Triển lãm thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và công chúng

Triển lãm giới thiệu đến du khách một số cổ vật đời Minh Mạng được lựa chọn từ các sưu tập của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, như: đồ tự khí, vật dụng sinh hoạt hàng ngày hoặc trong công việc triều chính, các hình ảnh tư liệu mộc bản, châu bản phản ánh rõ nét công cuộc cải cách đất nước, giữ vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Hoàng đế Minh Mạng (1791 –1841) húy Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ 4 của hoàng đế Gia Long. Là người thông minh, quyết đoán, tinh thông Nho học, hoàng đế Minh Mạng đã đưa nước ta trở thành một quốc gia hùng mạnh với lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc nửa đầu thế kỷ XIX.

Trong 20 năm tại vị, hoàng đế Minh Mạng đã thực thi nhiều chính sách cải cách quan trọng từ nội trị đến ngoại giao, giúp cho đất nước trong giai đoạn ông trị vì trở thành thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến nhà Nguyễn.

Hoàng đế Minh Mạng đã để lại một di sản vật chất và tinh thần to lớn mà nhiều bộ phận trong đó đã trở thành di sản của dân tộc và nhân loại, như: các công trình kiến trúc, âm nhạc cung đình, các loại tài liệu mộc bản, châu bản, thơ văn chạm khắc trên kiến trúc cung đình Huế... Ngoài ra, hoàng đế Minh Mạng là người có công rất lớn trong việc hoàn thiện quy hoạch tổng thể Hoàng thành Huế, trong đó có công trình Ngọ Môn và điện Thái Hòa.

Hình ảnh một số tư liệu, hiện vật tại triển lãm:

Lư xông trầm pháp lam

Các cổ vật bằng đồng thời Minh Mạng

Ấn Quốc Sử Quán

Nghê bằng đồng được chế tạo vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826)

Tiền đồng triều Minh Mạng

Sách "Ngự chế thi lục tập" của hoàng đế Minh Mạng

Bản tấu Minh Mạng thứ 19 (1838) của Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi Đặng Đức Thiệm xin miễn trừ thuế cho các thuyền đi khảo sát Hoàng Sa

Ảnh chụp bản gốc mộc bản khắc sơ đồ Hoàng thành Huế

Tin, ảnh: Minh Hiền