Thứ Bảy, 21/07/2018 13:45

Hành trang từ quân ngũ

Bản lĩnh, định hướng tương lai nghề nghiệp rõ ràng là hành trang của những thanh niên trẻ khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường.

286 quân nhân hoàn thành nhiệm vụ quân sựPhiên giao dịch việc làm dành cho bộ đội xuất ngũ và quân nhân hoàn thành nghĩa vụ

Chiến sĩ trẻ được tư vấn việc làm sau khi xuất ngũ

Trưởng thành trong quân ngũ

“Về quê ăn tết xong, tôi sẽ đi học thêm nghề cắt tóc, sau đó mở một tiệm salon làm tóc”. Đó là tâm sự của Nguyễn Quyết Chiến, chiến sĩ nghĩa vụ Tiểu đoàn Bộ binh 1, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh (quê Vinh Thanh, Phú Vang) trong những ngày chuẩn bị rời quân ngũ.

Hơn 1 năm trước chúng tôi gặp Chiến, lúc đó anh thanh niên trẻ rụt rè bao nhiêu thì giờ đây hóm hỉnh, chững chạc, tự tin bấy nhiêu. “Với số tiền được hỗ trợ hơn 20 triệu đồng, em sẽ để dành để đi học nghề. Từ những kiến thức, kỹ năng được tôi rèn trong quân ngũ, em có thể tự tin mình sẽ chọn đúng nghề để lập nghiệp, có một tương lai thật ổn định”, Chiến bộc bạch.

Nguyễn Nhật Trường, chiến sĩ nghĩa vụ tại Phòng Tham mưu (Bộ CHQS tỉnh) tình nguyện nhập ngũ khi đang làm việc tại một gara ô tô. Khi nhập ngũ, Trường luôn phấn đấu rèn luyện, bất cứ nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, được đồng đội và cấp trên đánh giá cao. “Trong thời gian ở quân ngũ, em đã trưởng thành lên rất nhiều. Không những có nếp sống kỷ luật, suy nghĩ chín chắn hơn, sống có trách nhiệm với bản thân, mọi người, em còn biết lo tính cho tương lai. Sau khi rời quân ngũ, em sẽ tiếp tục học nghề sửa chữa ô tô. Khi tay nghề ổn định, tích lũy được ít vốn, em sẽ tự đứng ra làm riêng. Điều này, khi còn ở nhà em chưa bao giờ nghĩ tới”, Nhật Trường tâm sự.

Vất vả, khó nhọc, cường độ huấn luyện cao, kỷ luật nghiêm ngặt… là những gì mà những người lính trẻ đã trải qua trong thời gian quân ngũ. Nhưng hành trang mà họ mang theo khi rời quân ngũ chính là bản lĩnh, sự trưởng thành, là những kiến thức quý báu để họ vững tin khi bước vào đời.

Mới hôm nào, chiến sĩ Huỳnh Hữu Tiến, Trung đội vệ binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh (sinh năm 2000, quê xã Bao Vinh, thị xã Hương Trà) còn là chiến sĩ mới với biết bao bỡ ngỡ.

Ấn tượng của Tiến khi vào đơn vị là tất cả mọi thứ đều ngăn nắp, gọn gàng, giờ giấc nghiêm túc. Nhờ vậy mà “bệnh ngủ nướng” của Tiến được “chữa trị” dứt điểm.

“Trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, em còn được tham gia giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt, xây dựng nông thôn mới…Em thấy thời gian đi lính của mình thật ý nghĩa. Ở đây, em cũng được cấp trên định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp với khả năng bản thân. Sau khi rời quân ngũ, em sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, sống có mục tiêu, lý tưởng. Những kiến thức, kỹ năng mà em đã học được trong thời gian tại ngũ, em tin rằng mình sẽ áp dụng hiệu quả và làm giàu trên quê hương mình”, Tiến tâm sự.

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Trưởng thành từ môi trường quân ngũ, anh Nguyễn Hữu Hoàng (phường An Đông, TP. Huế), khi trở về địa phương công tác, bằng năng lực bản thân, phát huy phẩm chất người lính, anh được giao các vị trí quan trọng như Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường An Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Trường An.

Anh Nguyễn Việt Hùng (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang), sau khi xuất ngũ đã theo học tại Trường cao đẳng Nghề số 23. Sau một thời gian đi làm, khi đã “chắc tay”, anh tự đứng ra mở gara ô tô. Hiện nay, gara ô tô của anh Hùng không những ăn nên làm ra mà còn dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều thanh niên trẻ.

Được biết, các quân nhân khi xuất ngũ sẽ được cấp thẻ học nghề trị giá tương đương 12 tháng tiền lương cơ sở (gần 16 triệu đồng). Khi các quân nhân tham gia học nghề bằng thẻ này, các cơ sở dạy nghề thanh toán chi phí học nghề của quân nhân từ Nhà nước.

Trước khi quân nhân xuất ngũ, Bộ CHQS tỉnh đều phối hợp với các doanh nghiệp, trường nghề để định hướng, giới thiệu việc làm, các ngành nghề đào tạo phù hợp cho quân nhân sau khi xuất ngũ. Theo thống kê của Bộ CHQS tỉnh, hằng năm có trên 85% quân nhân xuất ngũ có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoặc tham gia học nghề tại các trường nghề.

Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Để định hướng và giúp các quân nhân ổn định cuộc sống sau khi rời quân ngũ, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường dạy nghề, doanh nghiệp lớn để tư vấn nghề nghiệp, kết nối hỗ trợ các quân nhân tìm việc làm sau khi xuất ngũ.

Điều đáng mừng là các công ty, doanh nghiệp sẵn sàng nhận bộ đội xuất ngũ vào làm việc, bởi họ là những người được rèn luyện tốt trong môi trường quân ngũ, có ý thức kỷ luật tốt, có kiến thức, tác phong làm việc nhanh nhẹn, cầu tiến…

Bài, ảnh: Thanh Thảo

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ
Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ"

Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập ngày 6/12/1989, là một đoàn thể chính trị - xã hội, đại diện cho ý chí và quyền lợi của cựu chiến binh, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng lãnh đạo, nhằm phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện mới.

Đảm bảo chất lượng bữa ăn trong quân ngũ
Đảm bảo chất lượng bữa ăn trong quân ngũ

Năm 2022, Trung đoàn 6 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp nhận và huấn luyện 260 chiến sĩ mới, là con em trên địa bàn tỉnh. Xác định công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) là yếu tố hàng đầu để có được bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ, đơn vị chủ động tái cơ cấu các loại giống rau, cây trồng phù hợp, đẩy mạnh xen canh, gối vụ, chăn nuôi gia cầm, đảm bảo nguồn cung và thực phẩm sạch.

Những ngày tân binh
Những ngày tân binh

Bỡ ngỡ, lạ lẫm nhưng cũng vô vàn điều thú vị là cảm giác của những ngày đầu tham gia quân ngũ của 260 chiến sĩ mới đang huấn luyện, học tập tại Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS).