Dự án hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê hoàn thiện sẽ đảm bảo môi trường trong khu vực
Với tình trạng bồi lắng, xâm lấn diễn ra trong thời gian dài trên các tuyến sông, hói Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê qua địa bàn các phường, xã Phú Thượng, Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Dương (TP. Huế) đã gây tình trạng chậm tiêu thoát lũ, ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 1 của Dự án Hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê (gọi tắt DA, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư) được triển khai từ ngày 15/12/2021 đang “mở ra vùng sáng” cho khu vực này.
Theo đó, giai đoạn 1 của DA bao gồm toàn bộ phần xây lắp tuyến kè sông Phổ Lợi đoạn qua thôn Phú Khê, Phò An, Mỹ An; nạo vét kè gia cố 2 bờ hói Phú Khê và xây dựng cầu Mỹ An. Các hạng mục công trình trên tuyến do liên danh 3 nhà thầu Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế, Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo, Công ty CP 1-5 đồng loạt triển khai thi công với tổng mức đầu tư 85 tỷ đồng.
Ghi nhận của PV tại đoạn hói do Công ty CP 1-5 thi công phía bờ tả, dù trong ngày nắng nóng nhưng tập trung khá nhiều công nhân, máy móc thi công. Công tác rào chắn đường, đảm bảo an toàn giao thông được triển khai trên đoạn đường bê tông dọc theo bờ kè cũ.
Ông Phạm Văn Tú, Cán bộ kỹ thuật Công ty CP 1-5 cho biết, đơn vị đảm nhận thi công hơn 2km kè trên toàn tuyến, hiện nay đã triển khai được 290m. Công tác thi công đường giằng, bờ kè đang được triển khai khi ngăn bờ, bơm nước khô lòng hói. Sau khi đúc xong tuyến kè, đường giằng sẽ tận dụng đất nạo vét san lấp, hoàn trả, đổ bê tông lại mặt đường.
“Để đảm bảo tiến độ các hạng mục, công ty bố trí 2 tốp thi công từ hướng phường Phú Thượng về và phía dưới xã Phú Dương lên. Hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn vướng một số mồ mả của người dân nên đơn vị tập trung thi công cuốn chiếu, nơi có mặt bằng sạch sẽ làm trước và sớm hoàn trả đường thuận lợi cho người dân đi lại”, ông Tú cho biết.
Riêng đoạn tuyến thi công kè bờ hữu (dọc Quốc lộ 49) của Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo hiện đã chặn dòng bơm khô tuyến hói, đổ bê tông móng kè và đóng cọc cừ 200m trên tổng chiều dài 800m, công ty này đảm nhận thi công. Đoạn tuyến này sẽ thi công đổ lớp bê tông, lót đá hộc và lát mái kè.
DA có tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 285 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 226 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (200 tỷ đồng) còn lại của địa phương. Quy mô đầu tư bao gồm xây dựng mới tuyến kè có tổng chiều dài khoảng 4,8km ven sông Phổ Lợi, sửa chữa đoạn kè xuống cấp có chiều dài gần 700m, nạo vét khơi thông phía thượng lưu cầu Diên Trường có chiều dài hơn 700m và xây dựng mới 2 cầu giao thông qua sông Phổ Lợi; xây dựng tuyến kè gia cố 2 bờ hói Mộc Hàn trên chiều dài 2,5km, nạo vét khơi thông các đoạn còn lại chưa thực hiện thuộc Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế có tổng chiều dài hơn 1km; nạo vét hói Mậu Tài, La Ỷ và xây mới cống Diên Trường cùng tuyến thủy đạo sau cống.
Ông Lê Thành Nhân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh thông tin, hiện nay các nhà thầu đang tập trung nhân lực, máy móc thi công một số đoạn trên tổng số khoảng 5,1km kè trên tuyến. Riêng công trình cầu Mỹ An bắc qua sông Phổ Lợi hiện đang làm thủ tục xin phép đấu nối với tuyến Quốc lộ 49 trước khi triển khai thi công.
Nguồn vốn bố trí năm nay khoảng 65 tỷ đồng, các đơn vị phấn đấu hoàn thành 70% khối lượng công việc gói thầu trong năm 2022, đặc biệt là những hạng mục cơ bản nhằm tránh thiệt hại vào mùa mưa lũ cuối năm.
“Tiến độ GPMB đến nay đã kiểm đếm được khoảng 80% số hộ dân bị ảnh hưởng. Đối với DA này, người dân rất đồng tình ủng hộ nên công tác GPMB chỉ còn vướng một số mồ mả vô chủ, chủ đầu tư đề xuất UBND TP. Huế quan tâm hơn nữa công tác này nhằm đảm bảo tiến độ và làm cơ sở trên triển khai giai đoạn 2 của DA”, ông Nhân cho biết.
Theo Sở NN&PTNT, dự án được phê duyệt với mục tiêu: Nạo vét khơi thông dòng chảy, đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, giảm thời gian ngập úng kéo dài trong khu dân cư, vùng sản xuất thuộc các phường, xã Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương; chống sạt lở bờ những đoạn xung yếu bảo vệ nhà cửa, đất sản xuất và cơ sở hạ tầng dọc hai bên sông và hói; khơi thông dòng chảy, tạo cảnh quan môi trường khu vực, thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch sinh thái; đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và giao thông thủy nội địa trong vùng; giảm tối đa ảnh hưởng của dòng chảy lũ cho hơn 300ha vùng nuôi trồng thủy sản trên đầm phá dọc hai bên tuyến thủy đạo sau cống Diên Trường và tạo thành tuyến đường đi xe đạp từ thành phố Huế về phường Thuận An nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch.
Bài, ảnh: Hà Nguyên