Thứ Sáu, 16/08/2019 05:57

Ứng phó dịch bệnh tôm nuôi từ đầu vụ

Bước vào vụ nuôi tôm chân trắng đầu năm, người dân Ngũ Điền (Phong Điền) đang lo lắng trước hai loại nấm Fusarium solani và vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh trên tôm nuôi.

Bảo vệ tôm nuôi ven biển trước bão số 9Bảo vệ tôm thẻ chân trắngHướng đến nuôi tôm an toàn

 Ao hồ ở Phong Hải vừa thả nuôi vụ mới

Nguy cơ từ nấm và vi khuẩn

Tôm nuôi chân trắng trên cát ở Ngũ Điền vụ đông thường được xem là vụ chính trong năm bởi thời tiết mát mẻ, khá thuận lợi cho tôm phát triển tốt. Nếu như tỷ lệ “ăn thua” các vụ khác trong năm thường “50-50” thì tôm nuôi vụ đông gần như “ăn chắc”. Nhiều hộ thường lãi lớn từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng từ vụ nuôi này.

Một số vụ đông cũng bị thiệt hại do bão lũ, tôm chết vì dịch bệnh nhưng tỷ lệ thấp, người dân không thua lỗ, thậm chí có lãi. Tuy nhiên, với tôm nuôi vụ đông ở Ngũ Điền vừa rồi được xem là vụ mùa thất bát nhất từ trước đến nay. Dịch bệnh hoành hành ngay từ đầu vụ, kéo dài đến giữa vụ làm tôm chết hàng loạt, ước thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nhiều hộ nuôi 2-3 hồ, có hộ nuôi đến 17 hồ đều mất trắng.

Anh Võ Khiên ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải thừa nhận, chưa có vụ đông nào lại bị thiệt hại nặng do bệnh đen mang như vụ đông vừa qua. Một phần thời tiết mưa bão diễn biến thất thường gây bất lợi cho sự sinh trưởng của tôm; nhưng có thể phần lớn do người dân chủ quan trong việc xử lý môi trường nguồn nước cấp vào ao trước khi thả giống là một trong những tác nhân dẫn đến dịch bệnh. Dù qua nhiều vụ nuôi, nhưng người dân vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hòa nhiệt độ nguồn nước trong ao khi bị thay đổi đột ngột. Tôm nuôi không thể kịp thích nghi với nhiệt độ quá thấp, hoặc quá cao, không đáp ứng yêu cầu sinh trưởng dẫn đến dịch bệnh.

Trưởng phòng Dịch tễ - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ông Trần Quốc Sửu cho rằng, thời tiết, môi trường vào vụ đông thường thay đổi thất thường, đột ngột là khó tránh khỏi. Cán bộ thú y thủy sản cũng đã tuyên truyền cảnh báo và hướng dẫn người dân triển khai biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tôm do yếu tố môi trường. Tuy nhiên, bệnh đen mang xảy ra trong vụ đông mới đây khiến tôm chết hàng loạt là điều khó lường, một phần do người dân chủ quan, thiếu kỹ năng xử lý môi trường, dịch bệnh.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, đơn vị phối hợp với Khoa Thủy sản – Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) đã tìm ra nguyên nhân bệnh đen mang ở tôm thẻ chân trắng nuôi tại Ngũ Điền làm chết hàng loạt. Theo đó, mẫu tôm nuôi trên hai tháng tuổi cho thấy bị cảm nhiễm đồng thời cả hai loài nấm Fusarium solani và vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Việc cảm nhiễm đồng thời hai loài làm tỷ lệ chết của tôm nuôi cao hơn bị cảm nhiễm từng loài đơn lẻ. Các tác nhân gây bệnh này thường do môi trường nước có nhiệt độ thấp và chất hữu cơ lớn.

Người dân Phong Hải thu tôm non vì dịch bệnh

Cần đảm bảo môi trường

TS. Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản Trường đại học Nông Lâm cho rằng, trải qua nhiều vụ, môi trường tại các vùng nuôi tôm chân trắng trên cát ở Ngũ Điền có sự thay đổi. Một trong những vấn đề lớn là nguồn chất thải, nước thải từ trong ao sau thu hoạch ra môi trường bên ngoài chưa qua xử lý triệt để dẫn đến môi trường quanh ao nuôi, vùng nuôi bị ô nhiễm. Hầu hết người dân đều cấp nước trực tiếp vào ao, không xử lý môi trường, tạp chất độc hại qua ao lắng gây bất lợi cho tôm sinh trưởng, nguy cơ bị dịch bệnh rất cao.

Trong khi tại vùng nuôi ở Ngũ Điền nhiều ao hồ tôm chết hàng loạt thì vẫn có một số ao hồ nuôi đến nay tôm vẫn phát triển ổn định, chưa có dấu hiệu xảy ra dịch bệnh. Anh Nguyễn Hải Đăng ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải khẳng định, với những hộ có nhiều kinh nghiệm, nắm vững các khâu kỹ thuật và chủ động ứng phó thời tiết, xử lý môi trường phù hợp sẽ không xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước cấp vào ao trước khi thả tôm phải được xử lý môi trường thông qua ao lắng. Người dân túc trực, theo dõi tôm nuôi 24/24 giờ để sớm phát hiện và có biện pháp điều chỉnh môi trường, xử lý mầm bệnh kịp thời, đảm bảo tôm thích nghi và sinh trưởng tốt…

Theo TS. Mạc Như Bình, đã đến lúc các địa phương, người dân cần triển khai đồng bộ các biện pháp cải tạo, xử lý môi trường ao nuôi, vùng nuôi một cách khoa học, hợp lý. Các hộ nuôi cần tuân thủ sự hướng dẫn, quy định về các biện pháp quy trình, kỹ thuật nuôi, xử lý dịch bệnh của cơ quan chức năng, cán bộ thủy sản, thú y thủy sản. Với nuôi tôm vụ đông, hoặc các vụ khác ảnh hưởng mưa rét cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ trong ao trên 25oC (tăng độ sâu), lắng lọc và xử lý nước tại ao chứa kỹ hơn trước khi cấp bổ sung cho ao nuôi và thường xuyên xử lý chất hữu cơ ở đáy ao.

Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đình Đức thông tin, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tập trung kiểm tra, rà soát lại quy hoạch nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền và một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Một số vùng quy hoạch thiếu hợp lý, bất cập sẽ yêu cầu điều chỉnh đảm bảo nuôi tôm trên cát an toàn, bền vững. Các địa phương, người dân tổ chức lại ao nuôi, giảm mật độ ao nuôi, tăng cường ao xử lý nước thải theo quy định bình quân 3-5 ao nuôi phải có một ao lắng xử lý môi trường nước. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục triển khai một số mô hình nuôi tôm an toàn, theo công nghệ cao như nuôi bằng ao tròn, khép kín, theo chuỗi giá trị; đồng thời vận động, hướng dẫn người dân từng bước chuyển đổi sang các mô hình này.

Diện tích nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 500ha; trong đó tập trung ở vùng Ngũ Điền khoảng 400ha trong tổng diện tích quy hoạch khoảng 900ha. Với những vụ mùa thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh, năng suất bình quân đạt 25-30 tấn/ha/vụ; thu nhập bình quân mỗi vụ trên 2.000 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.

Phân lập chủng xạ khuẩn làm chế phẩm sinh học trị bệnh trên tôm thẻ chân trắng
Phân lập chủng xạ khuẩn làm chế phẩm sinh học trị bệnh trên tôm thẻ chân trắng

Sáng 24/12, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiến hành nghiệm thu kết quả đề tài KHCN cấp cơ sở "Phân lập chủng xạ khuẩn đặc hiệu làm chế phẩm sinh học để hạn chế bệnh do vi khuẩn gây ra trên tôm thẻ chân trắng tại Thừa Thiên Huế" do Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế chủ trì thực hiện và được Quỹ Phát triển KH&CN tài trợ.