Thứ Bảy, 09/12/2017 09:58

World Bank: COVID-19 gây ra sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong 150 năm

Đại dịch COVID-19 đã gây ra một "cú sốc nhanh và mạnh", dẫn tới sự suy thoái lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu kể từ năm 1870, bất chấp sự hỗ trợ chưa từng có của các chính phủ, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) vừa công bố hôm qua (8/6) cho biết.

Kinh tế thế giới giảm tăng trưởng 4% do ảnh hưởng của đại dịchTriển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, tốc độ phục hồi bị trì hoãnĐại dịch COVID-19: Nền kinh tế toàn cầu đang bị tàn phá nghiêm trọngIMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Nền kinh tế thế giới dự kiến ​​sẽ giảm 5,2% trong năm nay. Ảnh minh hoạ: Dailyhunt

Nền kinh tế thế giới dự kiến ​​sẽ giảm 5,2% trong năm nay - mức sụt giảm tồi tệ nhất trong 80 năm, nhưng số lượng quốc gia bị thiệt hại kinh tế lại rất lớn, điều này có nghĩa là quy mô của cuộc suy thoái lần này tồi tệ hơn bất kỳ cuộc suy thoái nào khác trong 150 năm qua, Ngân hàng Thế giới nêu rõ trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất ngày 8/6.

"Đây là một vấn đề nghiêm trọng, với cuộc khủng hoảng có thể để lại những vết sẹo lâu dài và đặt ra những thách thức lớn trên toàn cầu", bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch WB về Tăng trưởng Bình đẳng, Tài chính và Thể chế cảnh báo. Cũng theo bà Pazarbasioglu, ước tính về số lượng người sẽ bị đẩy lùi vào tình trạng nghèo đói cùng cực bởi đại dịch cũng gia tăng, từ 70 triệu đến 100 triệu người, cao hơn so với dự báo trước đó là hơn 60 triệu người.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất, WB cho biết các nền kinh tế tiên tiến dự kiến ​​sẽ giảm 7,0% vào năm 2020, trong khi các nền kinh tế thị trường mới nổi sẽ giảm 2,5%, mức sụt giảm lần đầu tiên dữ liệu được tổng hợp từ năm 1960. Trên cơ sở GDP bình quân đầu người, sự co lại của nền kinh tế toàn cầu sẽ là sâu sắc nhất kể từ năm 1945-1946.

Các dự báo cập nhật cũng cho thấy nền kinh tế thiệt hại nhiều hơn so với ước tính hồi tháng 4 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với mức sụt giảm dự báo là 3.0% cho năm 2020. IMF có kế hoạch cập nhật dự báo vào ngày 24/6 tới và Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết "rất có khả năng" tỷ lệ này sẽ được điều chỉnh giảm.

Và mặc dù WB kỳ vọng nền kinh tế có thể hồi phục vào năm 2021, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ một đợt bùng phát thứ hai có thể làm suy yếu sự phục hồi và biến cuộc khủng hoảng kinh tế thành một "làn sóng vỡ nợ".

Các nhà kinh tế đã rất khó khăn để đo lường tác động của cuộc khủng hoảng mà họ ví như một “thảm họa tự nhiên toàn cầu”, nhưng quy mô của nó tác động lên rất nhiều lĩnh vực và quốc gia, khiến cho việc tính toán trở nên phức tạp và bất kỳ dự đoán nào về sự phục hồi được đưa ra cũng là không chắc chắn.

Triển vọng ảm đạm

Trong khi GDP Trung Quốc dự kiến ​​sẽ duy trì mức tăng trưởng 1,0% trong năm nay, giảm so với dự báo 6,0% đưa ra hồi tháng 1, Ngân hàng Thế giới cho biết, các nước còn lại đều có dự báo khá ảm đạm: Mỹ và Nhật Bản cùng giảm 6,1% , khu vực đồng euro giảm 9,1%, Brazil giảm 8%, Mexico giảm 7,5 % và nền kinh tế Ấn Độ dự kiến giảm 3,2%.

Những dự báo trên được đưa ra với kịch bản các lệnh phong toả và đóng cửa kinh doanh tạm thời bắt đầu giảm bớt vào cuối tháng 6 này. Tuy nhiên, trong một kịch bản ít lạc quan hơn, khi các biện pháp hạn chế được kéo dài thêm 3 tháng nữa, nền kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ giảm sâu tới 8% - 10% ở các nền kinh tế tiên tiến và 5% ở các thị trường mới nổi, với sự sụp đổ lớn hơn trong dòng chảy thương mại toàn cầu, sa thải lao động và cắt giảm sâu trong chi tiêu hộ gia đình.

"Sự gián đoạn trong hoạt động sẽ làm suy yếu khả năng của các doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động và trả nợ của họ… Với mức nợ đã ở mức cao lịch sử, điều này có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ và khủng hoảng tài chính ở nhiều nền kinh tế", báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, ngay cả khi sự phục hồi toàn cầu dự kiến ​​cho năm 2021 là 4,2% trở thành hiện thực thì "ở nhiều quốc gia, suy thoái sâu được kích hoạt bởi COVID-19 có thể sẽ làm ảnh hưởng đến sản lượng tiềm năng trong nhiều năm tới".

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP & Devdiscourse)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính G20 tập trung bàn về vấn đề nợ và tiền điện tử
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính G20 tập trung bàn về vấn đề nợ và tiền điện tử

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhóm họp tại Ấn Độ vào tuần tới để thảo luận về vấn đề nợ đang gia tăng giữa các nước đang phát triển, quy định về tiền điện tử và nỗi lo suy thoái toàn cầu.

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.