Thứ Hai, 08/04/2013 17:47

Thanh niên xung kích xây dựng nông thôn mới

Từ phương châm “Mỗi cơ sở Đoàn có ít nhất một công trình, phần việc thanh niên, mỗi đoàn viên có ít nhất một việc làm thiết thực”, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế ngày càng phát huy tính chủ động, sáng tạo chung tay xây dựng nông thôn mới (XDNTM) theo hướng rõ việc, rõ mô hình. 

Công trình, phần việc thiết thực

Hơn một năm nay, người dân có việc đi qua trục đường chính thôn Tân Tô, xã Thủy Tân (thị xã Hương Thủy) không còn phải vật lộn với con đường đá sỏi lổm chổm ổ gà, ổ voi. Thay vào đó là con đường bê tông phẳng lỳ rộng 2,5 m, dài 210 m. Ban đêm, đoạn đường dài 800 m nối thôn Tô Đà 1 và Tô Đà 2 không còn tối tăm, người dân đi lại thuận tiện, an toàn nhờ có hệ thống đèn đường chiếu sáng; 350 m đường dân sinh trong thôn cũng được nâng cấp mở rộng… Đó là kết quả từ công trình “Con đường thanh niên” của Thị đoàn Hương Thủy.

Thanh niên xã Sơn Thủy, huyện A Lưới nạo vét kênh mương

Anh Phạm Xuân Tám, Bí thư Thị đoàn Hương Thủy khẳng định: Đây là một trong những công trình thanh niên góp phần xây dựng nông thôn mới của tuổi trẻ Hương Thủy. Để thực hiện được các hạng mục công trình này, Thị đoàn đã huy động hơn 400 đoàn viên thanh niên toàn thị xã đảm nhận xây dựng. Sau 3 ngày thi công tích cực, công trình “Con đường thanh niên” của Thị đoàn đã hoàn thành, mang lại diện mạo nông thôn khang trang cho xã Thủy Tân.

Tương tự, để giúp các xã khó khăn sớm hoàn thành mục tiêu quốc gia XDNTM, nhiều hoạt động hỗ trợ mang tính bền vững cho người dân đã được các tổ chức Đoàn cơ sở thuộc Đoàn Khối các cơ quan tỉnh thực hiện hiệu quả. Nổi bật là các mô hình hướng dẫn quy trình xử lý bèo tây, rơm rạ, thành phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; quy trình nuôi cá nước ngọt có hiệu quả; chăn nuôi bằng đệm lót sinh học… của các kỹ sư trẻ đến từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ. Từ các lớp tập huấn, nhiều nông dân đã áp dụng thành công trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho gia đình. Với Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế, nhiều năm nay đã hỗ trợ vốn và con giống cho các gia đình khó khăn, tạo động lực giúp họ vươn lên trong phát triển kinh tế. Từ đầu năm đến nay, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế đã trao 40 cặp heo giống cho 40 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) và xã Phong Xuân (huyện Phong Điền).

Theo anh Lê Hồng Quảng, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, để giúp dân XDNTM, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, phát huy thế mạnh chuyên môn của từng cơ sở Đoàn, đồng thời chọn những hộ dân, những xã thực sự khó khăn để giúp đỡ, hỗ trợ.

Xung kích phát triển kinh tế

Đoàn viên thanh niên xã Phong Hải (huyện Phong Điền) đã đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương bằng nhiều mô hình. Điển hình có thanh niên Hoàng Trọng Tuấn, từ một công nhân nuôi tôm, Tuấn vươn lên trở thành ông chủ 2 hồ tôm với diện tích nuôi hơn 5.000m2, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường hàng chục tấn tôm, thu lãi ròng gần 400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, Tuấn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều thanh niên đến tìm hiểu học hỏi để nhân rộng. Hiện nay, trên địa bàn xã Phong Hải đã có 60 thanh niên phát triển kinh tế từ mô hình nuôi tôm, thu nhập mỗi năm 200- 300 triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều thanh niên nông thôn. Ngoài mô hình nuôi tôm, thanh niên Phong Hải còn đi đầu trong phát triển kinh tế từ biển và trồng nấm các loại.

Góp phần XDNTM, thời gian qua, các tổ chức Đoàn đã san lấp gần 1.000 ha mặt bằng tại các trường học, các nhà văn hóa, các điểm vui chơi giải trí; sửa chữa và làm mới 53 km kênh mương nội đồng với gần 3.000 ngày công; lắp đặt hơn 45 km đường dây và thiết bị chiếu sáng đường giao thông liên thôn; xây mới hơn 110 nhà nhân ái với tổng kinh phí 3,4 triệu đồng…

Trên địa bàn tỉnh, số thanh niên biết tận dụng thế mạnh địa phương làm giàu trên chính quê hương mình ngày càng nhiều. Anh Hồ Khắc Quang Sơn, Bí thư Xã đoàn Phú Thanh (huyện Phú Vang) cho hay, hiện nay nhiều thanh niên xã Phú Thanh đã mạnh dạn đầu tư xe vận tải, máy gặt đập liên hợp, máy cày, kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dân địa phương… Họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn là lực lượng đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Để hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, thời gian qua Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quan tâm tạo điều kiện về vốn vay cho thanh niên. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì 16 tổ tiết kiệm vay vốn thanh niên với tổng dư nợ trên 41 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 3 ngàn thanh niên. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi để cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn Chí Tài, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch, chương trình đề ra, cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của tỉnh, lựa chọn các công việc cụ thể phù hợp với thanh niên để thực hiện, đảm bảo thực chất trong XDNTM”.

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83 ”
Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu “Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%”

Chỉ số Hài lòng năm 2023 của Hà Nội đạt 83,57%, xếp thứ 21/63 tỉnh/thành phố, tăng 3,41%, tăng tới 9 bậc so với năm trước và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả này, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt trên 83%.

Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử
Làng nghề truyền thống trước xu hướng thương mại điện tử

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, không chỉ đối với thị trường trong nước, mà còn có cơ hội lan tỏa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng từ ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn là một vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội
Cần thay đổi tư duy phát triển nhà ở xã hội

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tạo ra nhiều điểm nghẽn khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.