Thứ Năm, 02/05/2019 15:22

Tập trung cho sản phẩm du lịch

Huế vừa ban hành nghị quyết và chương trình hành động, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố du lịch sạch ASEAN.

Du lịch sẽ thay đổiSiết chặt phòng chống dịch bệnh ở các cơ sở lưu trú

Du lịch Huế cần có những sản phẩm để phát huy lợi thế về văn hóa, di sản (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19)

Mục tiêu mới

Để trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước như mục tiêu, đến năm 2025, ngành du lịch Cố đô phấn đấu đạt 6 triệu lượt khách, số ngày lưu trú trung bình là 2 ngày và mức chi tiêu trung bình mỗi lượt khách đến Huế là 2,2 triệu đồng, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng.

Số ngày lưu trú và mức chi tiêu của du khách là hai chỉ tiêu cho thấy sự phát triển có chiều sâu hay không của mỗi điểm đến. Riêng với Huế, hai chỉ tiêu trên luôn là vấn đề được đặt ra. Làm sao để kéo dài thời gian lưu trú khi du lịch Huế ngày càng không thể giữ chân khách suốt nhiều năm qua? Thời điểm cuối năm 2019, khi chưa bùng phát dịch bệnh, số ngày lưu trú trung bình của du khách đến Huế chỉ khoảng 1,6 ngày. Trong khi đó, việc du khách chi tiêu trung bình bao nhiêu khi đến Huế là con số thiếu sự thống nhất và gần như không được đề cập trong các số liệu thống kê của ngành du lịch Cố đô.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, nếu dịch bệnh không xảy ra, con số 6 triệu lượt khách có thể đạt vào năm 2022 - 2023, vì cuối năm 2019, lượng khách đến Huế đã đạt hơn 4,7 triệu lượt. Hiện tại, dịch bệnh khiến du lịch như khởi động lại từ đầu nên cần có mục tiêu, kế hoạch mới, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Dù trong bối cảnh nào đi chăng nữa, nâng số ngày lưu trú, hướng đến dòng khách có mức chi tiêu cao là định hướng xuyên suốt được đặt ra, vừa xây dựng hình ảnh du lịch Huế chất lượng, vừa giảm tải, bảo vệ tốt cho di sản.

Du khách đến nghỉ dưỡng tại Laguna Lăng Cô (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19)

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch phân tích, tăng số ngày lưu trú và tăng mức chi tiêu luôn là hai mục tiêu quan trọng nhất. Sau khi tính toán khả năng phục hồi và phát triển của du lịch Huế, các mục tiêu được đặt ra cao nhất để phấn đấu. Trong hai chỉ số quan trọng trên, chỉ số ngày lưu trú (2 ngày) đòi hỏi nhiều giải pháp và quá trình thực hiện sẽ gặp không ít thách thức. Bởi xu hướng kết hợp đi nhiều điểm trong chuyến du lịch và quan trọng hơn là nội lực, sức hút của điểm đến phải có nhiều chuyển biến, đủ hấp dẫn mới có thể giữ chân du khách lâu hơn.

Riêng chỉ số về mức chi tiêu, lâu nay được tính theo đơn vị ngày (thời điểm 2019 mức chi tiêu của khách khi đến Huế khoảng 1 triệu đồng/ngày/khách), nay được tính theo đơn vị lượt khách. Lâu nay, khi tính mức chi tiêu của khách thường bỏ qua khá nhiều chi phí, nhất là về vận chuyển (chiếm đến 1/3 chi phí tour). Việc tính theo lượt đảm bảo sự chính xác hơn, từ đó, có con số tổng quan, dựa vào đó để đánh giá mức độ cấu thành nên ngành du lịch để có sự đầu tư tương xứng. Dù thế, ở tất cả các chỉ tiêu, sẽ có khó, có dễ, song đều cần có giải pháp phù hợp mới đạt được kế hoạch đề ra.

Trong kế hoạch hành động của du lịch Huế đến năm 2025, UBND tỉnh nhấn mạnh, tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể; tập trung chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở văn hóa Huế làm nền tảng; xây dựng chiến lược quảng bá với nguồn lực đủ mạnh để đạt hiệu quả cao trong việc xây dựng thương hiệu du lịch, hình ảnh.

Sản phẩm phải đủ hấp dẫn

Sản phẩm du lịch luôn được cho là điểm yếu của du lịch Cố đô khoảng 10 năm trở lại đây. Trong khi văn hóa di sản đã cũ, các sản phẩm mới chậm hình thành, hoặc có lại thiếu tính quy mô. Trong khi đó, các chuyên gia du lịch từng nhiều lần góp ý với Huế, ở tất cả các chỉ tiêu về lượt khách, số ngày lưu trú, mức chi tiêu, sản phẩm có hấp dẫn, đặc trưng, mới lạ để du khách ra quyết định đi du lịch, rút “hầu bao”; doanh nghiệp cũng đưa ra quyết định về lịch trình của tour tuyến. Đối với khách du lịch, 70% chi tiêu là vào ban đêm, 30% còn lại là vào ban ngày. Muốn khách ở lại lâu, chi tiêu nhiều, sản phẩm du lịch đêm nói riêng và tổng thể sản phẩm phải hình thành đa dạng.

Ông Trần Hữu Thùy Giang nhìn nhận, để du lịch phát triển như định hướng phải xây dựng được các sản phẩm mang thương hiệu Huế, con người Huế. Các loại hình du lịch di sản gắn với Quần thể Di tích Cố đô Huế phải được thay đổi, hướng đến đẳng cấp, chuyên nghiệp, khác biệt. Cùng với đó là tập trung xây dựng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ xoay quanh các thương hiệu đặc trưng, như “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - Thành phố lễ hội”.

Để giữ chân du khách, bên cạnh cụm sản phẩm ở trung tâm thành phố, theo người đứng đầu ngành du lịch Huế, cần hình thành một chuỗi điểm đến vệ tinh, cách trung tâm thành phố từ 10 – 20km, bao gồm các dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Có thể kể đến khu vui chơi Độn Sầm, Hương Thủy (đang hoàn thiện), điểm nghỉ dưỡng thác Chín Chàng, đầm Chuồn, rú Chá, du lịch biển… Để những điểm này phát huy khả năng, đòi hỏi được đầu tư thêm hạ tầng kết nối, chủ động kết nối tour tuyến phải hiệu quả hơn.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã bắt đầu tập luyện xây dựng chương trình nghệ thuật phục vụ tại phố đi bộ Hoàng thành Huế (đường Lê Huân), dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2022. Các chương trình dựa trên nền tảng chất liệu nghệ thuật truyền thống. Đây là sự chủ động cần thiết để có những chương trình bài bản, hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu, giúp du khách có thể cảm nhận về một không gian Huế xưa trong đời sống hiện đại.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, trong định hướng phát triển của Huế trong tương lai, không thể tách biệt với các địa phương khác trong khu vực. Cần chủ động liên kết, phối hợp với các địa phương để phát huy được điểm mạnh là văn hóa di sản; các sản phẩm có tính tương đồng cần bổ sung cho nhau. Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp du lịch, đơn vị vận chuyển để tạo chuỗi liên kết tốt hơn nữa.

Bài, ảnh: Quang Sang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Thân thiện như xích lô Huế
Thân thiện như xích lô Huế

Mới đây, cùng với 9 tỉnh và thành phố ở Việt Nam,Huế được vinh danh là thành phố thân thiện nhất trong giải thưởng thường niên mang tên Traveller Review Awards 2023.

Điểm đến mới, dịch vụ mới
Điểm đến mới, dịch vụ mới

Với những tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa, Hương Trà đang tích cực tìm hướng đi mới để phát triển du lịch, dịch vụ.