Thứ Sáu, 20/03/2020 06:30

Phát triển rừng bền vững

Lâm nghiệp trở thành nguồn sinh kế chính của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi. Với sự chuyển mình và phát triển trong thời gian qua, ngành lâm nghiệp đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của nhiều địa phương.

Bảo vệ, phát triển rừng bền vữngNâng giá trị rừng sản xuất

Mô hình giống cây rừng bản địa tại Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong

Hơn 9.000ha rừng gỗ lớn

Trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng FSC đang được quan tâm, đến nay diện tích rừng FSC toàn tỉnh hơn 9.000ha, gia tăng giá trị sản phẩm, bình quân mỗi ha 250-300 triệu đồng/chu kỳ, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; tạo ra sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng, thẩm mỹ đáp ứng kể cả thị trường khó tính trên toàn thế giới, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Ngành chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đại Anh Tuấn đánh giá, dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trở thành điểm sáng trong xã hội hóa ngành lâm nghiệp và thực hiện giải pháp gia tăng giá trị từ rừng. Cơ chế chi trả DVMTR tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng (BVR), góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Tổng số kinh phí thu từ DVMTR giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 222 tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu chi trả cho người dân quản lý, BVR, phát triển sản xuất giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đặc biệt đối với bà con dân tộc thiểu số từng phụ thuộc nhiều vào việc khai thác rừng.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất lâm nghiệp vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định. Diện tích và chất lượng rừng có xu hướng tăng nhưng cơ cấu cây trồng chưa đa dạng, mức độ rủi ro cao, năng suất và hiệu quả còn thấp. Rừng trồng chủ yếu thuần keo (chiếm trên 90% diện tích rừng trồng hiện có) nên nguy cơ thiếu bền vững và dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh. Hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình lâm nghiệp bền vững, hiệu quả còn hạn chế do nguồn lực về tài chính cũng như nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Phát triển rừng chưa thực sự gắn kết với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Chế biến lâm sản thời gian gần đây tuy phát triển nhanh nhưng còn thiếu bền vững. Các nhà máy thu mua lâm sản chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, chưa chú trọng đầu tư máy móc theo công nghệ tiên tiến, dây chuyền khép kín, chế biến thành phẩm nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Tăng trưởng của ngành lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh thấp và chưa bền vững so với các ngành kinh tế khác, đổi mới tổ chức sản xuất lâm nghiệp chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn. Hình thức hợp tác, liên kết sản xuất phát triển chậm, hiệu quả chưa ổn định, chưa hình thành các cụm công nghiệp chế biến gỗ tập trung tại các địa phương có tiềm năng.

Nâng cao giá trị rừng

Mục tiêu của ngành lâm nghiệp tỉnh hướng đến, tổ chức quản lý, BVR, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, đất rừng, bảo tồn có hiệu quả tài nguyên đa dạng sinh học. Từ đó, xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế xanh, có giá trị gia tăng cao, ứng phó biến đổi khí hậu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương, cải thiện mạnh mẽ sinh kế cho người dân nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, giai đoạn 2021-2025, ngành lâm nghiệp phấn đấu tổ chức bảo vệ diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp gần 317 ngàn ha một cách hiệu quả. Trong đó, diện tích đất quy hoạch rừng đặc dụng gần 99 ngàn ha, rừng phòng hộ gần 85 ngàn ha, còn lại rừng sản xuất. Bảo vệ, giữ vững ổn định và cải thiện chất lượng rừng tự nhiên, tăng năng suất và chất lượng rừng trồng theo hướng sản xuất gỗ lớn, bền vững về môi trường.

Hoạt động BVR, phòng cháy chữa cháy rừng được đầu tư ngày càng chuyên nghiệp hơn, không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, xâm lấn rừng, giảm dần số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Để hoạt động BVR một cách hiệu quả, ngành lâm nghiệp thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng, ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thông tin trong quản lý ngành lâm nghiệp. Đến năm 2025, 100% các chủ rừng có đủ năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Các diện tích rừng đang tạm giao UBND cấp xã quản lý sẽ được rà soát, giao cho hộ gia đình, cá nhân, ưu tiên giao cho cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ gắn với được hưởng các quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm BVR theo quy định của Nhà nước. Để đảm bảo hoạt động phục hồi, phát triển rừng tự nhiên, ngành lâm nghiệp xây dựng hoàn thành rừng giống chuyển hóa với diện tích 10ha cây bản địa tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân; tuyển chọn và công nhận 80 loài cây trội bản địa, đặc hữu có giá trị về kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học. Ba vườn ươm cây giống bản địa với quy mô trên 0,5 triệu cây giống/năm được xây dựng tại ba khu vực phía bắc, nam và trung tâm tỉnh.

Các mô hình dưới tán rừng được xây dựng trên diện tích khoảng 3.270ha, tập trung chủ yếu 7 mô hình chính. Đó là các mô hình trồng bổ sung cây bản địa có giá trị, trồng mây dưới tán rừng, cây dược liệu, tre lấy măng, chăn nuôi dưới tán rừng, nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng rừng, du lịch sinh thái cộng đồng. Bảo vệ và phục hồi rừng cảnh quan phía tây nam thành phố Huế, kết hợp hình thành các khu lâm viên tại phường An Tây với diện tích khoảng 20ha, khu lâm viên tại núi Kim Phụng thuộc xã Bình Thành (TX. Hương Trà), khu lâm viên tại xã Hương Thọ và Rú Chá thuộc xã Hương Phong (TP. Huế).

Mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2021-2025, trồng rừng tập trung với diện tích 30 ngànha. Trong đó, trồng rừng sản xuất 29 ngàn ha; trồng rừng sản xuất gỗ lớn bằng cây bản địa 820ha, trồng quế khoảng 80ha; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 1.000ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 15 ngànha; làm giàu rừng tự nhiên 3.000ha; nâng cấp chất lượng rừng 1.000ha; chăm sóc rừng 18 ngàn ha; trồng 4,7 triệu cây rừng phân tán…

Bài, ảnh: Triều Hùng

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nghèo thực chất  bền vững
Giảm nghèo thực chất & bền vững

Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mục tiêu đặt ra của tỉnh là phải giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2% và phải giảm nghèo bền vững.

Phải có dấu ấn liên kết vùng
Phải có dấu ấn liên kết vùng

Kinh tế biển là lợi thế chung của các tỉnh trong khu vực và đây được xem là chìa khóa để phát triển và liên kết vùng.

Trồng rừng bản địa đa loài, đa mục tiêu
Trồng rừng bản địa đa loài, đa mục tiêu

Khoảng 50ha cây gỗ bản địa đa loài được trồng tại khu vực Khe Liềm, xã Phong Mỹ (Phong Điền) và tại rừng phòng hộ sông Hương cho thấy thích nghi tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại đây cũng như trên địa bàn tỉnh.

Trồng rừng để hứng carbon
Trồng rừng để hứng carbon

Theo đánh giá từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thừa Thiên Huế là địa phương có độ che phủ rừng tương đối tố...