Thứ Bảy, 01/11/2014 12:39

Ký ức những ngày vui

“Cháu nội cháu ngoại chi mạ cũng thương như nhau, nhưng mạ có thương cháu ngoại nhiều hơn chút vì mạ lớn lên cũng nhờ mệ ngoại nuôi”.

Đó là câu mạ tôi hay nói khi thơm vào má đứa cháu ngoại mà bây giờ đã học đại học. Trẻ con lúc nhỏ bà muốn thơm cháu bao nhiêu cũng được nhưng khi lớn thì chúng thường lảng đi, vì xấu hổ… Hai đứa con tôi không dám tránh bà ngoại nhưng chúng thường vùng vằng khi bà luôn cưng nựng chúng như trẻ lên ba trước mặt mọi người.

Trong cách yêu chiều mà mạ tôi dành cho hai đứa cháu ngoại có một phần tuổi thơ của bà trong đó. Năm 3 tuổi, mạ tôi mồ côi mẹ, lúc đó ông ngoại tôi thoát ly đi kháng chiến nên mạ tôi được bà ngoại nuôi dưỡng.

Sau ngày đất nước thống nhất một tháng, qua tin tức của bà con, từ Hà Nội, ông ngoại tôi đi tàu ba ngày hai đêm về Huế thăm con gái và bầy cháu ngoại. Đó là lần đầu tiên mạ tôi gặp lại cha mình sau hơn 40 năm xa cách. Cuộc trùng phùng mừng mừng tủi tủi, mạ tôi lúc ấy đã 45 tuổi, mẹ của đàn con 7 đứa, ôm cha khóc mếu máo. Bảy anh em tôi vây quanh ôm ông ngoại trong lần đầu tiên gặp mặt. Ông đem nhiều bánh kẹo của Hà Nội vào cho đàn cháu, ký ức những ngày đầu đất nước thống nhất trong lòng anh em tôi đầy vị thơm ngọt của ông ngoại đi làm cách mạng là như thế.

Tháng 9 năm 1976, ông ngoại tôi mất. Trong câu chuyện kể với mạ tôi, bà ngoại kế cứ nhắc đi nhắc lại “Ông ấy bệnh lâu rồi nhưng ông bảo cố chờ ngày đất nước thống nhất để vào Huế thăm con gái rồi ông mới “đi”. Tưởng ông nói chơi ai ngờ thiệt”. Ngày đất nước thống nhất đã trở thành một mốc thời gian đặc biệt trong ký ức của hàng triệu gia đình Nam - Bắc, trong đó có gia đình tôi.

Ký ức về những ngày đầu thống nhất đất nước trong tôi không nhiều lắm vì lúc đó tôi mới 7 tuổi, thế nhưng mạ tôi luôn kể là tôi cũng đi bộ “ra trò” từ Đà Nẵng về Huế cùng gia đình. Dọc đường được các chú bộ đội giúp cho gạo nấu ăn trên đỉnh đèo Hải Vân. Về đến nhà mạ tôi mừng chảy nước mắt vì nhà cửa không bị hư hại gì cả. Mạ tôi lo đi thắp nhang cảm tạ trời đất cho gia đình bình an.

Hai anh kế tôi vào Đội thiếu niên, sân nhà tôi trở thành nơi tập hát của cả đội. Anh cả tôi ôm đàn tập cho cả bọn bài “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó là lần đầu tiên tôi nghe bài hát này, lúc ấy chưa hiểu hết ý nghĩa, chỉ hát theo mấy anh nhưng giai điệu vừa mạnh mẽ vừa tha thiết yêu thương của bài hát đã gieo vào lòng tôi một xúc cảm đẹp về âm nhạc.

Thế cho nên khi bài hát “Nối vòng tay lớn” trong chương trình nhạc Trịnh diễn ra tại Trường ĐH Y dược Huế tối 21/4 mới đây vừa cất lên cùng tiếng vỗ tay hòa nhịp của khán giả, như gặp lại một nguồn cảm xúc xa xưa, tôi lắng nghe, nâng niu từng ca từ, từng nét nhạc và để ký ức trôi về quãng thời gian chúng tôi được gặp ông ngoại “Mặt đất bao la anh em ta về, gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng, bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”.

Cuộc sống bây giờ có nhiều đổi thay nhưng điều tốt đẹp sẽ luôn được nhớ mãi. Sau chuyến vào Huế thăm con gái, trở về Hà Nội, ông ngoại tôi đau nặng. Thời ấy tàu xe vô cùng khó khăn “Mạ kể chuyện và may mắn được cô công an tên Trang ở gần nhà mình xin cho mạ đi nhờ xe của đơn vị ra thăm ông ngoại. Cô ấy thiệt là người tốt”- cho đến giờ khi kể chuyện ông ngoại, mạ tôi luôn nhắc về cô công an tên Trang với một câu gần như không thay đổi từ nào như thế.

Ông ngoại tôi một đời tham gia cách mạng, đến lúc mất ông cũng chỉ là một cán bộ nghiên cứu ở Bộ Tài chính. Mạ tôi không bao giờ thắc mắc sao người hai lần ở tù Côn Đảo như ông, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930 ở vùng Phong Điền như ông lại không giữ một chức vụ gì, bà chỉ luôn nói “Ông còn sống để cha con gặp nhau với mạ là quý hơn tất cả”. Thế nên, tôi hiểu, ký ức về ngày đất nước thống nhất trong lòng mạ tôi là buổi gặp mặt đẹp đẽ của hai cha con.

Hạ An

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nệm rơm nồng nàn
Nệm rơm nồng nàn

Ngày mùa đông lạnh giá, đáng sợ nhất là cái rét buốt tê cóng kèm theo mưa phùn. Sáng sớm hé cửa trông ra thấy trời bàng bạc màu sương, con gái tôi năn nỉ xin mẹ được nghỉ học một buổi. Nghe con nói, tôi bất giác bật cười. Ngày xưa, mình cũng… lười y thế. Cũng tìm đủ lý do để được ở nhà vào ngày mưa lạnh, nằm lì trên chiếc nệm rơm nồng nàn hơi ấm.

Ký ức của người trở về
Ký ức của người trở về

Trong dòng ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt, những tháng ngày cầm súng nơi chiến trường thì có lẽ Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 là khoảng thời gian người cựu binh, Đại tá Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1943, tại Bố Trạch, Quảng Bình) không thể nào quên. Bởi ông đã cùng đồng đội can trường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và may mắn trở về...

Ký ức đồng chiêm
Ký ức đồng chiêm

Lễ hội đua ghe thực sự chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong đời sống tinh thần và cả đời sống tâm linh của cư dân đầm phá...

Ký ức trò chơi dân gian
Ký ức trò chơi dân gian

Nghe tin Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đưa trò chơi dân gian vào các tiết sinh hoạt, ngoại khóa ở các trường học và khuyến khích các trường đưa một số trò chơi dân gian thành môn thi đấu trong các cuộc thi thể thao, tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ.

Một thuở giếng khơi
Một thuở giếng khơi

Đắn đo, suy tính mãi, cha mẹ tôi quyết định dựng lại gian bếp và khu công trình phụ tắm giặt, vệ sinh.