So với các năm trước, hiện lượng hải sản tàu hậu cần thu mua được thấp hơn hẳn
Vươn khơi là lỗ
Trong hành trình vươn khơi, mỗi tàu trang bị khoảng hơn 1.000 lít dầu, 500-700 cây đá cùng các loại lương thực khác. Không như những tàu đánh bắt, tàu hậu cần chỉ đi chừng hơn 100 hải lý, kéo dài từ 3-5 ngày là cập cảng. Thời điểm này năm trước, nhiều tàu hậu cần mỗi chuyến biển mang về hàng chục tấn cá các loại, nhưng năm nay, sản lượng cá thu mua ít hẳn, thậm chí có tàu trở về tay trắng.
“Trước đây, mỗi chuyến vươn khơi thu mua trung bình từ 20-30 tấn cá các loại và chỉ đi trong vòng 3 ngày, nhưng nay, mỗi chuyến trở về chỉ thu được 5 tấn cá, lỗ mấy chục triệu đồng. Tàu mô may lắm chỉ ngang vốn”, ông Trần Văn Mậu (tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An), chủ tàu TTH-96040DS than thở.
Tàu hậu cần nghề cá cập cảng Thuận An
Không chỉ những con tàu có thâm niên nhiều năm thu mua, tàu hậu cần được ngư dân đóng mới theo Nghị định 67 cũng rơi vào cảnh liên tục thua lỗ.
Anh Nguyễn Cường (42 tuổi, thị trấn Thuận An), chủ tàu cá TTH-99911 công suất gần 500 CV chia sẻ: “Trước đây, tui làm nghề đánh bắt với loại tàu có công suất nhỏ, khi dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, tui mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đóng mới tàu cá có trị giá gần 5 tỉ đồng theo Nghị định 67. Tàu có công suất lớn nên sức chứa trên dưới 50 tấn/chuyến. Từ khi hạ thủy vào đầu năm đến nay chỉ vươn khơi 5 chuyến nhưng chuyến mô cũng thua lỗ. Chuyến gần đây nhất trở về tay trắng. Với tình trạng này, số nợ ngân hàng hơn 4 tỉ đồng không biết khi mô trả hết”.
Thị trấn Thuận An có khoảng 36 tàu hậu cần nghề cá góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức thu nhập khá cao. Thế nhưng, khi những chuyến biển trở về không đầy ắp cá tôm thì bạn tàu cũng không còn mặn mà.
"Cứ vươn khơi là lỗ nên bạn bỏ tàu mà đi, mình không thể trách họ được. Trung bình mỗi tàu cần khoảng 10 bạn tàu, nhưng có chuyến vươn khơi nhiều lắm được 8 người. Nếu không có hải sản để thu mua, các chủ tàu thường lên đèn cho bạn tàu câu các loại hải sản để nâng cao thu nhập nhưng cũng chẳng là bao. Mỗi chuyến biển trở về tay trắng nên họ đành tìm các công việc khác để mưu sinh. Nhiều lúc muốn vươn khơi nhưng lao động trên tàu lại không đủ”, anh Cường bày tỏ.
Phụ thuộc
Theo nhiều chủ tàu hậu cần nghề cá tại thị trấn Thuận An, nguyên nhân dẫn đến việc thua lỗ sau nhiều chuyến biển là bởi lượng hải sản khai thác được của những tàu đánh bắt giảm đáng kể so với trước. Theo đó, lượng hải sản thu mua trên biển giảm theo.
“Tàu đánh bắt vươn khơi dài ngày, có khi 20 ngày đến cả tháng, tụi tui phải phối hợp theo họ để thu mua. Tính chất của tàu hậu cần là đi ngắn ngày, thu mua vừa đủ số lượng là có thể trở về cảng nhập hàng rồi đi chuyến tiếp theo. Thế nhưng cá ở tàu đánh bắt ít thì lấy chi thu mua. Vì thế, thu nhập chỉ đủ chi phí xăng dầu”, anh Cường giãi bày.
Hiện nay, tàu hậu cần nghề cá tại thị trấn Thuận An không chỉ liên kết thu mua với các tàu đánh bắt trong tỉnh mà còn với các tàu tỉnh bạn như Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Đà Nẵng… Dù thị trường được mở rộng nhưng cạnh tranh gay gắt hơn trước.
Tàu hậu cần thu mua cá ngay trên biển, hình thành chợ “di động”, hỗ trợ đầu ra cho ngư dân đánh bắt trên biển.
|
“Có thể năm nay nhuận nên lượng cá vụ này bị ảnh hưởng. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá nên lượng tàu hậu cần cũng theo đó tăng lên. Hiện nay, không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà sản lượng đánh bắt của các tàu tỉnh bạn cũng ít đi. Do vậy, cánh thu mua tụi tui gặp khó”, một chủ tàu tại thị trấn Thuận An phân tích.
Anh Trần Văn Cường, Chủ nhiệm CLB ngư dân trẻ vươn khơi bám biển thị trấn Thuận An bày tỏ: “Chưa năm nào, tàu hậu cần nghề cá tại Thuận An lại thua lỗ nhiều như năm nay. Trong số hơn 30 tàu thì hầu hết bị lỗ sau mỗi chuyến thu mua khiến anh em có phần nản lòng. Tôi đang điều khiển tàu hậu cần nghề cá và cũng qua nhiều chuyến lỗ rồi nên hiểu tâm lý của các chủ tàu, cuộc sống của họ vì thế cũng khó khăn hơn”.
Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết: “Thuận An là địa phương có số lượng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất tỉnh và tăng theo hàng năm. Hiện, địa phương cũng có hơn 300 tàu có công suất lớn nhỏ đánh bắt xa bờ. Từ đầu năm đến nay, ngoài các loại tàu giã cào, lượng hải sản đánh bắt được của các tàu có phần thấp hơn trước nên nguồn cung cho tàu hậu cần thấp hơn khiến thu nhập của họ giảm sút đáng kể”.
Bài, ảnh: LÊ THỌ