Thứ Sáu, 28/02/2020 15:08

Hoàng Đăng Khanh tìm lại Đà Lạt trong ký ức

Đà Lạt là vùng đất, nơi chốn u hoài thơ mộng và suối nguồn chất liệu cho những người cầm cọ dù họ là ai, người bản xứ hay lữ khách. Đà Lạt trong nét vẽ Hoàng Đăng Khanh cũng thế, có khác chăng đó là những hoài niệm, ký ức.

Từ Dạ Thảo “vẽ” chân dung văn nghệ sĩ bằng thơVinh danh nghệ thuật Trúc ChỉTinh tế với tranh tường trần mây

Họa sĩ Hoàng Đăng Khanh vẽ tranh về Đà Lạt

Hoài niệm, ký ức đó là tuổi trẻ lang bạt, vui buồn với xứ mộng mơ… mà anh không bao giờ quên, nhưng bây giờ mới kể và kể bằng tranh. Anh nói: “Có nằm mơ vẫn thấy Đà Lạt, và nhắm mắt cũng vẽ được Đà Lạt”.

Một chiều thu, cơn mưa giông ùn ùn dội xuống góc nhà nhìn ra khu vườn rợp bóng cây xanh trên con dốc gần cầu Lim chẳng khác gì khung cảnh chiều phố núi. Mưa nhanh rồi tạnh vội, chẳng khác gì Đà Lạt. Khanh ngồi đó, cặm cụi với những nét vẽ cuối cùng bên tác phẩm có khung cảnh giáo đường nép dưới rừng thông, chính diện có bóng thiếu nữ với màu xanh núi rừng đẹp đến mê đắm. Cạnh đó là vô vàn Đà Lạt qua tranh khác vừa ráo màu được Khanh bài trí như chiêu đãi khách đến nhà.

Vẻ đẹp của Đà Lạt qua tâm thức của Khanh trước khi lên tranh đẹp dịu êm nhưng lâng lâng mơ hồ với gam màu hoài niệm, gợi cảm giác nồng nàn ấm áp, thổi được hơi thở phúc âm trôi qua những phố xá của xứ thông reo, đồi cao và muôn trùng cây.

“Có những thứ còn, có những thứ mất. Nhưng với mình, nó luôn nằm trong hoài niệm. Hoài niệm một thời trai trẻ, hoài niệm của những năm tháng đẹp nhất của mình với Đà Lạt”, Khanh trải lòng khi chia sẻ về series tranh về Đà Lạt được anh đặt cái tên rất thơ: “Gió thổi qua miền ký ức”.

Gọi là ký ức cũng đúng thôi, bởi Khanh đã gắn bó với nơi chốn đó gần 2 thập kỷ trước để theo học ngành học chẳng liên quan gì đến nghiệp vẽ hiện tại, ngành môi trường - ở Đại học Đà Lạt. Nhưng như duyên nợ, chính những năm tháng rong ruổi ấy đã nuôi nấng trong tâm hồn Khanh những ký ức về một miền đất mộng. Khanh mang theo nó rong ruổi qua nhiều miền đất trước khi dừng chân ở căn nhà ngoại ô Huế.

Nhưng sao ký ức ấy bây giờ mới được kể, mới thành hình hài? “Đúng là mình đã nuôi ký ức đó lâu thiệt là lâu, ngay cả chính mình cũng không hiểu được, và gần một năm trở lại đây mình quyết định tạm dừng mọi dự án một bên để đi tìm lại ký ức, đi tìm thời gian đã mất”, Khanh trải lòng.

Đó là những ký ức vụn vỡ được Khanh góp nhặt lại. Có Đà Lạt xưa hơn tuổi trẻ của anh qua những trang sách và những tư liệu các thế hệ tiền bối để lại. Có những cuộc đi về để tìm lại cảm xúc, tìm lại Đà Lạt của một thời đã qua. Cứ thế Đà Lạt trong tranh của Khanh bao giờ cũng hiền hòa, dễ thương mặc cho những đổi thay của thời cuộc, của đô thị hóa đã làm đô thị ít nhiều biến dạng trước sự tiếc nuối của bao người.

“Vẫn biết Đà Lạt là thế, thay đổi. Nhưng mình vẫn thấy cái xưa cũ trong mới, mình cảm nhận có một Đà Lạt trong sâu thẳm của riêng mình vẫn nguyên vẹn. Những mùa dã quỳ ở nơi dốc đèo Preen, sương khói và tĩnh lặng… vẫn còn đó, không thể mất trong tâm trí mình”, Khanh dào dạt cảm xúc, dành tình yêu đặc biệt mà ai nghe cũng khó phản biện.

Đi giữa Đà Lạt với những đổi thay nhưng tranh của Khanh vẫn tìm cho mình một chất riêng có, xuyên qua cảm xúc và gợi nhớ một thuở mơ mộng dẫu còn hay mất. Khanh đã kéo người xem về một Đà Lạt xưa trong tranh rất thực nhưng cũng rất ảo, như ký ức của chính mình. Để rồi nhiều người tìm đến tranh của Khanh như tìm về một sự đồng cảm, thấu hiểu và trân trọng như chính họ đâu đó trong suy nghĩ có một thứ tình cảm dành thân thương cho Đà Lạt.

Họa sĩ Hoàng Đăng Khanh (sinh năm 1983), con trai cố họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận. Cũng giống như cha mình, Khanh không theo học mỹ thuật chính quy thay vào đó tự học và tìm tòi nghiên cứu. Khanh từng có triển lãm cá nhân “Điệp khúc phố” tại Huế vào năm 2014. Ngoài ra, anh góp mặt chung ở nhiều triển lãm khác với anh em nghệ sĩ được tổ chức nhiều nơi trên cả nước. Với series hàng chục tác phẩm “Gió thổi qua miền ký ức” vẽ bằng chất liệu acrylic, sơn dầu, Khanh hy vọng ngày gần nhất sẽ được giới thiệu đến công chúng.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giao lưu, hợp tác quốc tế trong giảng dạy
Giao lưu, hợp tác quốc tế trong giảng dạy

Lần đầu tiên, các trường đại học (ĐH) hàng đầu của Hàn Quốc sang Việt Nam để tham gia hoạt động thực tập, dự giờ và giao lưu văn hóa tại trường trung học phổ thông (THPT) ở Huế. Không chỉ mang giá trị và ý nghĩa lớn về mặt học thuật, hoạt động này còn hướng đến thực tiễn trải nghiệm và liên kết văn hóa đa quốc gia.

Nệm rơm nồng nàn
Nệm rơm nồng nàn

Ngày mùa đông lạnh giá, đáng sợ nhất là cái rét buốt tê cóng kèm theo mưa phùn. Sáng sớm hé cửa trông ra thấy trời bàng bạc màu sương, con gái tôi năn nỉ xin mẹ được nghỉ học một buổi. Nghe con nói, tôi bất giác bật cười. Ngày xưa, mình cũng… lười y thế. Cũng tìm đủ lý do để được ở nhà vào ngày mưa lạnh, nằm lì trên chiếc nệm rơm nồng nàn hơi ấm.

Ký ức của người trở về
Ký ức của người trở về

Trong dòng ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt, những tháng ngày cầm súng nơi chiến trường thì có lẽ Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 là khoảng thời gian người cựu binh, Đại tá Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1943, tại Bố Trạch, Quảng Bình) không thể nào quên. Bởi ông đã cùng đồng đội can trường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và may mắn trở về...