Thứ Hai, 09/09/2013 10:01

Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm địa phương

Đến thời điểm này, đã có 4 nhà phân phối lớn trong cả nước là Big C, Co.opMart, Lotte Mart và Hapro Mart ký kết biên bản tiêu thụ sản phẩm của các DN, cơ sở địa phương.

Cùng hưởng lợi

Mỗi năm, Cơ sở sản xuất trà cung đình Đức Phượng ở TP Huế sản xuất khoảng 20 tấn trà các loại. Thông qua đầu mối là Siêu thị Co.opMart Huế, trên 10 tấn trà đã có mặt tại hệ thống Siêu thị Co.opMart toàn quốc, chiếm 50% sản phẩm làm ra. Đây là thành công lớn và cũng là nỗ lực tro ng quá trình liên kết, phối kết hợp giữa các bên.

Mua trà vả Lộc Mai tại hai siêu thị Big C và Co.opMart

Chủ cơ sở, ông Nguyễn Đức Phượng cho biết: “Đưa được sản phẩm vào cung ứng tại hệ thống siêu thị là thành công lớn đối với các cơ sở sản xuất địa phương. Bởi, kênh phân phối hiện đại này là nơi quảng bá tốt nhất với sự có mặt của hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm    mỗi ngày”.

Quảng Điền là một trong những địa phương có nguồn nông- đặc sản dồi dào và đảm bảo các tiêu chí để đưa vào siêu thị. Với diện tích 370 ha rau củ quả, trong đó có 58 ha rau an toàn tại 2 xã Quảng Thành, Quảng Thọ được cấp giấy chứng nhận VietGap, đảm bảo các tiêu chí để đưa vào siêu thị. Ngoài ra, với tiềm năng nằm trong vùng đầm phá Tam Giang, địa phương này còn có khá nhiều đặc sản như nước mắm Quảng Công, các loại mắm- tôm chấy Quảng Ngạn, bún Ô Sa Quảng Vinh… Tuy nhiên, lâu nay số sản phẩm có mặt tại hệ thống siêu thị tương đối ít, chỉ chiếm vài % trên tổng số sản phẩm hiện có.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến thì: “Để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, hiện UBND huyện đang lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận VietGap cho 27 ha rau củ quả còn lại, đồng thời đang tập trung mở rộng hai vùng rau ở thị trấn Sịa và xã Quảng Lợi lên 31 ha và đưa quy trình sản xuất rau trong nhà lưới vào hoạt động nhằm đảm bảo các tiêu chí để đưa vào siêu thị.”

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu

Giám đốc Siêu thị Co.opMart Huế, ông Lê Thanh Tú khẳng định: “Đa số các sản phẩm nông- đặc sản do các DN, cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất có chất lượng tốt, giá thành hợp lý nên thu hút được nhiều khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thói quen chỉ thích “buôn hàng bán chợ” nên các cơ sở chưa mạnh dạn đưa hàng vào siêu thị. Mặt khác, do chi phí kiểm nghiệm hiện còn khá cao nên các cơ sở chưa mạnh dạn làm thủ tục đưa hàng vào siêu thị. Hiện, DN đang triển khai hỗ trợ chi phí kiểm nghiệm ban đầu đối với các sản phẩm như bún tươi, bánh ướt, nem chả để các cơ sở mạnh dạn đưa hàng vào cung ứng, đáp ứng nhu cầu của khách và hướng đến đưa vào chuỗi cung ứng Sài Gòn Co.op.”

Làm đất chuẩn bị gieo giống rau (làng rau Thành Trung, xã Quảng Thành)

Dưới góc nhìn của các nhà bán lẻ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nếu như có “bà đỡ” hỗ trợ các cơ sở sản xuất địa phương trong quy trình sản xuất, kiểm nghiệm thì sẽ có khá nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn để đưa vào cung ứng tại các siêu thị trên toàn quốc. “Qua quá trình tìm hiểu về các sản phẩm địa phương, năm 2016 chúng tôi sẽ phối kết hợp với các cơ sở sản xuất quy mô lớn như mè xửng Thiên Hương, trà Đức Phượng, mắm Tâm Huế, dầu tràm Kim Vui, trà rau má Quảng Thọ… để nhập hàng và phân phối lại cho các đơn vị bán lẻ có nhu cầu”, Giám đốc ngành hàng thực phẩm khô Lotte Mart - ông Ngô Tuấn Cường - cho biết.

Theo thống kê của Sở Công thương, đến thời điểm này toàn tỉnh có 25 sản phẩm nông - đặc sản và khoảng 50 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng “made in Huế” đứng chân tại hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, tạo ra kênh phân phối phong phú và đa dạng chủng loại, đồng thời giúp người dân tiêu thụ sản phẩm làm ra. 

Năm 2016 là năm mà ngành công thương tập trung đẩy mạnh hoạt động kết nối phát triển thị trường sản phẩm nông - đặc sản và hàng TCMN nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng. Đến thời điểm này, đã có 4 nhà phân phối lớn trong cả nước là Big C, Co.opMart, Lotte Mart và Hapro Mart ký kết biên bản tiêu thụ sản phẩm của các DN, cơ sở địa phương. Theo đó, có 25 nhà cung cấp địa phương đưa hàng vào tiêu thụ tại hai Siêu thị Big C và Co.opMar.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), ông Phan Thiên Định, với mục đích kết nối, đưa ngày càng nhiều sản phẩm địa phương vào hệ thống siêu thị, Sở KH&ĐT đang cùng với Hội DN tổ chức các hội thảo, đối thoại DN theo cách nắm bắt nhu cầu các DN, cơ sở sản xuất để có biện pháp hỗ trợ hợp lý. Qua đó tìm hiểu nhu cầu cung ứng và sản xuất để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo các tiêu chí đưa vào siêu thị, cửa hàng có uy tín.

 “Để duy trì và phát triển thị trường, sắp tới sở tiếp tục hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, đầu tư thiết bị hiện đại giúp các cơ sở cải tiến mẫu mã sản phẩm, hạ giá thành nhằm thực hiện mục tiêu trong năm 2016 phải có trên 200 sản phẩm đứng chân tại hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Thông qua các nguồn vốn khuyến công, đề án khôi phục nghề, năm 2016 sở sẽ tranh thủ các nguồn vốn để tập trung phát triển các ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, giá cả cạnh tranh phục vụ thị trường và hướng đến hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm sạch cho siêu thị.” Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương trao đổi.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 3 700 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Trao 3.700 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Central Group Việt Nam thông qua đơn vị thành viên của mình là Big C Việt Nam và GO! tổ chức chương trình trao tặng quà cho trẻ em nghèo vượt khó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với chủ đề “Big C trao quà yêu thương”.