Thứ Năm, 26/10/2017 07:26

Bánh ít ngũ sắc - bắt mắt, dẻo thơm

Bánh ít mẹ làm, lúc nào màu sắc cũng phong phú. Tôi hay gọi bánh ít của mẹ là bánh ngũ sắc. Lần nào mẹ làm bánh xong, nhìn những chiếc bánh rực rỡ nằm trong đĩa, đẹp đến nỗi tôi chẳng nỡ ăn.

Dân dã mà ngonLà lạ củ hũ cauLạp cá đãi khách quý

Thơm ngon bánh ít ngũ sắc

Tôi chưa thấy ai đam mê màu sắc như mẹ tôi. Những bữa cơm mẹ nấu, dù có khi chỉ là rau dưa qua bữa, nhưng bao giờ cũng rực rỡ sắc màu. Nhờ đẹp mắt, nên độ ngon miệng càng tăng cao. Trong mấy thứ bánh trái dân dã mẹ hay làm, tôi thích bánh ít nhất. Bánh ít ngoài hàng thường có màu trắng, nhân tôm thịt, hoặc bánh ít lá gai màu đen nhân đậu xanh ngọt lịm, thì bánh ít của mẹ tôi có đến 5 màu rực rỡ. Đã ngon lại còn đẹp. Cái đẹp của những khối màu tự nhiên, vừa rực rỡ, lại ngọt lành. Để làm được điều đó, mẹ cũng kỳ công ghê lắm.

Đầu tiên trong khâu làm bánh, là chuẩn bị màu. Mẹ thường lấy lá dứa sau nhà rửa sạch, xay nhuyễn vắt lấy nước, thế là có màu xanh, vừa đẹp lại còn thơm thơm mùi dứa. Màu vàng thì dễ, chỉ cần lấy ít nước từ củ nghệ tươi là xong. Màu đỏ thì mẹ tạo ra từ lá rau dền, hoặc củ dền đều được. Mỗi khi giàn gấc sau vườn có quả chín, mẹ thay rau dền bằng gấc. Gấc có vị béo, ngọt thơm hơn nhiều. Màu đen của bánh ít nếu muốn thơm ngon, mẹ dùng nước vắt ra từ lá gai. Lá gai ở quê tôi nhiều lắm. Hôm nào siêng ít, mẹ lấy chút cà phê là có ngay màu đen như ý. Màu trắng thì đơn giản lắm, cứ để nguyên màu của bột nếp là được.

Nhân bánh ít, mẹ không dùng tôm thịt, mà dùng đậu xanh đãi vỏ nấu chín, xào với thịt ba chỉ băm nhuyễn, phi dầu cho thiệt thơm, sau khi nêm nếm vừa miệng thì cho hành lá xắt nhỏ vào. Vậy là xong nhân bánh.

Vỏ bánh ít làm từ bột nếp. Chỉ cần cho từ từ nước sôi vào bột rồi nhào là được. Mẹ tôi dặn, muốn vỏ bánh được ngon hơn, cần cho thêm tí muối và dầu ăn vào bột trước khi nhồi. Để có 5 màu, mẹ tôi thường cho bột vào năm chiếc tô để khỏi lem màu. Nước màu nấu sôi lên, rồi đổ vào bột nhồi đều. Mỗi lần bận rộn pha màu, trộn bột, mẹ đều bảo, muốn ăn ngon mà còn nhìn đã con mắt, phải cực vậy đó.

Khi nhân và vỏ đều đã có, chỉ cần ngắt nhúm bột vừa phải, đặt trong lòng bàn tay rồi ép dẹp xuống. Vo tròn nhân cho chặt rồi đặt trong vỏ bánh, gói lại sao cho vỏ bánh bọc kín nhân bên trong, rồi xoay bánh giữa lòng bàn tay cho chiếc bánh tròn vo là được. Bánh ít trần khi hấp phải cho miếng lá chuối làm đế lót trong nồi, khi hấp bánh mới không dính nồi.

Bánh ít ngũ sắc của mẹ, lúc hấp chín lên màu rất đẹp, nhìn chẳng nỡ ăn. Vỏ bánh mềm dẻo. Nhân đậu xanh bùi bùi, thơm nức mùi hành lá, nhai trúng miếng thịt lại béo ngậy, ngon không tả. Buổi sáng ngủ dậy, chỉ cần ăn hai ba cái là no căng bụng. Bánh ăn không hết, đến chiều mẹ lại nấu cho chén chè để cả nhà lót dạ chờ cơm tối. Chỉ cần nấu nước đường, thêm chút gừng cắt sợi vào. Nước sôi, cho bánh ít vào nấu lại hai ba phút là có ngay chén chè trôi nước cho bữa xế. Rắc thêm tí mè hoặc đậu phụng giã dập vào chén, ăn khi còn nóng rất ngon. Chè có vị ngọt thanh, thơm mùi gừng, nhân bánh mằn mặn, béo béo, bùi bùi, hòa cùng nước đường ngọt lịm, ngon mà không ngán.

Mẹ tôi hay bảo, ngày xưa, mấy đứa tôi thường kén ăn, nên mỗi lần làm bánh trái, mẹ đều nghĩ cách làm sao cho đẹp, cho bắt mắt, để mấy đứa con ăn nhiều hơn một chút. Lâu dần thành quen. Cho đến giờ, dù ăn bánh ít ở bất cứ nơi đâu, có ngon đến mấy, tôi vẫn thấy không bằng bánh ít mẹ làm.

Bài, ảnh: LINH CHI

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lên A Lưới thưởng thức cá nướng ống tre
Lên A Lưới thưởng thức cá nướng ống tre

Một chiều mùa đông, ngồi giữa bản làng bảng lảng mù sương, chậm rãi thưởng thức hương vị cá nướng ống tre thơm lừng, nghe gió reo vi vút từ dãy Trường Sơn đưa lại, thấy cái lạnh tái tê chốn núi rừng bỗng trở nên ngọt lành như món ăn dân dã của người miền cao.

Bữa quà chiều với bánh ram ít
Bữa quà chiều với bánh ram ít

Bánh ram ít là loại bánh được biến tấu từ bánh ít trần truyền thống của Huế. Bánh gồm hai phần rõ rệt, phần bánh ít và phần bánh ram. Bánh ít tròn trịa, vỏ bánh màu trắng đục với nhân tôm nằm ngoan ngoãn bên trong, ẩn hiện trông như miếng hổ phách. Phần bánh ram thì vàng rộm và tươi roi rói. Sự hài hòa giữa hai màu sắc cam và trắng tạo nên một tổng thể duyên dáng và bắt mắt.

Hoàng hôn đẹp ở đầm Chuồn
Hoàng hôn đẹp ở đầm Chuồn

Bãi thuyền ở đầm Chuồn, nắng chiều nhuộm vàng cả một góc đầm phá, “Những ngày thu này đẹp quá. Ôi, sao nghe lòng mang mang thế này!”, người bạn nói như la lên với không trung khoáng đạt. Cả nhóm cười vang mặc cho gió làm tóc rối tung. Chớp nhanh vài cái ảnh rồi tất cả lên thuyền của “anh Dũng đầm Chuồn hội quán” để “đi một vòng rồi về thưởng thức ẩm thực đầm Chuồn” - như lời “thổ địa” của chuyến đi thông báo.

Cơm Hến
Cơm Hến

Trước đây, tôi không thích ăn cơm hến. Bởi không thích nên trong cuốn sách viết về ẩm thực bình dân xứ Huế của tôi “Về Huế ăn cơm” cũng có một tản văn nói về món hến, nhưng mà là hến phay hay canh hến nấu với bầu, với rau chứ không phải cơm hến... Tất nhiên, phải khẳng định đó là những món ngon từ sông Ô Lâu, phá Tam Giang quê tôi. Bây giờ thì tôi đã thấy mình đã thiếu sót khi không đề cập chi đến món cơm hến.