Thứ Năm, 18/06/2020 08:02

APEC: Chuyển đổi kinh tế xanh cần thúc đẩy bình đẳng và hòa nhập

Tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với con người và nền kinh tế đã thúc đẩy các nền kinh tế thành viên thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này cần thúc đẩy sự bình đẳng và hòa nhập, theo một bản tóm tắt chính sách vừa được APEC công bố.

Mỹ cam kết lâu dài với châu ÁCác nhà lãnh đạo kinh tế APEC ra Tuyên bố chung phục hồi kinh tế

Kinh tế xanh được xem là xu thế tất yếu của sự phát triển bền vững. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

“Không thể phủ nhận tác động của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế và xã hội. Có thể thấy, nếu không có hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, khu vực APEC có thể sẽ phải gánh chịu những tổn thất lên tới 18,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2050”, bà Rhea C. Hernando, một nhà nghiên cứu cấp cao của Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC cho biết.

Bên cạnh đó, cũng có những hậu quả đáng kể về sức khỏe, nhiệt độ gia tăng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh về đường hô hấp, trong khi mưa xảy ra thường xuyên có thể làm gia tăng các đợt bùng phát bệnh sốt rét và sốt xuất huyết, bà Rhea C. Hernando lưu ý thêm.

Ước tính đến năm 2030, tổn thất trực tiếp do biến đổi khí hậu đối với sức khỏe có thể lên tới khoảng 2 - 4 tỷ USD mỗi năm. Đáng chú ý, khu vực APEC chiếm khoảng 60% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu hồi năm 2019.

Nhà nghiên cứu cấp cao của Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC cho rằng: “Để chống lại biến đổi khí hậu, việc cắt giảm phát thải khí nhà kính đóng vai trò rất quan trọng và quá trình khử carbon là cần thiết. Lấy nhiên liệu hóa thạch làm ví dụ, loại nhiên liệu này góp phần đáng kể vào tình trạng biến đổi khí hậu, khi chiếm hơn 75% lượng phát thải khí nhà kính”.

Được biết, bản tóm tắt chính sách có tiêu đề “Chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững trong khi đảm bảo sự hòa nhập” đưa ra cảnh báo, cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ tác động không cân xứng đến các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như phụ nữ, người nghèo, công nhân lao động, người khuyết tật, và người dân bản địa trên toàn khu vực.

Liên quan đến vấn đề này, bà Rhea C. Hernando khẳng định: “Việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp cần đảm bảo sự hòa nhập của họ, đặc biệt là khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm phù hợp. Một cách để đảm bảo sự hòa nhập trong khi thực hiện điều này là áp dụng khuôn khổ chuyển đổi công bằng”.

Cũng theo bản tóm tắt chính sách, các chính sách thương mại và đầu tư có thể được điều chỉnh thêm, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh, tăng cường việc làm xanh và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác để quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đạt được sự thành công là những cải cách cơ cấu. Những cải cách này đòi hỏi các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững, và một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp bền vững.

Ngoài ra, số hóa có khả năng đẩy nhanh đáng kể quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Các công nghệ kỹ thuật số có thể được áp dụng trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, và cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, bản tóm tắt chính sách nói trên cũng chỉ ra rằng, số hóa đi kèm với những thách thức riêng, bao gồm cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, những rủi ro liên quan đến an ninh mạng và quyền riêng tư dữ liệu, cũng như các thách thức pháp lý và quy định cần được giải quyết một cách đầy đủ để theo kịp các thay đổi kỹ thuật số năng động, đồng thời ngăn chặn rủi ro trở thành hiện thực.

Bằng cách áp dụng một khuôn khổ chuyển đổi công bằng, các nền kinh tế thành viên đặt lợi ích của xã hội và cộng đồng lên hàng đầu. Tư duy này sẽ ảnh hưởng đến hành động của các Chính phủ và định hướng những chính sách hướng tới việc xây dựng một tương lai bền vững và bao trùm dành cho tất cả mọi người.

Lê Thảo (Lược dịch từ Apec.org)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy xây dựng tương lai kiên cường và bền vững
Thúc đẩy xây dựng tương lai kiên cường và bền vững

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang thúc đẩy chương trình nghị sự năm 2023, nhằm xây dựng một tương lai kiên cường và bền vững, khi các quan chức đến từ 21 nền kinh tế thành viên nhóm họp tại Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất và các cuộc họp liên quan.

Nhiều tiềm năng hợp tác về kinh tế xanh, kinh tế số giữa Việt Nam, Singapore
Nhiều tiềm năng hợp tác về kinh tế xanh, kinh tế số giữa Việt Nam, Singapore

Nhân dịp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân thăm chính thức Singapore từ ngày 8-10/2, phóng viên TTXVN tại Singapore đã phỏng vấn Tiến sỹ Phạm Đức Minh thuộc Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu của Chính phủ Singapore. Trong cuộc trao đổi, ông đã đưa ra nhận định về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian tới.

Chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố quan trọng hướng tới phát triển bền vững
Chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố quan trọng hướng tới phát triển bền vững

Các quốc gia sẽ xem xét tiến trình hướng đến việc chuyển đổi các hệ thống lương thực trên toàn thế giới tại một hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ được tổ chức ở thủ đô Rome (Italy) vào tháng 7 này. Đây là thông tin vừa được Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Amina Mohammed và Phó Thủ tướng Italy Antonio Tajani công bố.

Học sinh lớp 10 Không dễ chuyển đổi môn học
Học sinh lớp 10: Không dễ chuyển đổi môn học

Nhiều học sinh lớp 10 có nguyện vọng chuyển môn/ tổ hợp môn vì sức học không theo kịp, nhưng nhiều trường chưa thể giải quyết, do liên quan đến điều kiện thực tế như đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.