Hồ sơ đồ án quy hoạch đang trong quá trình hoàn thiện được nhìn nhận rõ cả những kết quả đạt được lẫn những vấn đề còn tồn tại về phương pháp, công nghệ lập quy hoạch.

 

Quy hoạch Thủ đô cần đảm bảo tính tiếp cận tổng hợp, khoa học, phù hợp với thực tiễn, đa chiều, đa lĩnh vực

Thay đổi phương pháp

Thời gian qua, mặc dù tốc độ đô thị hóa tăng khá nhanh, nhưng chất lượng đô thị chưa cao, trong đó có nguyên nhân liên quan đến cách tiếp cận lập quy hoạch. Tiến sĩ Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chỉ rõ, nguyên nhân là do quy hoạch đô thị chưa mang tính tích hợp, đa ngành, gắn kết với quy hoạch vùng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư, thị trường bất động sản. Chất lượng đồ án quy hoạch đô thị còn hạn chế về tầm nhìn, dự báo, định hướng phát triển, điều kiện thực hiện. Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt cũng nhận xét, trước đây, việc lập quy hoạch về tổ chức không gian thường tách rời với quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tình trạng không ăn khớp, thậm chí mâu thuẫn giữa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức không gian kinh tế - văn hóa - xã hội với việc tổ chức không gian đô thị.

Về định hướng lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã quán triệt: “Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch,...”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải đổi mới phương pháp lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị theo hướng quy hoạch tích hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử, tiết kiệm tài nguyên đất đai, năng lượng, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất đai, dân số, lao động và nguồn nước.

“Việc tích hợp các đồ án quy hoạch ngành vào đồ án quy hoạch đô thị thông qua xây dựng ngân hàng dữ liệu, cập nhật thông tin các ngành, lĩnh vực đồng bộ, thường xuyên; xây dựng bộ công cụ chuyển hóa nội dung của quy hoạch ngành vào quy hoạch đô thị sẽ là cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá hiện trạng và đưa ra các dự báo phát triển có độ tin cậy cao”, ông Trương Văn Quảng cho biết.

Nhiều vấn đề cần lưu ý

Tại hội thảo tham vấn ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến hội đồng thẩm định, với hệ thống các báo cáo gần 1.200 trang, được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực...

Các chuyên gia, nhà khoa học, liên danh tư vấn đều thống nhất xác định các nguyên tắc về phương pháp lập quy hoạch bảo đảm tính tiếp cận tổng hợp, khoa học, phù hợp với thực tiễn, đa chiều, đa lĩnh vực. Quy hoạch Thủ đô cũng được lập với tinh thần rõ các quan điểm, mục tiêu - động, mở, thông minh trong giải pháp - thuận tự nhiên, có sự tham gia của các chủ thể liên quan trong đánh giá thực trạng và đề xuất các phương án quy hoạch, đặc biệt là sự tham gia, xin ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người dân…

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thực sự là bước đột phá về phương pháp lập quy hoạch theo hướng mới. Hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã nêu ra 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, cần xác định cả trọng tâm ưu tiên thực hiện trong giai đoạn tới năm 2030; sự liên kết giữa quy hoạch và kế hoạch thực hiện.

Còn theo Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội Trần Huy Ánh, hồ sơ báo cáo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, gần 1.200 trang tài liệu và 12 bản đồ minh họa cho thấy mới đạt về số lượng sản phẩm báo cáo theo quy định. Phần bản đồ minh họa vẽ 2D trên nền bản đồ 2D mới dừng ở mức số hóa hình học. Thông tin bản đồ và thông tin kinh tế - xã hội được tập hợp từ nhiều nguồn, còn thiếu tính đồng bộ và chuẩn hóa, định dạng…

Theo chuyên gia này, về mặt công nghệ, Quy hoạch Thủ đô được lập trong bối cảnh toàn cầu đã bước sang kỷ nguyên phát triển công nghiệp lần thứ tư. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, như hệ thống thông tin địa lý - GIS (geografic information system); quản lý công trình - BIM (buiding information mangement); hệ thống quản lý tư liệu điện tử - EDMS (electronic document management system)… sẽ giúp Hà Nội có được một sản phẩm quy hoạch được lập với quy trình chuyển đổi số toàn diện. Đây cũng còn là công cụ quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch sau này vô cùng chính xác, hiệu quả, quản trị phát triển ngang tầm quốc tế.

Tại hội thảo tham vấn ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá nội dung của hồ sơ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu theo quy định, quy trình của Luật Quy hoạch. Thời gian tới, thành phố cần chỉ đạo tập trung hoàn thiện hệ thống sơ đồ bản đồ, cơ sở dữ liệu, bảo đảm đủ các yếu tố trình thẩm định. Các bộ ngành, chuyên gia tiếp tục có ý kiến đóng góp vào nội dung quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng sát cánh với thành phố hoàn thiện các thủ tục cần thiết, quy trình để trình Quốc hội xem xét.

Theo Hanoimoi.vn

Theo Hanoimoi.vn