Người dân ở thủ đô Bangkok, Thái Lan được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia không muốn mất cảnh giác trước những cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.
Cụ thể, các quan chức y tế đến từ các quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gần đây đã nhóm họp tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Trong đó, một số quan chức y tế đã đề cập đến những khó khăn mà họ phải đối mặt trong việc tiếp cận vaccine để bảo vệ người dân khi đại dịch hoành hành.
Bà Riamiza Momin, một chuyên gia tư vấn về các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế Brunei cho biết, quốc gia này không có khả năng sản xuất vaccine, và việc mua vaccine trong giai đoạn đại dịch trở nên khó khăn. Tuy nhiên, Brunei đã có thể tiếp cận vaccine thông qua hợp tác khu vực và quốc tế, bao gồm với Singapore, Trung Quốc, Australia, và Nhật Bản.
Với mục tiêu đảm bảo sự chuẩn bị tốt hơn cho các trường hợp khẩn cấp về y tế trong tương lai, một số quốc gia hồi đầu tháng 12 này đã nhóm họp tại Diễn đàn hợp tác Vaccine khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần thứ 2. Sự kiện được đồng tài trợ bởi Hàn Quốc, Mỹ, và Australia.
Phát biểu tại diễn đàn này, ông Cho Hyun-dong, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay: “Chúng ta cần tận dụng tối đa sự hợp tác hiện tại, nhằm tăng cường sự sẵn sàng trước các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai. Trong 3 năm qua, chúng ta đã trực tiếp trải nghiệm tầm quan trọng của hành động đoàn kết để chống lại mối đe dọa chung COVID-19. Chúng ta đã nhìn thấy được hiệu quả của phản ứng chung, cũng như tầm quan trọng của việc tiếp cận bình đẳng với vaccine và các phương pháp điều trị”.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh việc các quốc gia ASEAN thành lập Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN và Quỹ dự trữ vật tư y tế khu vực đã giúp thực hiện phản ứng nhanh chóng trên toàn khu vực. Được biết, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đóng góp sớm cho Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN.
Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ định Hàn Quốc là một trung tâm đào tạo sản xuất sinh học toàn cầu cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đang tìm cách sản xuất các sản phẩm sinh học, chẳng hạn như vaccine, insulin, các kháng thể đơn dòng, và các phương pháp điều trị ung thư.
Trong một bài phát biểu tại sự kiện nói trên, ông Philip Goldberg, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc lưu ý: “Các khoản đầu tư giúp tăng cường sự linh hoạt và khả năng thích ứng của các hệ thống y tế ít tốn kém hơn nhiều, so với các phản ứng khẩn cấp”.
Trong khi đó, bà Catherine Raper, Đại sứ Australia tại Hàn Quốc cũng lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác trong đại dịch. Bà Catherine Raper nói thêm, tính đến nay, Australia đã chia sẻ hơn 52 triệu liều vaccine COVID-19 với các đối tác trong khu vực, đồng thời cung cấp hơn 3 triệu liều vaccine cho các quốc gia ở Thái Bình Dương, và hơn 49 triệu liều cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Đại sứ Australia tại Hàn Quốc cho rằng, đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của sự đa dạng đối với các loại vaccine, cũng như các nhà sản xuất, đồng thời hoan nghênh mục đích của diễn đàn trong việc “thúc đẩy các mạng lưới và mối liên kết để cải thiện hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine trong khu vực”.
Bên cạnh đó, một số quốc gia ASEAN, chẳng hạn như Indonesia và Thái Lan, cũng đang tăng cường các cơ sở sản xuất vaccine.
Tại Singapore, Phó Giám đốc điều hành của Tập đoàn Y tế Quốc gia Singapore, ông Benjamin Seet cho biết, Singapore tuy không có cơ sở sản xuất vaccine của riêng quốc gia này, nhưng một số hãng sản xuất vaccine toàn cầu đang xây dựng các nhà máy ở đây. “Những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện là hợp tác với các công ty ở Singapore để đáp ứng nhu cầu trong nước và khu vực. Các cuộc thảo luận mà chúng tôi đang tiến hành ngày hôm nay sẽ đóng vai trò quan trọng khi một đại dịch khác xảy ra”, ông Benjamin Seet nhận định.
Thanh Ngân (Lược dịch từ The Straits Times)