Thứ Năm, 18/10/2018 07:00

Ba La Mật - một không gian thiền ẩn chứa nhiều điều thú vị

Ba La Mật là ngôi chùa gắn với tên tuổi của một nhân vật lịch sử thuộc dòng họ Nguyễn Khoa danh giá của đất Kinh đô: Nguyễn Khoa Luận (tức Viên Giác Đại sư). Cụ Nguyễn Khoa Luận sinh ngày 2/7 năm Giáp Ngọ (1834), mất ngày 27/6 năm Canh Tý (1900), thọ 66 tuổi. Cụ có tự là Đàm Trai, biệt hiệu là Văn Tử. Sau ngày đi tu, có đạo hiệu là Viên Giác Đại sư, pháp danh Thanh Chân.

Hai bức tranh quý của hoạ sĩ Lê Huy Miến tại chùa Ba La Mật

Tam quan chùa Ba La Mật

Cụ từng được triều đình nhà Nguyễn bổ qua các chức Án sát Thanh Hóa, Quảng Bình; Bố chánh Quảng Ngãi; Thị lang Bộ Binh (trật chánh tam phẩm); Bố chánh Thanh Hóa… Chức vị nào và ở đâu, cụ cũng đều thanh liêm mẫu mực, tư tưởng cấp tiến, trừ ác giúp nước, được dân yêu mến, kính trọng.

Kinh đô thất thủ (1885), vua Hàm Nghi xuất bôn, triều đình công nhận quyền cai trị của người Pháp trong cả nước. Không muốn cúi đầu làm việc cho chính quyền “bảo hộ”, cụ treo ấn từ quan xuất gia cầu Phật. Chùa Ba La Mật do cụ làm Tổ khai sơn, tính đến nay đã gần 130 năm; là một trong những cảnh chùa nổi tiếng tôn nghiêm của Huế.

Tiếp nối Viên Giác Đại sư, trú trì Ba La Mật là những bậc danh tăng xứ Huế như Viên Thành Đại sư, Trí Hiển Đại sư và Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Đức Trì.

Đảm nhiệm trú trì hiện tại là Thượng tọa Thích Thường Chiếu. Đến đây Ba La Mật như hội đủ duyên lành, ngày càng trở nên phong quang, rạng rỡ. Khuôn viên chùa được mở rộng, điện thờ, tăng xá… được trùng tu, xây dựng mới quy mô; các sinh hoạt tu học, từ thiện xã hội… được chức thường xuyên, nghiêm trang với sự quy tụ tham gia của đông đảo tăng ni, phật tử các giới.

Bên phải chùa là nhà thờ tộc Nguyễn Khoa, nơi thờ các danh nhân Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Trần Hoàn ký Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa từ năm 1993. Đặc biệt, trong chùa hiện còn lưu giữ 2 bức tranh quý do chính họa sĩ Lê Huy Miến (Lê Văn Miến) vẽ chân dung cụ ông và cụ bà Nguyễn Khoa Luận bằng phấn màu trên giấy (còn gọi là phấn tiên) rất sống động. Các bức tranh có tuổi đã trên trăm năm và còn giữ được khá tốt. Năm 2014, Hội Mỹ thuật Việt Nam do hoạ sĩ Lê Huy Tiếp (cháu nội của cụ Lê Huy Miến) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Bảo tàng dẫn đầu đã vào Huế tiếp cận. Đoàn đã tiến hành một số thao tác kỹ thuật để giúp bảo quản và lập hồ sơ cho 2 bức họa.

Lê Huy Miến (khi du học tại Pháp đổi là Lê Văn Miến). Sau khi tốt nghiệp trường Thuộc địa, vì yêu thích hội họa, đã quyết định ở lại tiếp tục theo học trường Mỹ thuật Paris. Ông làm quen với nghệ thuật vẽ sơn dầu và trở thành người đầu tiên vẽ tranh sơn dầu của Đông Dương. Năm 1907, ông đến Huế nhậm chức giáo sư hội họa và Pháp văn tại Trường Quốc Học. Năm 1913, đảm nhận trợ giáo tại trường Hậu Bổ - Huế. Đến cuối năm 1914 được thăng Phó Đốc giáo, năm 1919 thăng làm Đốc giáo. Năm 1923, chuyển sang phụ trách Trường Quốc Tử Giám, trở thành Tế tửu, dạy cả Pháp văn. Ông mất năm 1943, hưởng thọ 71 tuổi. Mộ táng tại xứ Trường An, làng Phước Tích (Phong Điền). Triều đình Huế truy tặng ông hàm Tế tửu Quốc Tử Giám, Hiệp tá đại học sĩ, Vinh lộc đại phu. Họa sĩ Lê Huy Miến cũng là con rể của cụ Nguyễn Khoa Luận.

Ba La Mật tọa lạc ở thôn Nam Phổ, xã Phú Thượng (Phú Vang). Trên đường Nguyễn Sinh Cung dẫn từ Huế về Thuận An, qua khỏi địa phận phường Vỹ Dạ, nhìn sang bên phải bạn sẽ bắt gặp một chiếc cổng tam quan với kiến trúc giản dị, gần gũi, trên ngạch cửa có đề dòng chữ quốc ngữ chân phương, rõ ràng: Chùa Ba La Mật. Hãy một lần ghé thăm và chiêm bái để được đắm mình cùng một không gian thiền vị rất Huế.

Bài, ảnh: HUY KHÁNH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải hành động để giữ gìn không gian chùa Huế
Phải hành động để giữ gìn không gian chùa Huế

Đem lý sự của “phép tắc” để ứng xử với không gian của các ngôi chùa dường như có gì đó không chuẩn. Mà phải ứng xử với chùa Huế như ứng xử với di sản của vùng đất...

Tìm bình an ở chốn thiền môn
Tìm bình an ở chốn thiền môn

Không đông đúc, chen lấn, không ồn ào với những cảnh tượng bát nháo, người dân Huế hay những du khách đến đất Cố đô để tham quan, lễ chùa vào mùa xuân với tâm thế lặng lẽ, nguyện cầu bình an cho chính mình cũng như người thân, bè bạn sau một thời gian dài trải qua rất nhiều biến cố do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Diệu Viên - ngôi chùa nữ đầu tiên trên đất Huế
Diệu Viên - ngôi chùa nữ đầu tiên trên đất Huế

Tôi có người cô đi tu ở chùa Diệu Viên. Cô là con gái út nên được bà nội tôi rất thương. Vậy nên, hễ có dịp là bà lại về chùa thăm con, và bao giờ cũng vậy, hễ đi là bà lại dẫn tôi theo. Mỗi lần như thế, trong đứa con nít là tôi lúc ấy thích thú và ngán ngẩm lẫn lộn.

Thiếu Lâm Tự ở Huế
Thiếu Lâm Tự ở Huế

Lâu nay nghe Thiếu Lâm là người ta lập tức nghĩ đến ngôi cổ tự nổi tiếng bên xứ Trung Hoa, còn ở Huế thì... À, cũng có “Thiếu Lâm Tự” đấy, nhưng mà đó là từ nói vui của dân hay lai rai buổi chiều để chỉ cái quán nhậu bình dân nơi góc chùa trên đường Hùng Vương gần chợ An Cựu. Tôi cũng từng ỷ y như vậy, nhưng hóa ra có một ngôi chùa mang tên “Thiếu Lâm Tự” luôn hiện hữu ngay trên đất Huế từ hơn trăm năm nay mà không nhiều người biết.