một môn học, đó là triết học. Triết học, suy cho cùng là trang bị cho người học phương pháp luận. Nắm được tốt phương pháp luận có thể áp dụng vào thực tiễn để lý giải tương đối tốt mọi sự vận hành của sự vật, hiện tượng. Thế thì, nếu có đào tạo cũng chỉ là những lớp bồi dưỡng ngắn ngày về những vấn đề cụ thể mới phát sinh. Cái cần nhất của cán bộ là thực hành - dưới sự điều hành của bộ máy của Đảng và hành chính ở xã, năm nay xã của anh đạt được kết quả gì trong phát triển kinh tế, xã hội… chứ không phải là một đội ngũ cán bộ có rất nhiều bằng cấp mà thiếu những kiến thức, kinh nghiệm làm việc, điều hành thực tế...

Nguyên Lê

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

A Lưới Tập huấn thông tin thị trường lao động cho cán bộ xã
A Lưới: Tập huấn thông tin thị trường lao động cho cán bộ xã

Ngày 28/10, huyện A Lưới tổ chức tập huấn, thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2022 cho 264 đại biểu là đại diện lãnh đạo UBND, cán bộ, công chức văn hóa xã hội phụ trách lao động xã, điều tra viên các xóm, tổ dân phố thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Cần thiết nhưng không quá lo lắng
Cần thiết nhưng không quá lo lắng

Vẫn còn 1.500 giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn. Họ sẽ tiếp tục được đào tạo theo lộ trình để đáp ứng nhu cầu dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Thế nên, sẽ không có sự xáo trộn, thay đổi công việc dẫu nhiều người chưa có bằng đại học.

Hơn 900 triệu lao động trên thế giới có công việc không phù hợp với trình độ học vấn
Hơn 900 triệu lao động trên thế giới có công việc không phù hợp với trình độ học vấn

Theo thông tin đăng tải trên trang của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hơn 935 triệu người lao động trên thế giới có công việc không phù hợp với trình độ học vấn của họ. Cụ thể, trong đó bao gồm 72%, tương đương 677 triệu người được giáo dục ít hơn so với yêu cầu công việc của mình. Cùng lúc, 28% còn lại – tức 258 triệu người lại được đào tạo quá mức. Trên đây chỉ là số liệu khảo sát từ 114 quốc gia. Điều này có nghĩa con số thực tế còn cao hơn nhiều.