1. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá - cao hơn mức bình quân chung cả nước; các chính sách an sinh - xã hội được đảm bảo

Vượt qua những khó khăn, thách thức của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Thành phố đã thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tích cực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án chậm triển khai; kinh tế Thủ đô đạt được những kết quả khá toàn diện và tích cực: GRDP đạt 6,27% (cao hơn mức bình quân chung cả nước); thu ngân sách trên địa bàn đạt 405.252 tỷ đồng (đạt 114,8% dự toán, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022)… Những thành tựu, kết quả của Hà Nội góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thành phố luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là người có công với cách mạng. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đảm bảo. Chính sách bảo hiểm được duy trì thực hiện tốt. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,5%.

2. Phối hợp với các cơ quan Trung ương hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - giải pháp cấp thiết để xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Thành ủy về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, năm 2023, Thành phố tập trung cho công tác đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 - nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị và tham gia xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào ngày 10/11/2023. Quá trình xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng.

Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo ra những cơ chế, chính sách vượt trội để Hà Nội phát huy lợi thế, phát triển nhanh và bền vững với tầm vóc và vị thế mới, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế; sớm trở thành đô thị thông minh, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, văn hiến, văn minh, hiện đại, có sức lan tỏa để thúc đẩy, tạo động lực, lan tỏa để vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cùng phát triển.

3. Đẩy nhanh tiến độ một số dự án, công trình giao thông trọng điểm; khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sớm hơn dự kiến

Hà Nội huy động nguồn lực để sớm hoàn thành các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; khởi công Dự án tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3... Đặc biệt, thành phố tập trung đẩy nhanh triển khai các thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng để khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào ngày 25/6/2023. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt hơn 96%. Các nhà thầu đã triển khai thi công các gói thầu đảm bảo theo tiến độ đề ra. Việc sớm hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ mở rộng không gian và khai thác thêm nhiều nguồn lực để Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển.

4. Sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được quan tâm, đẩy mạnh, trở thành nguồn lực mới cho phát triển bền vững Thủ đô; khơi dậy tinh thần “Thành phố sáng tạo”

Quan điểm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và hành động thiết thực, sáng tạo, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiếp tục được nâng lên rõ rệt, thúc đẩy tư duy hành động của cấp ủy và hệ thống chính trị các cấp, lan tỏa rộng rãi tới quần chúng Nhân dân, thu hút sự quan tâm, đồng hành của toàn xã hội. Những thay đổi tích cực về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, sáng tạo; tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa; cải thiện chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với nghệ sĩ, nghệ nhân… chính là những quyết sách quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng con người Thủ đô trong thời kỳ mới.

Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa với tầm nhìn đến năm 2045 đã có chuyển động tích cực, đạt những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là các ngành: Du lịch văn hóa; thủ công mỹ nghệ; nghệ thuật biểu diễn… và tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa nghệ thuật tầm cỡ khu vực và quốc tế, điểm nhấn ấn tượng là Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” mang thông điệp kết nối, tôn vinh các giá trị văn hóa. Qua đó, thúc đẩy tài nguyên văn hóa, con người Hà Nội thực sự trở thành nguồn lực mới quan trọng, khơi dậy và lan tỏa tình yêu Hà Nội, tinh thần xây dựng “Thành phố sáng tạo”, khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hiến nghìn năm, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phồn vinh, hạnh phúc và bền vững của Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

5. Hà Nội hoàn thành trước 1 năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới

Hà Nội luôn xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn. Phát huy những kết quả đạt được, Hà Nội đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025. Đến nay, tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả khả quan, đồng thời nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng lớn đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Với sự quan tâm, tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, tính đến ngày 5/12/2023, 100% huyện, thị xã của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành trước 1 năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Đến nay, 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bốn huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Cùng với đó, là 5 sự kiện được bình chọn và ghi nhận: (1) Công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại được tăng cường; Hà Nội tiếp tục là “Điểm đến bình yên, hấp dẫn và thân thiện”; (2) Lần thứ hai liên tiếp Hà Nội nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023”; (3) Đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; (4) Cải cách hành chính được đẩy mạnh; kỷ luật, kỷ cương hành chính, phân cấp, ủy quyền được tăng cường; (5) Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Lê Hoàng Tố Uyên (Tổng hợp)