Thứ Ba, 17/09/2019 13:15

Đức Từ Cung bán cổ vật để trùng tu Thái miếu

Sau khi thống nhất đất nước (1802), vua Gia Long quyết định đóng đô tại Huế. Phía đông nam trong Hoàng thành, bên trái điện Thái Hòa vua cho xây dựng Thái miếu nguy nga để phụng thờ chín đời chúa Nguyễn.

Giao lưu về bộ tiểu thuyết lịch sử “Từ Dụ Thái hậu”

Đức Từ Cung - Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Ảnh: thanhnien.vn

Cuối năm 1946, thực dân Pháp quyết trở lại cướp nước ta lần nữa, với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, nhân dân toàn quốc đã đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, quyết bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước. Tại Huế, các cung điện chính trong Đại nội và Thái miếu đều bị thiêu hủy trong dịp này…

Đến năm 1971, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (HĐNPT) và đức Từ Cung (mẹ của cựu hoàng Bảo Đại) đứng ra kêu gọi chính quyền và bà con hỗ trợ, đóng góp tài chính để tôn tạo Thái miếu làm nơi thờ cúng chín đời chúa Nguyễn và các vị công thần đã mở mang đất nước về phương nam.

Vận động không đủ ngân khoản chi dùng cho công trình to lớn, HĐNPT đã họp bàn với đức Từ Cung rồi đi đến quyết định cần phải bán một số cổ vật của tiền triều để xây dựng cho hoàn thành, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con.

Đức Từ Cung bằng lòng để HĐNPT chào bán tám chiếc thống sứ nguyên trưng bày tại lăng Gia Long chuyển về sau năm 1968. Các nhà buôn đồ cổ tại Huế, ông Hoàng Cán (Giám Hưu), ông Hoàng Văn Do đến trả giá nhưng không được chấp thuận. Ông Hoàng Văn Lộc (chủ tiệm đồ cổ trên đường Hồng Thập Tự - Sài Gòn) biết tin nên về Huế vài lần thương lượng không thành. Bất ngờ, ông Hoàng Văn Chánh (chủ hai tiệm đồ cổ trên đường Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Huệ - Sài Gòn) bay ra Huế đến gặp đức Từ Cung rồi bằng lòng mua với giá hai triệu đồng (lúc đó giá 1 lượng vàng 25 ngàn đồng). Để tránh trở ngại về sau, ông Chánh yêu cầu đức Từ Cung phải viết giấy bán như sau:

Huế, ngày 27 tháng 8 năm 1971

Giấy giao hàng

Tôi đức Từ Cung, có bán cho ông Hoàng Văn Chánh một bộ tám cái chậu, năm cái bị bể và ba cái không bể. Giá là hai triệu đồng (2.000.000 đồng). Tôi đã nhận đủ tiền và viết giấy nầy để làm bằng, có điều gì trở ngại tôi chịu trách nhiệm.

Đức Từ Cung (ký tên và đóng dấu )

Bốn chữ ký của HĐNPT (không ghi tên )

Sự việc nầy được báo chí đưa tin khiến dư luận thời đó rất xôn xao bàn tán. Có nguồn tin cho rằng, số tiền bán tám cái thống là tám triệu đồng. Có người trong hoàng tộc lại bảo chỉ bán được ba triệu, nhưng ngài đã chia cho các mệ và các vị trong HĐNPT một người một ít lộc của liệt thánh truyền lại. Ai biết được hư thực thế nào?

Trong thời gian đó lại phát giác ra một vụ mất trộm cổ vật lớn:

-Thế miếu mất hai thống lớn.

- Điện Thái Hòa mất sáu lộc bình.

- Ứng lăng (lăng Khải Định) mất bốn lộc bình.

Sau khi phát giác sự việc, ông quản thủ chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế đã kiến nghị với chính quyền tỉnh cho phép di chuyển tất cả cổ vật trưng bày tại điện Thái Hòa đến cất giữ tại gian bên phải Thế miếu. Giao cho Chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế chịu trách nhiệm bảo vệ cẩn mật.

Đến năm 1972, tình hình chiến sự rất căng thẳng chính quyền tỉnh nhận được lệnh phải di chuyển cổ vật quý hiếm tại Viện Bảo tàng Huế vào cất giữ tại Viện Bảo tàng Sài Gòn cho an toàn, gồm 179 thùng. Theo yêu cầu của đức Từ Cung, chuyển 10 thùng qua cất giữ tại tư thất của bà.

 TRẦN ĐÌNH SƠN

(Viết theo Hồ sơ lưu của Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá - Sài Gòn)

  Ý kiến bình luận