Đại dịch COVID-19 đã đẩy thêm nhiều trẻ em trên thế giới rơi vào cảnh “nghèo học vấn”. Ảnh minh họa: UNICEF

Theo một báo cáo mới được công bố của Ngân hàng Thế giới, UNESCO, UNICEF và các đối tác khác, hậu quả của cú sốc tồi tệ nhất trong lịch sử đối với giáo dục và học tập vừa được ghi nhận, khi tình trạng “nghèo học vấn” đã tăng thêm gần 1/3 ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đồng nghĩa với việc thế giới đang có khoảng 70% trẻ dưới 10 tuổi không thể đọc hiểu một văn bản viết đơn giản. Tỷ lệ này trước đại dịch COVID-19 là 57%, nhưng giờ đây, cuộc khủng hoảng học tập đã trở nên sâu sắc hơn.

Báo cáo cho biết thế hệ học sinh này hiện có nguy cơ tổn thất 21.000 tỷ USD thu nhập tiềm năng cả đời tính theo giá trị hiện tại, tương đương 17% GDP toàn cầu hiện nay, tăng từ mức 17.000 tỷ USD được ước tính năm 2021.

“Tình trạng nghèo học vấn toàn cầu: Báo cáo cập nhật năm 2022” cho thấy việc đóng cửa trường học kéo dài, hiệu quả giảm thiểu tác động kém và các cú sốc thu nhập hộ gia đình có ảnh hưởng lớn nhất đến tình trạng nghèo học vấn ở Mỹ Latinh và Caribe (LAC), với dự đoán 80% trẻ em ở độ tuổi cuối cấp tiểu học hiện không thể đọc hiểu được một văn bản viết đơn giản, tăng so với mức khoảng 50% trước đại dịch. Thậm chí ngay cả trước COVID-19, cuộc khủng hoảng học tập toàn cầu cũng đã sâu sắc hơn chúng ta tưởng.

Ngoài ra, báo cáo tiết lộ thêm rằng việc đóng cửa trường học kéo dài và các chiến lược không đồng đều đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong học tập ở trẻ em. Theo đó, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ em sinh trưởng ở những nền kinh tế xã hội thấp hơn và các nhóm thiệt thòi khác đang phải gánh chịu những tổn thất lớn hơn trong học tập. Đáng lo ngại, nếu không có các kỹ năng nền tảng vững chắc, trẻ em sẽ khó có thể có được các kỹ năng kỹ thuật và trình độ cao hơn – điều vốn cần thiết để phát triển trong thị trường lao động ngày càng khắt khe và xã hội ngày càng phức tạp hơn.

Từ đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới và các đối tác kêu gọi thế giới cần phải tăng tốc hành động và đẩy mạnh việc phục hồi học tập cho trẻ em, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Điều này đòi hỏi các cam kết chính trị quốc gia bền vững, từ các cấp chính trị cao nhất đến tất cả các thành viên của xã hội. Các cam kết cần được chuyển thành hành động cụ thể ở cấp quốc gia và cấp địa phương, với các mục tiêu rõ ràng về tiến độ và các kế hoạch dựa trên thực tế để phục hồi và đẩy mạnh việc học.

Theo ông Jaime Saavedra, Giám đốc toàn cầu về giáo dục của Ngân hàng Thế giới, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến việc học trên toàn thế giới, làm gia tăng đáng kể số trẻ em rơi vào tình trạng “nghèo học vấn”. Với 7/10 trẻ em dưới 10 tuổi hiện nay ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không thể đọc hiểu một văn bản đơn giản, ông Saavedra thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội phải nhanh chóng phục hồi tương lai của thế hệ này bằng cách đảm bảo các chiến lược và đầu tư phục hồi việc học, trong đó Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ hỗ trợ các quốc gia trong thời gian đầy thách thức này.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ World Bank)