Vì sao Bộ Nội vụ đề xuất bỏ các chứng chỉ? Có lẽ thứ nhất là do xét thấy không còn cần thiết và hai là, có thể cần thiết nhưng chồng chéo (đã được quy định ở một văn bản nào đó chẳng hạn). Đây mới chỉ là bước Bộ Nội vụ đề xuất lên Chính phủ, nhưng theo đánh giá thì khả năng Thủ tướng Chính phủ thống nhất là rất cao. Cũng theo bà Thanh Trà: “Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong giáo dục, đào tạo là phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”; cán bộ, công chức phải làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn” (theo Vietnamnet).
Nếu những chứng chỉ mà Bộ Nội vụ đề xuất thật sự là không cần thiết, thì chúng ta hình dung lâu nay đội ngũ viên chức đã bị những ràng buộc theo những quy định nặng như thế nào. Nếu nói không ngoa, là chúng ta đã sống với “một rừng” quy định. Tôi đã có lần đề cập đến một vấn đề cụ thể như thế này. Ví dụ như hoạt động ở lĩnh vực báo chí là phóng viên, biên tập viên. Theo tôi được biết, trước đây phóng viên (tương ứng với biên tập viên cũng vậy) được chia ra làm 3 mức. Tương ứng với mỗi mức có những đòi hỏi về tiêu chuẩn khác nhau. Đó là phóng viên, phóng viên chính, phóng viên cao cấp. Sau đó, quy định này được thay thế bởi một quy định khác, phóng viên cũng 3 mức như vậy nhưng thay bằng thứ bậc (bậc 1, bậc 2, bậc 3). Mỗi bậc cũng tương ứng nhưng tiêu chuẩn khác nhau. Riêng tôi thì tôi thấy những quy định này chẳng khác gì nhau. Nếu có khác chỉ là tên gọi. Vì là qui định của Nhà nước nên không phải chỉ đơn giản thay tên gọi cái này bằng cái kia… là xong mà nó kéo theo những thay đổi về mặt thủ tục hành chính.
Giấy tờ sổ sách liên quan đến tên gọi này đều phải thay đổi. Rồi nó còn liên quan đến chuyện công sức và tiền bạc. Dù thực tế anh đã làm phóng viên chục năm, thậm chí là hơn. Hồi giờ nghiễm nhiên anh được gọi là phóng viên. Giờ, nếu muốn được xếp vào phóng viên bậc 1 thì phải cần bồi dưỡng thêm một số chứng chỉ theo quy định.
Mới đây, dư luận rộ lên nhiều nhất là chuyện chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên. Muốn có chứng chỉ này, nhiều giáo viên cho biết phải theo một lớp bồi dưỡng và tốn học phí chừng 2 -2,5 triệu đồng. Nếu chứng chỉ không còn cần thiết (sẽ giảm theo đề xuất của Bộ Nội vụ chẳng hạn), nó chẳng những tiêu tốn công sức mà còn tiền bạc.
Công chức hay viên chức đều hoạt động trong bộ máy Nhà nước, thực hiện một nhiệm vụ nào đó mà Nhà nước giao. Trong đó, đội ngũ viên chức thực hiện các mảng sự nghiệp là đông đảo nhất. Nếu những quy định bất hợp lý đối với bộ phận này nhiều nhất (theo đề xuất nếu trên của Bộ Nội vụ là 87) cũng có nghĩa là làm tiêu tốn một lượng công sức và tiền của nhiều nhất.
Một thời gian dài trước đây chúng ta thường nghe cụm từ “giấy phép con”. Giấy phép này chủ yếu là liên quan đến hoạt động kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài những giấy phép cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước và xã hội thì vẫn có nhiều giấy phép bất hợp lý, làm cản trở hoạt động kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp.
Chức năng ban hành các văn bản để quản lý là nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà nước. Ban hành những văn bản bất hợp lý nhiều, cũng có nghĩa là Nhà nước chưa thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước của mình. Có điều, các văn bản được ban hành ra, theo quy trình đều có bộ phận chức năng tham mưu đề xuất. Ở đây, theo chúng tôi, có lẽ cũng cần tính đến trách nhiệm bộ phận tham mưu ban hành.
NGUYÊN LÊ