Thứ Tư, 04/09/2019 13:45

Phục hồi sau đại dịch

Tín hiệu đáng mừng, dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) Thừa Thiên Huế đã quay trở lại hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD).

Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phục hồi kinh tế

Công nhân Công ty may Vinatex Hương Trà hoàn thiện sản phẩm theo dây chuyền

Tăng tốc từ đầu năm

Khi ngành du lịch tê liệt vì đại dịch, CEO Công ty (CT) Du lịch Phong Lan Việt – Hồ Sương Lan tìm hướng đi mới: đầu tư sản xuất và ra mắt các sản phẩm thủ công truyền thống từ cỏ bàng với thương hiệu Maries. Những chiếc túi xách, ví, ba lô, mũ… nhanh chóng trở thành sản phẩm “hot” trên thị trường. Sản phẩm được chính những nghệ nhân làng nghề Phò Trạch (Phong Điền) chăm chút, CEO Hồ Sương Lan là người lên ý tưởng, phối kết hợp các nguyên phụ liệu.

Năm 2021, là giai đoạn CT Maries tìm chỗ đứng trên thị trường giữa vô vàn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. May mắn với lối đi đúng: vừa đẩy mạnh quảng bá qua nhiều kênh, mở showroom giới thiệu sản phẩm, tăng cường bán online… hiện công ty đang phát triển SXKD khá tốt. “Maries đang tạo việc làm cho gần 50 nhân viên, nghệ nhân, thợ thủ công của làng nghề đệm bàng Phò Trạch. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng tăng gấp đôi”, chị Hồ Sương Lan vui mừng.

“Năm 2022 này, mình dự kiến mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc, thiết bị, đưa sản phẩm thủ công của Maries lên “sàn” thương mại quốc tế. Riêng công ty Du lịch, hiện tất cả chuyến bay quốc tế đã mở cửa, hy vọng sang quý II, III này, lượng khách nước ngoài sẽ “tăng nhiệt” trở lại. Để tái khởi động DN du lịch sau thời gian “đóng băng”, mình đang lên kế hoạch chuẩn bị những sản phẩm du lịch phù hợp giai đoạn sau đại dịch”, CEO Phong Lan Việt chia sẻ.

Giai đoạn 2020- 2021, việc tuyển dụng lao động đi Nhật của CT Đầu tư Hợp tác quốc tế DayStar cũng lao đao vì đại dịch. Trong 2 năm, công ty chỉ xuất khẩu chưa đến 300 lao động, trong khi trước đó là 800 người/năm.

“Năm nay, khi Nhật Bản mở cửa đường bay, tiếp nhận lại lao động, kế hoạch và cũng là nhiệm vụ mà tỉnh giao cho DayStar: phấn đấu đưa khoảng 800 - 1.000 lao động đi Nhật Bản”, Trưởng phòng Nhân sự Công ty DayStar Nguyễn Đức Hưng thông tin.

Người lao động đến ứng tuyển tại ngày hội tuyển dụng của Công ty DayStar

Để đạt kế hoạch đề ra, CT đang đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hội thảo, ngày hội tuyển dụng, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong tuyển dụng lao động; rút nhân sự ở các chi nhánh của DayStar về Huế, mở thêm văn phòng đại diện tại các huyện, thị để tìm kiếm nguồn lao động. “May mắn là các đối tác Nhật Bản đang có mục tiêu chuyển dịch đơn hàng từ miền Bắc và Nam về miền Trung, vì vậy, DayStar có lợi thế trong việc cung cấp đơn hàng và đang phấn đấu để “cung đáp ứng cầu” cho đối tác”, ông Hưng nói.

Bên trong nhà máy may Vinatex Hương Trà, các công nhân đang miệt mài may sản phẩm áo quần xuất khẩu với khoảng cách làm việc đảm bảo để phòng dịch.

Đại diện lãnh đạo CT cho hay, với 550 công nhân, thời gian qua, Vinatex Hương Trà đã chủ động, linh hoạt, đảm bảo an toàn cho người lao động “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Trong đại dịch, CT chứng minh được năng lực của mình nên ký kết được nhiều đơn hàng tốt. Hiện, Vinatex Hương Trà đang sản xuất đơn hàng cho đối tác Anh, châu Âu, châu Mỹ và đơn hàng đã ký kết đến quý II nên DN yên tâm về khối lượng công việc trong thời gian tới.

Hỗ trợ sớm phục hồi  

Năm 2021, DN Thừa Thiên Huế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của DN và sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Để “sống sót”, các DN thay đổi chiến lược, tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa cũng như thực hiện nhiều sáng kiến trong ứng phó COVID-19. Đồng thời, quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai.

Nhân viên nhà Maries chụp ảnh sản phẩm túi thủ công từ cỏ bàng trên mẫu

Theo người đứng đầu Hiệp hội DN tỉnh - Dương Tuấn Anh, đồng hành cùng DN, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách, với các gói hỗ trợ lớn: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; chính sách hỗ trợ DN trả lương cho người lao động… Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH với quy mô 350.000 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của Nhân dân, DN. Vì vậy, “cộng đồng DN và người dân đang kỳ vọng Chính phủ và các bộ, ngành địa phương nhanh chóng triển khai Nghị quyết của Quốc hội để sớm phục hồi kinh tế”, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh bày tỏ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng cam kết đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường khuyến khích đầu tư, chuyển đổi số nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho DN.

Về phía Hiệp hội DN tỉnh, đơn vị đã làm đầu mối tổ chức tiêm vắc-xin cho cán bộ quản lý và người lao động trong các DN, hội viên, với gần 10 ngàn liều, góp phần đáng kể để DN ổn định SXKD, yên tâm trong các giao dịch. Triển khai kết nối, làm việc với các sở, ngành, tạo điều kiện cho các DN tiếp tục củng cố, phát triển; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực DN. Đồng hành cùng DN, doanh nhân nắm bắt các khó khăn, kiến nghị với Chính phủ, tỉnh về các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ hồi phục, góp phần tạo ra môi trường thuận lợi giúp DN vượt qua khó khăn để phát triển.

Hiệp hội DN tỉnh đã xây dựng sàn thương mại điện tử tại địa chỉ www.huasentrade.vn nhằm hỗ trợ DN kết nối thị trường thông qua các nền tảng số, trên môi trường internet. Dự kiến, quý I/2022, sàn này sẽ đi vào hoạt động, hứa hẹn là sân chơi kết nối giao thương được yêu thích vì vừa tầm và gần gũi với cộng đồng DN Huế. Đồng thời, xúc tiến thành lập CT cổ phần Hiệp hội DN tỉnh và sẽ hoạt động cùng thời gian này.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.