Toàn cảnh Hội nghị

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố báo cáo tình hình tổ chức Tết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết: Trong 07 ngày (từ 08/02-14/02, tức từ ngày 29 Tháng Chạp đến sáng ngày mùng 5 Tết Giáp Thìn), Hà Nội tổ chức cho Nhân dân đón Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, phấn khởi và an toàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố được duy trì đảm bảo tốt. Thành phố đã tổ chức bắn pháo hoa đêm Giao thừa tại 32 trận địa đảm bảo an toàn. Đặc biệt, Chương trình Lễ hội ánh sáng, nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long” tại khu vực Hồ Tây, quận Tây Hồ vào đêm Giao thừa là sự kiện văn hóa, nghệ thuật tiêu điểm trong thời khắc đón chào năm mới Giáp Thìn trên địa bàn Thủ đô, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế, đồng thời, tạo thêm vị thế, sự hấp dẫn, thu hút của điểm đến Thủ đô Hà Nội với du khách trong nước và quốc tế.

Công tác đảm bảo cung cấp điện, nước sạch, vệ sinh môi trường, cảnh quan Thành phố sạch đẹp, trang hoàng rực rỡ. Các phương án đảm bảo cung cấp điện, nước sạch an toàn, ổn định, liên tục phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại và sinh hoạt của Nhân dân. Tình hình thị trường hàng hóa, dịch vụ, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết ổn định, nguồn cung đảm bảo, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Toàn Thành phố có 83 điểm chợ hoa Xuân với các mặt hàng hoa cây cảnh được bày bán phong phú, nhiều chủng loại phục vụ người dân. Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị tốt công tác tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024 tại các quận, thị xã Sơn Tây và 5 huyện có Đề án lên quận đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả và tránh phô trương hình thức.

Công tác chăm lo các đối tượng hưởng chính sách, người có công được đảm bảo. Đến ngày 07/02 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão), Thành phố đã hoàn thành công tác thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách: Trao tặng 2.219.722 suất quà cho các đối tượng chính sách với tổng kinh phí 1.033,48 tỷ đồng (trong đó, nguồn xã hội hóa chiếm 25,4% tổng kinh phí quà tặng). Cùng với quà của Chủ tịch nước, quà của Thành phố, năm nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các quận, huyện, xã, phường tiếp tục quan tâm, trích ngân sách để thăm, tặng quà các đối tượng, đồng thời, vận động cộng đồng, xã hội cùng chung tay chăm lo Tết cho các đối tượng tại các cơ sở điều dưỡng, bảo trợ, cơ sở cai nghiện và tại địa phương. MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị  xã hội cùng các hội trên địa bàn Thành phố cũng đã triển khai phong trào Tết 2024 với nhiều hoạt động để tặng quà cho gia đình chính sách, người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố.

Công đoàn các cấp tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”, “Chợ Tết Công đoàn năm 2024”, “Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024”; tổ chức hỗ trợ, thăm quà, động viên, chúc Tết đoàn viên và người lao động (chi trên 188 tỷ đồng từ ngân sách Công đoàn, các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ trên 513 nghìn lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn).

Trong 7 ngày Tết, Nhân dân Thủ đô và khách quốc tế vui Xuân, đón Tết văn minh, an toàn. Ước tính, Hà Nội đón 653 nghìn lượt khách, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2023 với gần 103 nghìn lượt khách (các thị trường khách chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản...); khách du lịch nội địa tăng 12,2% với 550 nghìn lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2,35 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, năm nay, số lượng quà tặng các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn Thành phố tăng khoảng gần 24%, trong đó, nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp chiếm 25,4% tổng kinh phí quà tặng. Điều này, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, cộng đồng trách nhiệm của các doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, không chỉ Thành phố mà các đoàn thể, các xã phường cũng huy động các nguồn xã hội hóa chăm lo cho các đối tượng chính sách. Phó Bí thư đánh giá các hoạt động du lịch, văn hóa thể thao được tổ chức chuyên nghiệp, khơi dậy được truyền thống của địa phương. Qua đó, phát huy và bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống. Các địa phương đã gắn các hoạt động này với phát triển du lịch, do đó, đã thu hút đông đảo người dân đến các điểm công cộng, các cơ sở tín ngưỡng, văn hóa. “Phải xác định dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán là cơ hội để phát triển văn hóa như một dịch vụ, là cơ hội bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng cần làm tốt hơn công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là ở khu vực nông thôn, trong đó, phát động các xã, phường có các đợt thu gom, xử lý rác thải. Ngoài ra, Thành phố cũng cần quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp ngay từ đầu năm để tạo chuyển biến tích cực, thể hiện sự động viên, ghi nhận của Thành phố cũng như có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

 

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá cao sự chủ động trong công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Giáp Thìn của Thành phố; huy động được cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành đều vào cuộc chăm lo Tết. Qua đó, người dân Thủ đô đã có một cái Tết tươi vui, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, người người, nhà nhà có Tết. Thời gian tới, đề nghị các sở, ngành quan tâm các điều kiện đảm bảo sản xuất cho người dân, các doanh nghiệp, trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm đảm bảo đủ nước phục vụ cho nông dân xuống đồng vụ Xuân. Đồng thời, chăm lo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bắt tay ngay vào sản xuất. Thành phố sớm mở hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp để tạo luồng sinh khí mới cho các doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chủ động phòng ngừa, thường xuyên nhắc nhở không để xảy ra vi phạm kỷ cương, kỷ luật.

Ghi nhận công tác trang trí và vệ sinh môi trường của Thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Bí thư Thành ủy yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm, duy trì để giữ cho Thành phố luôn sạch đẹp, thiết thực chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, cần khơi thông nguồn lực về văn hóa, phải coi văn hóa là nguồn lực để phát triển mới của Thủ đô. Muốn thực hiện được điều này, cần có sự ủng hộ, vào cuộc của người dân Thủ đô.

Nguyễn Thị Nền (Tổng hợp)