Thứ Ba, 20/08/2019 06:10

Tìm bình an ở chốn thiền môn

Không đông đúc, chen lấn, không ồn ào với những cảnh tượng bát nháo, người dân Huế hay những du khách đến đất Cố đô để tham quan, lễ chùa vào mùa xuân với tâm thế lặng lẽ, nguyện cầu bình an cho chính mình cũng như người thân, bè bạn sau một thời gian dài trải qua rất nhiều biến cố do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Lặng lẽ lễ chùa cầu an ngày đầu năm mới

Đi chùa đầu năm là nét đẹp riêng của Huế

Dâng hương, lễ chùa ngày đầu năm đã trở thành thói quen với rất nhiều gia đình xứ Huế. Nhiều du khách khi đến Huế cũng tranh thủ với nghi lễ này bằng cách “nhập gia tùy tục”, luôn cố gắng giữ thân tâm thư thái, không hương đèn rầm rộ, thái quá.

Thời tiết xuân ở Huế năm nay quá thuận lợi, bên cạnh những ngày đầu năm mới, nhiều người có thể thong dong đi lễ Phật ở chùa trong suốt tháng Giêng. Không có một thống kê cụ thể lượt người đến các chùa, nhưng hầu hết có thế nhận thấy rằng người dân, du khách đến chùa đều rất lặng lẽ, nhẹ nhàng với tâm thế khác rất nhiều so với những năm về trước.

Ngoài những ngôi chùa quen thuộc với các gia đình, người dân xứ Huế, nhiều ngôi cổ tự, tổ đình thường được mọi người tìm đến, như Từ Đàm, Thuyền Tôn, Từ Hiếu, Diệu Đế, Thiên Mụ… bên cạnh là địa danh nổi tiếng mà ở đó còn là danh thắng tâm linh, thu hút du khách gần xa. Trước đến lễ Phật, sau họ còn dành chút thời gian để tham quan, tìm phút giây bình yên ở chốn thiền môn như khởi đầu một năm trong nhẹ nhàng, bình an.

Người dân hành lễ ở bên ngoài chánh điện ở một ngôi chùa xứ Huế

Ngày 14 và Rằm tháng Giêng là hai ngày sau những ngày đầu năm người dân Huế tìm đến chùa đông nhất, đó là ngày mà các chùa tổ chức lễ cầu an. Dòng người đến chùa không nhiều như mọi năm, nhưng cách đến chùa cũng đã ít nhiều thay đổi trong cuộc sống “bình thường mới”. Mọi người không còn ngồi lâu, chen lấn thắp hương, dâng sớ cầu an… Thay vào đó, tất cả tự động giãn cách, lặng lẽ khấn ở một nơi nào đó ngay bên trong không gian của chùa, thong thả dạo quanh thay vì xôm tụ.

Anh Nguyễn Phú (TP. Huế), trước kia ai đi chùa cũng đòi thắp hương, nay thì khác, nhà chùa khuyến khích hạn chế chế thắp hương và có thể đứng từ xa để cầu khấn. “Riêng với cá nhân mình, có thể đến chùa để cầu nguyện nhưng vẫn giữ khoảng cách và tìm chút bình yên trong thân tâm đó là điều hạnh phúc”, anh Phú nói.

Một thầy ở chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP. Huế) cho hay, đầu xuân năm nay, dòng người đến chùa vắng hơn so với mọi năm, ý thức mọi người đi chùa cũng thay đổi rất nhiều. Người không đi lo ngại dịch bệnh, người đi thì rất cẩn thận, luôn khẩu trang và sát khuẩn kỹ càng. Quanh chùa, có nhiều thông báo mọi người đến chùa giữ khoảng cách và tuân thủ 5K. Khi mọi người vào chánh điện đông, các thầy cũng nhắc nhở phải lần lượt, hạn chế tình trạng chen chúc, thay vào đó mọi người có thể lễ Phật từ xa bằng lòng thành.

Dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen của con người. Việc đi chùa, lễ Phật mùa xuân của người Huế và du khách đến với vùng đất này cũng thay đổi theo lẽ tự nhiên. Nhiều du khách phương xa đến Huế cho rằng, vốn những năm chưa có dịch, đi chùa ở Huế rất thanh bình, thì nay nét thanh bình ấy hiện rõ hơn trong tính cách của người đi lễ.

Khác với những năm trước, năm nay người lớn tuổi đến lễ chùa cũng thưa vắng do lo ngại dịch bệnh, thay vào đó giới trẻ chiếm phần nhiều. Thú vị hơn khi năm nay, ngày 14 tháng Giêng trùng với dịp Lễ tình nhân nên một số bạn trẻ cho rằng ngoài việc lên chùa cầu bình an, họ còn nguyện cầu cho tình duyên, hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải hành động để giữ gìn không gian chùa Huế
Phải hành động để giữ gìn không gian chùa Huế

Đem lý sự của “phép tắc” để ứng xử với không gian của các ngôi chùa dường như có gì đó không chuẩn. Mà phải ứng xử với chùa Huế như ứng xử với di sản của vùng đất...

Diệu Viên - ngôi chùa nữ đầu tiên trên đất Huế
Diệu Viên - ngôi chùa nữ đầu tiên trên đất Huế

Tôi có người cô đi tu ở chùa Diệu Viên. Cô là con gái út nên được bà nội tôi rất thương. Vậy nên, hễ có dịp là bà lại về chùa thăm con, và bao giờ cũng vậy, hễ đi là bà lại dẫn tôi theo. Mỗi lần như thế, trong đứa con nít là tôi lúc ấy thích thú và ngán ngẩm lẫn lộn.

Thiếu Lâm Tự ở Huế
Thiếu Lâm Tự ở Huế

Lâu nay nghe Thiếu Lâm là người ta lập tức nghĩ đến ngôi cổ tự nổi tiếng bên xứ Trung Hoa, còn ở Huế thì... À, cũng có “Thiếu Lâm Tự” đấy, nhưng mà đó là từ nói vui của dân hay lai rai buổi chiều để chỉ cái quán nhậu bình dân nơi góc chùa trên đường Hùng Vương gần chợ An Cựu. Tôi cũng từng ỷ y như vậy, nhưng hóa ra có một ngôi chùa mang tên “Thiếu Lâm Tự” luôn hiện hữu ngay trên đất Huế từ hơn trăm năm nay mà không nhiều người biết.

Ba La Mật - một không gian thiền ẩn chứa nhiều điều thú vị
Ba La Mật - một không gian thiền ẩn chứa nhiều điều thú vị

Ba La Mật là ngôi chùa gắn với tên tuổi của một nhân vật lịch sử thuộc dòng họ Nguyễn Khoa danh giá của đất Kinh đô: Nguyễn Khoa Luận (tức Viên Giác Đại sư). Cụ Nguyễn Khoa Luận sinh ngày 2/7 năm Giáp Ngọ (1834), mất ngày 27/6 năm Canh Tý (1900), thọ 66 tuổi. Cụ có tự là Đàm Trai, biệt hiệu là Văn Tử. Sau ngày đi tu, có đạo hiệu là Viên Giác Đại sư, pháp danh Thanh Chân.