Thứ Bảy, 08/08/2020 07:24

Động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Hơn 7.800 người thiệt mạng, Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp

Theo tin từ Reuters, tính đến hết ngày 7/2, số người chết trong trận động đất kinh hoàng ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên hơn 7.800 người, khi lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt để cố gắng cứu những người sống sót ra khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị sập.

WHO cảnh báo nạn nhân động đất có thể lên 20.000 người, các nước đua cứu trợĐại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hỗ trợ công dân Việt Nam bị ảnh hưởng của động đất

Sức tàn phá kinh hoàng của động đất tại Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Reuters/HNM

Quy mô của thảm họa đang dần trở nên rõ ràng hơn, và số người thiệt mạng có vẻ sẽ tăng lên đáng kể. Một quan chức Liên Hiệp Quốc nói rằng có thể hàng nghìn trẻ em đã chết trong trận động đất này.

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter hôm 6/2, sau đó vài giờ là trận thứ hai có cường độ gần như tương tự, đã làm đổ hàng nghìn tòa nhà bao gồm bệnh viện, trường học và khu chung cư, làm hàng chục nghìn người bị thương và khiến vô số người mất nhà cửa ở Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria.

Lực lượng cứu hộ đã phải rất khó khăn để có thể tiếp cận một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đường xá bị phá hủy, thời tiết xấu và thiếu nguồn lực, cũng như thiết bị hạng nặng. Một số khu vực không có nhiên liệu và điện.

Với rất ít sự trợ giúp ngay lập tức, nhiều người dân đã tự nhặt nhạnh đống đổ nát mà không có những công cụ cơ bản để có thể tìm kiếm những người sống sót trong tuyệt vọng.

Giới chức từ các tổ chức nhân đạo bày tỏ quan ngại đặc biệt về tình hình ở Syria – quốc gia vốn đã bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng nhân đạo sau gần 12 năm nội chiến.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã ban bố 10 tỉnh của nước này là vùng thảm họa và áp đặt tình trạng khẩn cấp trong ba tháng, điều này sẽ cho phép chính phủ có thể ban hành những luật mới mà không cần phải chờ thông qua quốc hội. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ mở các khách sạn ở trung tâm du lịch của Antalya để làm nơi tạm trú cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất, Tổng thống Erdogan cho hay.

Các số liệu cập nhật cho thấy số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 5.894 người, và hơn 34.000 người khác bị thương. Tại Syria, số người thiệt mạng ít nhất là 1.932, theo chính phủ và lực lượng cứu hộ ở vùng tây bắc do quân nổi dậy kiểm soát.

Chạy đua với thời gian

Lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian để cố gắng cứu những người sống sót ra khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị sập. ẢNh: Reuters/HNM

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ước tính có khoảng 13,5 triệu người bị ảnh hưởng trong một khu vực kéo dài khoảng 450 km từ Adana ở phía tây đến Diyarbakir ở phía đông và 300 km từ Malatya ở phía bắc đến Hatay ở phía nam. Trong khi đó, Chính quyền Syria đã ghi nhận những ca tử vong ở tận phía nam Hama, cách tâm chấn động đất khoảng 250 km.

“Bây giờ là cuộc chạy đua với thời gian… Mỗi phút, mỗi giờ trôi qua, cơ hội tìm thấy những người sống sót càng giảm dần”, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại Geneva, Thuỵ Sĩ.

Trên khắp khu vực, lực lượng cứu hộ đã làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm trong mùa đông khắt nghiệt, khi người dân đau khổ chờ đợi bên những đống đổ nát với hy vọng tìm thấy bạn bè, người thân… còn sống.

Tại Antakya, thủ phủ của tỉnh Hatay giáp biên giới với Syria, lực lượng cứu hộ rất mỏng và người dân phải tự mình nhặt nhạnh các mảnh vỡ. Mọi người mong có được mũ bảo hiểm, búa, thanh sắt và dây thừng để tham gia cứu hộ.

Được biết, hơn 12.000 nhân viên tìm kiếm và cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc tại các khu vực bị ảnh hưởng, cùng với 9.000 binh sĩ. Hơn 70 quốc gia cũng đã cung cấp các đội cứu hộ và viện trợ khác, nhưng quy mô của thảm họa thật đáng sợ.

“Khu vực này rất rộng lớn. Tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì như thế này trước đây”, anh Johannes Gust, đến từ dịch vụ cứu hỏa và cứu hộ của Đức, cho biết khi anh chất thiết bị lên xe tải tại sân bay Adana.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 5.775 tòa nhà đã bị phá hủy trong trận động đất và 20.426 người bị thương.

Hai đội của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ với 80 người mỗi đội và 12 con chó sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng nay (8/2) và hướng đến tỉnh Adiyaman phía đông nam để tập trung vào việc tìm kiếm người sống sót và cứu nạn đô thị.

Cảnh tượng kinh hoàng

Theo đánh giá, những người tị nạn Syria ở tây bắc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số những người dễ bị ảnh hưởng nhất.

Tại thành phố Hama của Syria, Abdallah al Dahan – một cư dân địa phương cho biết đám tang của một số gia đình đã diễn ra vào hôm qua (7/2).“Đó là một cảnh tượng đáng sợ theo mọi nghĩa”, Dahan nói qua điện thoại. “Cả đời tôi chưa từng thấy điều gì như thế này”.

Các nhà thờ Hồi giáo đã mở cửa cho những gia đình có nhà cửa bị hư hại. Theo hãng thông tấn nhà nước Syria SANA, ít nhất 812 người đã thiệt mạng tại các tỉnh Aleppo, Latakia, Hama, Idlib và Tartous do chính phủ kiểm soát.

Song song đó, Đội cứu hộ Mũ bảo hiểm trắng cho biết ít nhất 1.120 người đã thiệt mạng ở khu vực tây bắc do phe đối lập kiểm soát ở Syria và con số thiệt hại dự kiến sẽ “tăng đáng kể”. Trưởng nhóm cứu hộ Raed al-Saleh cho biết: “Các đội của chúng tôi đã rất nỗ lực nhưng họ không thể ứng phó với thảm họa và số lượng lớn các tòa nhà bị sập”.

Một quan chức nhân đạo của LHQ tại Syria cho biết tình trạng thiếu nhiên liệu và thời tiết khắc nghiệt đang tạo ra những trở ngại.

“Cơ sở hạ tầng bị hư hại, những con đường mà chúng tôi từng sử dụng cho công việc nhân đạo cũng bị hư hại”, điều phối viên thường trú của LHQ El-Mostafa Benlamlih nói với Reuters.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng là quá lớn, gây áp lực đáng kể lên lực lượng cứu hộ ở hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời làm cạn kiệt các nguồn lực quan trọng cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Kênh Venice khô cạn, Italy tiếp tục đối mặt với nguy cơ hạn hán mới
Kênh Venice khô cạn, Italy tiếp tục đối mặt với nguy cơ hạn hán mới

Theo các nhà khoa học và các nhóm bảo vệ môi trường, thời tiết khô hạn ít tuyết trong nhiều tuần của mùa đông vừa qua đã làm dấy lên lo ngại rằng Italia có thể phải đối mặt với một đợt hạn hán khác sau tình trạng khẩn cấp vì hạn hán vào mùa hè năm ngoái. Được biết trong mùa đông mới đây, dãy núi Alps chỉ nhận được lượng tuyết rơi chưa bằng một nửa so với bình thường.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể được thảo luận ở cấp cao nhất giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể được thảo luận ở cấp cao nhất giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Theo Hãng tin Sputnik, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể thảo luận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, còn được biết đến là thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, trong các cuộc đàm phán ở cấp cao nhất trong tương lai gần. Một nguồn thạo tin cho biết "giữa các nhà lãnh đạo tồn tại mối quan hệ được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.