Ảnh minh họa. Ảnh: Vietnam+

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay, tối thiểu mỗi điểm thi có 2 cán bộ thanh tra.

Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tất cả địa phương, trong đó, có cả công tác thanh tra của Sở và thanh tra điểm thi. Bộ không phân biệt nơi nào là “điểm nóng” trong công tác thanh tra.

Bên cạnh việc thanh tra cắm chốt tại các điểm thi, Bộ chỉ đạo các địa phương tổ chức đường dây nóng và chuẩn bị lực lượng hỗ trợ các điểm nóng, thanh tra đột xuất. Đồng thời, thành lập các đoàn thanh tra chéo do Ban Chỉ đạo thi quyết định.

Ông Bằng cho biết, mấy năm vừa qua, Bộ đã bồi dưỡng các cộng tác viên thanh tra ở các Sở và cấp thẻ cộng tác viên 3 năm. Số lượng cộng tác viên này ở cả nước có khoảng 1 vạn cán bộ. Do đó, không lo thiếu cán bộ thanh tra nếu xảy ra vấn đề đột xuất.

Tăng cường trách nhiệm của cán bộ thanh tra thi, năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu cán bộ thanh tra, kiểm tra làm việc liên tục tại vị trí được phân công; báo cáo Trưởng đoàn thanh tra kịp thời về lý do vắng mặt tại địa điểm thanh tra, kiểm tra trong thời gian thanh tra, kiểm tra (nếu có).

Cán bộ thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm Quy chế thi của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Việc xác minh, xử lý sai phạm đối với những người tham gia các Đoàn  thanh tra, kiểm tra thi thực hiện theo Khoản 2 Điều 24 Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT và quy định pháp luật có liên quan.

Được biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay là 886.650, giảm gần 40.000 so với năm ngoái. Thành phố Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với hơn 74.000, đứng thứ hai là TP HCM với gần 71.000.

Dự kiến, toàn quốc có khoảng hơn 2.000 điểm thi. Bộ dự kiến chuẩn bị khoảng hơn 4.000 cán bộ thanh tra, kiểm tra tại các điểm thi.

Theo Dân trí