Chủ trì Hội thảo có đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội; Đại diện Bộ Tư pháp - đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đồng chủ trì; Tham dự có Đại diện các bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương, Lãnh đạo các Sở, ban, ngành thuộc thành phố Hà Nội và các chuyên gia, nhà khoa học...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, Luật Thủ đô năm 2012 còn thiếu quy định về phát triển nông nghiệp, nông thôn, làm ảnh hưởng lớn đến tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện của hệ thống chính sách phát triển Thủ đô. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô để đáp ứng các mục tiêu phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới là hết sức quan trọng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh việc hoạch định cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trong sửa đổi Luật Thủ đô phải có tính khả thi, phù hợp với tình hình mới. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát huy tiềm năng, lợi thế, xây dựng Thủ đô văn hiến, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, công tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn TP thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực. Bên cạnh đó, phát triển “tam nông” của Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Nguyên nhân theo Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội do tốc độ đô thị hoá nhanh kéo theo diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp; canh tác nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, một số cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập, thiếu thực tế nên khó thu hút được nguồn lực xã hội. Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp Thủ đô, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất trong Luật Thủ đô (sửa đổi), TP được quyết định chuyển đổi mục đích đất theo đối tượng sản xuất nông nghiệp để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cần có chính sách thu hút đầu tư trang thiết bị, công nghệ sản xuất; lai tạo, bảo tồn, phát triển giống cây trồng, vật nuôi. Có cơ chế giao đất phát triển công nghiệp chế biến gắn liền với vùng canh tác nông nghiệp tập trung để tổ chức liên kết sản xuất bền vững...

Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất rằng, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Thủ đô phải có sự khác biệt, vượt trội. Vì vậy, cần có cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân Thủ đô, như: cơ chế tài chính (cao hơn so với quy định của Trung ương), khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư của cá nhân, tổ chức vào phát triển nông nghiệp, nông thôn (hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao, sinh thái, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn; hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, sản xuất giống; hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu đối với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ nông nghiệp…); hỗ trợ đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn và đặc biệt là các giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng sống và chất lượng môi trường nông thôn Thủ đô.

 

Quang cảnh Hội thảo

Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Oánh đã đề cập đến một số hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn TP hiện nay. Đồng thời cho rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có cơ chế đặc thù phát triển hợp tác xã kiểu mới phù hợp với tính xã hội của khu vực nông thôn Hà Nội. Đồng thời phát triển kinh tế trang trại, gia trại gắn với du lịch sinh thái.

Theo TS Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Luật Thủ đô cần cụ thể hoá việc phát triển những vùng nông nghiệp công nghệ cao để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư. Điều này sẽ tháo gỡ được vấn đề về tích tụ đất đai và tiếp cận của doanh nghiệp đối với tư liệu sản xuất. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp Hà Nội theo các vùng trọng điểm trên cơ sở tiềm năng lợi thế của từng địa phương…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến đánh giá cao ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Các ý kiến đều sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện tình cảm và tâm huyết với Thủ đô; khẳng định sự cần thiết đề xuất chính sách "Xây dựng, p hát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Các ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ được các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), góp phần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội giúp Thủ đô ngày càng phát triển bền vững./.

Thực hiện: Phòng Nghiên cứu Tỏng hợp