Thứ Sáu, 14/11/2014 06:50

Cầu lông & những hy vọng mong manh

Tháng 6/2017, tuyển cầu lông Huế tham dự giải vô địch trẻ cầu lông toàn quốc với vai trò chủ nhà. Tuy nhiên, nhìn vào thực lực hiện tại, thầy trò HLV Đặng Nhỉ Hà chỉ còn đặt niềm tin vào cặp đôi Huỳnh Thị Thanh Nhi và Nguyễn Thị Hồng Nhung, dù đây là hy vọng mong manh.

HLV Đặng Nhỉ Hà (giữa) cùng học trò trong giờ tập luyện

Điều lệ gây khó (?)

Có được lợi thế sân nhà nhưng đến thời điểm hiện tại, Trưởng bộ môn cầu lông tỉnh Đặng Nhỉ Hà cùng các cộng sự đối mặt với muôn vàn nỗi lo khi nhận được điều lệ mới từ Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Cầu lông Việt Nam là xếp chung thi đấu U19, không chia nhóm tuổi 16 – 17, 18 – 19 như trước. Đây là một bất lợi cho tuyển cầu lông Huế do hầu hết VĐV còn quá trẻ.

Kể từ khi Ngô Viết Huy và Dương Quốc Khánh nói lời chia tay đội tuyển (2014 – 2015), tuyển cầu lông Huế vẫn thường bị “lép vế” so với đối thủ ở nhóm tuổi 18 – 19, chỉ trông chờ vào nhóm tuổi 16 – 17. Hiện tại, đội tuyển chỉ có 14 VĐV nhưng đa phần đang ở lứa tuổi nhỏ, chỉ vài trường hợp đạt độ tuổi 16 – 17, vì thế khó tranh chấp huy chương với đơn vị bạn.

U19 là lứa tuổi mà các VĐV bạn đã và đang thi đấu ở giải vô địch quốc gia, giàu kinh nghiệm “trận mạc”, điển hình như Nguyễn Thùy Linh (Đà Nẵng). Khi điều lệ thay đổi, các đội tuyển bạn sẽ sử dụng những nhân tố này để giành thành tích. Trong khi đó, Thừa Thiên Huế phải “đôn” VĐV trẻ lên thi đấu. So với những VĐV đã có thành tích ở giải vô địch quốc gia, rõ ràng VĐV của Cố đô chỉ tham gia “sân chơi” này với mục đích học hỏi kinh nghiệm.

Trong những gương mặt còn lại của đội tuyển, niềm tin chỉ còn đặt lên cặp đôi Huỳnh Thị Thanh Nhi (17 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng Nhung (16 tuổi). Ông Hà tiết lộ, “nước cờ” mà ông tính toán một phần do hiện bộ môn không có những cá nhân quá nổi trội và cũng dựa trên sự thăm dò đối thủ, khi đơn vị bạn có nhiều tay vợt đánh đơn tốt thì việc gấp rút tập luyện chuyên đôi sẽ hy vọng làm được điều gì đó tại giải. “Chúng tôi chính thức nhận điều lệ mới từ cuối tháng 3 và phải đưa ra giải pháp cấp bách là "đôn" VĐV lên đánh ở lứa U19; đồng thời, tập trung tập chuyên đôi. Mục tiêu của đội tuyển hiện tại là nỗ lực hết sức có thể dù hy vọng mong manh”, ông Hà chia sẻ.

Những năm qua, bộ huy chương ở nhóm tuổi 18 – 19 “mặc định” được trao cho Bắc Giang, Thái Bình (nữ), Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên (nam). Những đơn vị này có sự đầu tư kỹ lưỡng cho nhiều tuyến, thế hệ kế cận tốt và có cơ chế hiệu quả để phát triển VĐV có tiềm năng. Vì vậy, trong khi các tỉnh lẻ lo sốt vó trước sự thay đổi điều lệ thì nghiễm nhiên những “ông lớn” của cầu lông Việt Nam đang có thêm lý do để tự tin vào thành công của giải đấu sắp tới.

Cần một phương án lâu dài

Bao năm qua, cầu lông Huế “vướng” phải trở ngại là VĐV từ tuổi 15 trở về trước thi đấu rất tốt, không kém cạnh so với các đơn vị bạn nhưng khi lên độ tuổi cao hơn, họ lại bị đối thủ vượt mặt. Lý do là sự đầu tư ở giai đoạn này của các VĐV tỉnh nhà không tốt bằng một số tuyển bạn, nhất là môi trường tập luyện hiện đại.

Ông Hà giải thích, việc đào tạo giai đoạn đầu của các đội tuyển khá giống nhau, như: hướng dẫn về kỹ thuật thi đấu, thể lực… Khi bước qua tuổi 15 – tức là giai đoạn tập luyện nâng cao thì VĐV cần một môi trường tập luyện đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, thường xuyên tập huấn, cọ xát với các đối thủ mạnh, VĐV quốc tế. Song, những điều kiện nói trên là chuyện xa xỉ với VĐV Huế khi họ phải tập chay ở sân của Nhà Văn hóa Lao động (100 Phạm Văn Đồng, TP. Huế) và phương tiện tập luyện cũng phải “tiết kiệm”.

Một vấn đề nữa là lực lượng mỏng, nhân sự 3 tuyến (năng khiếu, trẻ và vô địch) còn thiếu, trong khi chất lượng VĐV cũng chưa đến mức khiến người hâm mộ yên tâm. Đây là khó khăn rất lớn của cầu lông Huế khiến những năm qua bộ môn này “nghèo” thành tích.

Cầu lông gặp khó nhưng chưa hẳn là không có cách giải quyết. So với một số môn khác, việc phát triển bộ môn cầu lông vẫn còn hướng đi sáng do đây là môn thể thao mang tính quần chúng, được đông đảo người dân ở nhiều lứa tuổi tham gia. Hằng năm, các huyện, thị cũng tổ chức giải cầu lông, trong đó có cả nhóm tuổi học sinh thi đấu. Nếu ngành thể thao có phương án đầu tư, xây dựng con người từ cơ sở sẽ khá tiện lợi cho công tác tuyển quân và đào tạo của đội tuyển. Đồng thời, khi đã giải quyết được vấn đề nhân sự thì cũng nên quan tâm hơn yếu tố cơ sở vật chất, chế độ VĐV.

Khi con đường gần trở nên khó đi, những phương án xa như trên sẽ là một lựa chọn mà ngành thể thao tỉnh nên nghĩ tới. Sự đầu tư đó không phải là thiếu tính toán bởi thực tế giai đoạn 2005 – 2015, cầu lông Huế từng có những VĐV đứng trong top 6 – 10 toàn quốc, thậm chí Nguyễn Quang Phong cũng từng giành HCĐ SEA Games 2005. Có như thế, cầu lông mới thoát khỏi những hy vọng mong manh.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu lông hy vọng vào điều bất ngờ
Cầu lông hy vọng vào điều bất ngờ

Không có khả năng tranh chấp huy chương, nhưng đội tuyển cầu lông Thừa Thiên Huế vẫn đang nỗ lực tập luyện với hy vọng làm được điều bất ngờ tại Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ IX năm 2022, sắp được khai mạc tại Quảng Ninh.

Tự tin với đá cầu
Tự tin với đá cầu

Cùng với judo, cờ tướng, bắn cung, cầu lông và bóng đá..., đá cầu được xếp vào bộ môn trọng điểm nhóm 2 của thể thao Thừa Thiên Huế được tập trung đầu tư.