Thứ Bảy, 27/10/2018 10:42

Thương mại, sản xuất thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của các nước ASEAN-6

Theo hãng dự báo và phân tích tình hình kinh tế Oxford Economics, thương mại và sản xuất đang thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của các nước khu vực ASEAN-6, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam, trong bối cảnh COVID-19 hiện nay.

ASEAN-6: Gần 21 triệu người lao động có nguy cơ mất việc do đại dịchAMRO: Các nền kinh tế ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 6,7%

Dây chuyền sản xuất trong một nhà máy ở Việt Nam. Ảnh: VNE

Không chỉ là “động lực cơ bản cho xuất khẩu”, sản xuất công nghiệp ở các nước này dự kiến ​​sẽ tăng mạnh từ quý II/2021 trở đi.

Oxford Economics ước tính rằng trong quý I/2021, tăng trưởng kinh tế ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam sẽ giảm tổng cộng 1,5%. Đây được xem là một tín hiệu lạc quan khi có sự tăng trưởng nhẹ từ mức giảm 3% trong quý IV/2020.

Tuy nhiên, công ty nghiên cứu này vẫn nhận định doanh số bán lẻ là một lực cản đối với hầu hết khu vực, ngoại trừ Singapore và Việt Nam, khi 2 nước này đều chứng kiến sự mở rộng trong cả thương mại bán buôn và bán lẻ. 

"Chúng tôi lạc quan hơn trong triển vọng tăng trưởng đối với Singapore và Việt Nam, những quốc gia có định hướng xuất khẩu và do đó có thể hưởng lợi nhiều hơn từ sự phục hồi của thương mại toàn cầu", nhà kinh tế Jung Sung Eun cho biết trong một báo cáo ngày 26/4. Trước đó, Oxford Economics cũng nhận định rằng “Việt Nam sẽ hưởng lợi về nhu cầu gia tăng đối với hàng điện tử toàn cầu và sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng này”. Được biết, trong khi trao đổi thương mại thế giới giảm 7,8% trong năm 2020 do các hạn chế vì đại dịch COVID-19, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 6,9% và tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào nước này cũng tăng 0,5%, góp phần làm tăng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất và chế tạo toàn cầu.

Ngoài ra, ông Jung Sung Eun cũng cho rằng Việt Nam và Singapore đã có kinh nghiệm và đạt những kết quả tốt hơn trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát dịch COVID-19 trong nước, điều này sẽ giúp duy trì sự phục hồi liên tục của nhu cầu nội địa.

Trong khi đó, Oxford Economics vẫn thận trọng về triển vọng đối với Indonesia và Malaysia, mặc dù sản lượng và doanh số ô tô của 2 nước này cao hơn, và Indonesia cũng đang chứng kiến sự phục hồi của ngành vận tải hàng hóa đường sắt.

Oxford Economics cũng đưa ra rủi ro về sự suy giảm đối với dự báo tăng trưởng của Thái Lan và Philippines, khi đại dịch đang bùng phát một cách nghiêm trọng hơn ở 2 quốc gia này.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Business Times)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy xuất nhập khẩu
Gỡ 'điểm nghẽn' để thúc đẩy xuất nhập khẩu

Mặc dù thủ tục hành chính ở nhiều bộ ngành liên quan đến thương mại hàng hoá xuyên biên giới đã được cải thiện, tuy nhiên doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn gặp không ít khó khăn khi tuân thủ quy trình.