Thứ Ba, 16/10/2012 17:12 (GMT+7)
Cây nêu và thổ cẩm
Cách nay không lâu, tại một hội thảo về du lịch giữa 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, một doanh nghiệp du lịch phàn nàn xung quanh việc trồng cây nêu. Số là doanh nghiệp này đang liên kết với một bản làng của bà con người Cơ Tu để phát triển du lịch. Nhằm thu hút khách, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng ở bản làng cơ sở lưu trú là các nhà moong cùng rất nhiều dịch vụ kèm theo. Phải nói rằng, đây là mô hình du lịch rất hấp dẫn. Khách du lịch được lưu trú tại bản làng, có dịp trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt và lễ hội của cộng đồng bà con dân tộc ít người nên rất thích thú. Điều mà đại diện doanh nghiệp kia phàn nàn là dân bản chỉ trồng cây nêu vào dịp lễ hội, còn lại thì không, trong khi khách du lịch rất thích được nhìn cây nêu khi ghé tới làng du lịch cộng đồng này.
Cũng là chuyện ở vùng cao. Một số khách du lịch tỏ vẻ tiếc nuối khi tham dự các lễ hội vùng cao nhưng thấy rất ít thiếu nữ Tà Ôi hay Cơ Tu mặc đồ thổ cẩm. Thay vào đó là quần jeans, áo thun.
Chính nhờ kỹ thuật dệt thủ công mà mặt hàng thổ cẩm ở vùng cao chứa đựng một giá trị nghệ thuật mà không có máy móc nào có thể làm được, nhất là khi điều đặc biệt của thổ cẩm dệt zèng còn nằm ở chỗ những điểm nhấn hoa văn bằng cườm. Người thiếu nữ vùng cao có được vẻ đẹp hấp dẫn và khác biệt khi mặc đồ thổ cẩm. Sự vắng mặt của đồ thổ cẩm nơi đây nhất là vào các dịp lễ hội tạo nên một cảm giác hụt hẫng, như tâm trạng của Nguyễn Bính năm nào trong câu thơ: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.
Có điểm khác biệt, cần sự phân biệt trong câu chuyện về cây nêu và đồ thổ cẩm nêu trên. Nếu như ngày càng ít đi những thiếu nữ vùng cao mặc đồ thổ cẩm ngay cả trong các lễ hội là một thực tế cần lên tiếng, đừng để có sự mai một, thì chuyện không trồng cây nêu trong ngày thường lại là một cách giữ gìn bản sắc và giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao, cần được tôn trọng.
Cũng như đồng bào Kinh ở vùng xuôi, đồng bào dân tộc ít người trồng cây nêu vào dịp Tết (hay lễ trọng) là xuất phát từ yếu tố tâm linh, nhằm đề phòng cảnh giác, chống lại sự xâm nhập của ác quỷ lúc con người vui chơi. Cây nêu trở thành biểu tượng của sự đấu tranh giữa thiện và ác, giữa thiên thần và quỷ dữ nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên của con người.
Khi mà cây nêu mang ý nghĩa tâm linh lớn lao đó thì rõ ràng không phải lúc nào hay theo ý muốn của bất kỳ ai đó cũng có thể trồng cây nêu được. Không dựng cây nêu trong những ngày thường là cách bảo tồn giá trị của những phong tục cổ xưa. Rất tiếc trong hoạt động văn hóa và du lịch hiện tại, vì thiếu sự hiểu biết và chạy theo thị hiếu của khách hàng mà có nơi, có lúc người ta đã quên mất điều quan trọng kia.