Thứ Hai, 29/01/2018 09:13

Dịch COVID-19 đến 8h ngày 29/7: Số người mắc vượt 16,8 triệu người

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 29/7 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có 16.883.451 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 662.470 ca tử vong. Số ca bình phục là 10.445.764 ca.

Nhiều nước áp đặt lại các biện pháp hạn chế trước làn sóng bùng phát COVID-19 lần 2Thêm gần 7 triệu trẻ em bị còi cọc do cuộc khủng hoảng từ COVID-19Bầu cử Mỹ: Liên tiếp thất thế, Tổng thống Trump vẫn tự tin chiến thắngWHO: Các nước cần tập trung hơn nếu không muốn phải phong tỏa một lần nữaChâu Á nỗ lực đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần 2

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại thành phố Or Yehuda, Israel, ngày 22/7/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 4.498.006 ca bệnh và 152.309 ca tử vong.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan ngày 28/7, Thống đốc bang Virginia Ralph Northam thông báo áp đặt các hạn chế mới đối với các nhà hàng và quán bar ở khu vực phía Đông của bang này. Đây là khu vực ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Các quán bar ở khu vực Hampton Roads sẽ bị cấm phục vụ rượu sau 22 giờ và các nhà hàng phải đóng cửa trước nửa đêm, đồng thời giảm 50% công suất phục vụ khách.

Ngoài ra, tất cả các sự kiện tại nhà riêng hay nơi công cộng ở khu vực này, trong đó có bãi biển Virginia Beach, sẽ hạn chế tối đa số người tham dự là 50 người, giảm từ 250 người hiện nay.

Sau Mỹ là Brazil với 2.484.649 ca mắc COVID-19 và 88.634 ca tử vong.

Ngày 28/7, Bộ Kinh tế Brazil cho biết khoảng 1,19 triệu lao động tại nước này đã mất việc làm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu tháng Ba.

Gần như tất cả các ngành nghề tại Brazil đều báo cáo kết quả tiêu cực về tỷ lệ mất việc, trong đó nặng nề nhất là bán lẻ, giao thông vận tải, dịch vụ và công nghiệp.

Các lĩnh vực có kết quả tích cực là nông nghiệp và xây dựng, với lần lượt 36.836 và 17.270 việc làm mới được tạo ra từ tháng 1 đến tháng Sáu.

Tiếp sau Brazil là Ấn Độ với 1.532.135 ca mắc và 34.224 ca tử vong. Theo kết quả một nghiên cứu công bố ngày 28/7, hơn 50% số người sống tại các khu ổ chuột ở thành phố Mumbai của Ấn Độ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Kết quả nghiên cứu tuần trước cũng cho thấy gần 25% số dân ở thủ đô New Delhi dương tính với SARS-CoV-2.

Sau Ấn Độ là Nga với 823.515 ca mắc và 13.504 ca tử vong, Nam Phi với 459.761 ca mắc và 7.257 ca tử vong, Mexico với 395.761 ca mắc và 7.257 ca tử vong.

Tại châu Âu, trong khi Italy cân nhắc đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp thì Pháp đang lên kế hoạch tiếp tục nới lỏng các hạn chế.

Ngày 28/7, Thượng viện Italy đã ủng hộ đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế đến ngày 15/10 tới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Đề xuất này sẽ tiếp tục được bỏ phiếu tại Hạ viện Italy trong ngày 29/7.

Bộ Y tế Italy thông báo tính đến ngày 28/7, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên đến 246.488 ca, trong đó có 35.123 ca tử vong.

Còn tại Pháp, chính phủ nước này cùng ngày thông báo kế hoạch cho phép cổ động viên trở lại cổ vũ các trận đá bóng đá nhưng sẽ giới hạn số lượng. Khán giả vào sân cũng phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, ngồi đúng chỗ và không tụ tập quá 10 người.

Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế của nhiều nước châu Âu, trong đó có Bulgaria.

Ngày 28/7, Bulgaria thông báo sẽ chi thêm 1,16 tỷ Lev (tương đương 694 triệu USD) để hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời tăng cường cho lĩnh vực y tế và bảo đảm cho các nhóm dễ bị tổn thương tại quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) này.

Cụ thể, Chính phủ Bulgaria sẽ đẩy mạnh việc thanh toán tiền y tế vào cuối năm nay, tăng trợ cấp cho hơn 2 triệu người hưu trí và tăng tiền bồi thường thất nghiệp.

Bulgaria cũng sẽ chi 430 triệu Lev để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, vận tải và xây dựng.

Tính đến nay, Bulgaria ghi nhận 10.871 bệnh nhân COVID-19, trong đó 355 người đã tử vong. Do tác động của dịch bệnh, ngày 28/7, Bulgaria đã gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Tại châu Á, Israel đã vượt Mỹ trở thành quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 5 thế giới tính theo tỷ lệ dân số.

Theo số liệu của ấn phẩm khoa học Our World in Data vừa công bố, riêng trong ngày 28/7, Israel ghi nhận 210,96 ca mắc COVID-19/1 triệu dân, chỉ sau Oman, Panama, Brazil và Bahrain. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ là 198,64 ca/1 triệu người.

Tuy nhiên, số ca tử vong tại Israel thấp hơn rất nhiều so với Mỹ và nhiều nước khác tính trên 1 triệu dân, với tỷ lệ là 0,97.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế Israel công bố tối 28/7 cho thấy trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 2.210 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 33.148 ca, trong khi số ca tử vong tăng 6 ca lên 486 ca.

Israel chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trong những tuần gần đây khi có tới khoảng 2.000 ca bệnh mỗi ngày.

Giới chuyên gia cho rằng việc mở cửa trở lại quá sớm và công tác kiểm soát dịch bệnh thiếu hiệu quả là những nguyên nhân chính khiến số ca mắc tại nước này tăng cao trở lại.

Tại Palestine, các trường học dự kiến sẽ mở lại từ ngày 6/9 sau 5 tháng đóng cửa do đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Giáo dục Palestine, Marwan Awartani, nhận định: "Kế hoạch mở lại trường học phù hợp với quy định sức khỏe toàn diện dựa vào một số điều kiện mà tất cả các trường học, đại học và các cơ sở giáo dục khác phải tuân thủ."

Các quy định bao gồm thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang, găng tay và vệ sinh sát khuẩn.

Theo TTXVN/Vietnam+

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng là quá lớn, gây áp lực đáng kể lên lực lượng cứu hộ ở hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời làm cạn kiệt các nguồn lực quan trọng cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

6 xu hướng chính cần theo dõi trong năm 2023
6 xu hướng chính cần theo dõi trong năm 2023

Đại dịch COVID-19 đang diễn ra, những cú sốc địa chính trị và lạm phát kéo dài dự kiến sẽ tiếp tục là những rủi ro chính trong năm 2023. Tuy nhiên, châu Á có thể sẽ là một điểm sáng trong bối cảnh những cơn gió ngược ngày càng gia tăng, khi khả năng phục hồi của khu vực một lần nữa được thể hiện.

Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine
Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine

Tính từ năm 2015, Nông dân chăn nuôi vịt người Pháp Herve Dupouy đã 4 lần phải tiêu hủy đàn vịt của mình để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Dù vậy, khi đợt dịch một lần nữa bùng phát trong trang trại của ông, người nông dân Pháp Herve Dupouy khẳng định, đã đến lúc phải chấp nhận giải pháp tiêm chủng cho gia cầm.