Thứ Tư, 02/11/2016 17:05

Ẩm thực Huế và sứ mệnh "Đại sứ" ngoại giao văn hóa

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, ẩm thực là cách tốt nhất để tìm hiểu về đất nước, con người hay một nền văn hóa quốc gia hay vùng miền. Quan trọng hơn, theo Tổ chức Du lịch thế giới, trung bình 1/3 ngân sách của khách khi đi du lịch được dành cho ẩm thực.

Ẩm thực sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn của Huế“Không gian văn hóa ẩm thực thuần Việt” sẽ góp phần đưa Huế trở thành “Kinh đô ẩm thực”Vietravel tài trợ “Không gian văn hóa ẩm thực thuần Việt” tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019Hàng ngàn người dự không gian ẩm thực thuần Việt

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam trao giấy chứng nhận cho các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực tham gia “Không gian văn hóa ẩm thực thuần Việt”

Văn hóa ẩm thực lâu nay vẫn được xem là yếu tố không thể tách rời của du lịch. Hoạt động ẩm thực không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống cho khách du lịch, tạo ra việc làm và mang lại thu nhập cho một bộ phận người dân địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu đến du khách những nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cùng với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch MICE, du lịch tâm linh, du lịch chữa bệnh..., du lịch ẩm thực ngày càng trở nên phổ biến và đóng vai trò không nhỏ trong sự phát triển du lịch ở nhiều địa phương, quốc gia. Bởi lẽ, trải nghiệm, thưởng thức, nghiên cứu ẩm thực đã trở thành một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch của các du khách trong và ngoài nước. Và hơn ai hết, Huế đang nỗ lực và quyết tâm thực hiện điều này tốt nhất có thể.

Du khách tham quan các hàng gian tại “Không gian văn hóa ẩm thực thuần Việt”

Nhiều năm qua, ở Huế luôn có những sự kiện, hoạt động để khẳng định lợi thế cạnh tranh của ẩm thực, nhất là trong các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế. Tín hiệu mừng cho ẩm thực Huế là Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã có những cam kết cho sự hợp tác lâu dài và tiếp tục tổ chức những “Không gian ẩm thực thuần Việt” dân gian và đương đại như tại khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2019, nhằm mục đích nâng tầm ẩm thực, biến ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch cho Huế.

Ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức “Không gian văn hóa ẩm thực thuần Việt” thông tin, sau 5 ngày diễn ra, không gian ẩm thực thu hút hơn 50.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Chưa bao giờ một không gian ẩm thực thuần Việt lại có sự góp mặt của hơn 100 nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực và đầu bếp chuyên nghiệp như thế, đã tham gia biểu diễn những món ăn, món uống thể hiện phong tục, tập quán các vùng miền.

Sự góp mặt của nhiều chuyên gia, đầu bếp chuyên nghiệp tạo sự thành công cho “Không gian văn hóa ẩm thực thuần Việt”

Ông Lê Tân cho rằng, văn hóa ẩm thực dân gian và đương đại Việt Nam có sự khởi đầu ở Huế lần này nhưng không bao giờ có sự kết thúc. Dòng chảy văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ luôn chảy, tạo nên dấu ấn để đưa nền văn hóa ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, tự tin vươn ra thế giới. Đó là mong muốn của tất cả mọi người. “Không gian ẩm thực bốn mùa” tại Huế trong thời gian đến sẽ là sự tiếp nối sau lần tổ chức này.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam khẳng định, tổ chức không gian ẩm thực có tính chất thuần Việt và đậm đà văn hóa của Việt Nam để nâng tầm ẩm thực đó là sứ mệnh và trách nhiệm mà Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã nhận mang trên con đường phát triển văn hóa ẩm thực Việt. Quyết tâm đưa ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu của du lịch Việt; qua đó, thể hiện đất nước có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.

Quảng diễn các món ăn đặc trưng

Tại Hội thảo khoa học về “Ẩm thực cung đình và dân gian Huế” lần thứ 2 được tổ chức vào năm 2018 tại Huế, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực, doanh nghiệp cho rằng, để ẩm thực phát triển bền vững, mang lại hiệu quả lâu dài thì phải kết nối được “3 nhà”: Nhà nước, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu. Ba nhà sẽ cùng đưa ra những giải pháp để nâng tầm và phát triển ẩm thực Huế nói riêng, và ẩm thực Việt Nam hiện nay nói chung.

Trên thực tế ở Huế lâu nay, thiếu nguồn lực luôn khiến các hoạt động diễn ra với tần suất ít, quy mô không đủ để nâng tầm ẩm thực. Huế cũng đang thiếu những không gian ẩm thực chuyên nghiệp và tổ chức thường xuyên để thu hút du khách. Để làm được trên, xã hội hóa trong công tác tổ chức là điều gần như bắt buộc. Ông Lê Tân khẳng định, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam rất tự tin làm điều này cùng với Huế khi Vietravel đã có những cam kết cho sự đồng hành lâu dài trong tương lai.

Vinh danh GS. TS Khoa học Lưu Duẩn, người có nhiều đóng góp nâng tầm cho ẩm thực Việt

Ẩm thực là sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần quan trọng trong việc thu hút khách. Huế sẽ là “thủ phủ” ẩm thực, khi du khách đến Việt Nam với mong muốn khám phá ẩm thực, thì không đâu hết, chỉ có thể đến Huế. Với vai trò đối tác chiến lược với Huế, Công ty Du lịch Vietravel sẽ tiếp tục phối hợp cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức các sự kiện tiếp theo.

Đức Quang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lên A Lưới thưởng thức cá nướng ống tre
Lên A Lưới thưởng thức cá nướng ống tre

Một chiều mùa đông, ngồi giữa bản làng bảng lảng mù sương, chậm rãi thưởng thức hương vị cá nướng ống tre thơm lừng, nghe gió reo vi vút từ dãy Trường Sơn đưa lại, thấy cái lạnh tái tê chốn núi rừng bỗng trở nên ngọt lành như món ăn dân dã của người miền cao.

Bữa quà chiều với bánh ram ít
Bữa quà chiều với bánh ram ít

Bánh ram ít là loại bánh được biến tấu từ bánh ít trần truyền thống của Huế. Bánh gồm hai phần rõ rệt, phần bánh ít và phần bánh ram. Bánh ít tròn trịa, vỏ bánh màu trắng đục với nhân tôm nằm ngoan ngoãn bên trong, ẩn hiện trông như miếng hổ phách. Phần bánh ram thì vàng rộm và tươi roi rói. Sự hài hòa giữa hai màu sắc cam và trắng tạo nên một tổng thể duyên dáng và bắt mắt.

Hoàng hôn đẹp ở đầm Chuồn
Hoàng hôn đẹp ở đầm Chuồn

Bãi thuyền ở đầm Chuồn, nắng chiều nhuộm vàng cả một góc đầm phá, “Những ngày thu này đẹp quá. Ôi, sao nghe lòng mang mang thế này!”, người bạn nói như la lên với không trung khoáng đạt. Cả nhóm cười vang mặc cho gió làm tóc rối tung. Chớp nhanh vài cái ảnh rồi tất cả lên thuyền của “anh Dũng đầm Chuồn hội quán” để “đi một vòng rồi về thưởng thức ẩm thực đầm Chuồn” - như lời “thổ địa” của chuyến đi thông báo.

Cơm Hến
Cơm Hến

Trước đây, tôi không thích ăn cơm hến. Bởi không thích nên trong cuốn sách viết về ẩm thực bình dân xứ Huế của tôi “Về Huế ăn cơm” cũng có một tản văn nói về món hến, nhưng mà là hến phay hay canh hến nấu với bầu, với rau chứ không phải cơm hến... Tất nhiên, phải khẳng định đó là những món ngon từ sông Ô Lâu, phá Tam Giang quê tôi. Bây giờ thì tôi đã thấy mình đã thiếu sót khi không đề cập chi đến món cơm hến.