Thứ Năm, 23/04/2015 13:26

Giám sát sau cải tạo đất ruộng ở Thủy Thanh

Cải tạo đất ruộng, phục vụ sản xuất ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) là nhu cầu cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, chính quyền cần giám sát nguồn đất dôi dư để tránh tình trạng bán đất.

 Phần đất dôi dư sau khi cải tạo ruộng ở Thủy Thanh được “tập kết” ven đường, chờ xe tới chở đi

Phục vụ sản xuất

Diện tích đất ruộng ở HTXNN Vân Thê do nằm gần sông Như Ý nên bị bồi lắng qua các mùa mưa lũ. Đất bồi lắng thường pha cát, cao hơn so với ruộng từ 15-30cm, làm hệ thống thủy lợi không thể dẫn nước vào khu vực ruộng, gây khó khăn cho sản xuất.

Năm 2017, sau khi kết thúc vụ hè thu, những hộ dân có nhu cầu cải tạo đất đã gửi đơn cho Ban Quản trị HTXNN Vân Thê và UBND xã Thủy Thanh về nguyện vọng muốn cải tạo đất ruộng phục vụ sản xuất. Sau đó, UBND thị xã Hương Thủy có quyết định phê duyệt phương án cải tạo mặt bằng đất chuyên trồng lúa nước tại HTXNN Vân Thê, thời gian cải tạo đến hết ngày 30/12/2017. Hiện nay, công tác cải tạo đang được triển khai.

Có mặt tại diện tích ruộng ở các thôn Vân Thê Làng, Vân Thế Đập, chúng tôi thấy công việc cải tạo ruộng chỉ mới bắt đầu. Nhiều đụn đất dôi dư sau khi cải tạo chất cao từ 3-4m, dài hàng trăm mét đang chờ xe chở đi. Một số diện tích ruộng đã được lấy đi mặt bằng sâu từ 15-20cm, tạo thành những mặt ruộng cạn lấp xấp nước.

Ông Văn Đình Mừng (thôn Vân Thê Đập) cho biết, cải tạo hạ thấp đất ruộng ở các thôn do bồi lắng qua mỗi mùa lũ là nhu cầu cần thiết. Đất được cải tạo sẽ dễ canh tác hơn, ít tốn phân, công chăm sóc hơn và cho năng suất lúa cao. Hộ ông Mừng có gần 4 sào ruộng ở xứ đồng Nhì Ba Tán bị bồi lấp, ông đã làm đơn xin chính quyền cải tạo đất. “Bình quân mỗi sào nếu đất pha cát không cải tạo chỉ được 1-1,5 tạ, không đủ tiền công để gặt lúa. Trong khi sau khi cải tạo, lấy đi lớp đất bồi pha cát, ruộng dễ tưới hơn do nước từ thủy lợi vào được đồng, lúa sinh trưởng nhanh, cho năng suất từ 3,2-3,5 tạ/sào”, ông Mừng khẳng định.

Hơn 30 hộ dân có nhu cầu cải tạo đất ở HTXNN Vân Thê với diện tích gần 3,2 ha, đều có đơn xin cơ quan chức năng cải tạo đất và khẳng định, năng suất cây lúa tăng sau mỗi lần cải tạo ruộng, lấy đi lớp đất bề mặt.

Ông Đỗ Văn Phú, Giám đốc HTXNN Vân Thê cho biết, diện tích cải tạo ruộng là diện tích lúa 2 vụ, bị bồi lấp 30-40cm do 2 đợt lũ vào năm 1999 và 2004. Hiện trạng mặt ruộng cao hơn các mương tưới 20-30cm, vì vậy không chủ động được nước tưới, tiêu.

“Quy trình cải tạo được phê duyệt là hạ cao mặt bằng khu đất so với hiện trạng từ 15-20cm để đưa nước vào đồng ruộng trên diện tích gần 3,2ha bằng cách bóc lớp đất cát bồi lấp, giữ nguyên tầng đất canh tác trước đây”, ông Phú thông tin.

Tăng cường giám sát

“Nếu cải tạo đất ruộng mà lấy đi đất bồi, giữ lại được tầng đất canh tác thì cơ bản có lợi cho sản xuất. Do đây là đất bồi, cao hơn hệ thống thủy lợi, khó canh tác, đất lâu ngày ít bón phân, lớp đất mặt bị chai thì có thể cải tạo. Khi cải tạo lớp đất cũ bị bóc đi, làm nguồn bệnh tích lũy không còn, thay vào đó là lớp đất mới ít mầm bệnh và nhiều dinh dưỡng hơn nên năng suất cây trồng sẽ cao hơn”, TS. Nhà nông học Lê Tiến Dũng, đánh giá.

Quyết định phê duyệt phương án cải tạo đất ruộng lúa nước của UBND thị xã Hương Thủy nêu rõ: “Số đất thừa còn lại sau khi cải tạo dùng để tu sửa bờ bao, bờ vùng, bờ thửa… , phần đất dôi dư (nếu có), muốn vận chuyển ra khỏi khu vực cải tạo phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, tại hiện trường cải tạo đất, vẫn có nhiều phương tiện vận chuyển đất ra khỏi khu vực cải tạo, bán lại cho các hộ dân trong và ngoài địa bàn để cải tạo vườn tạp, phục vụ các vựa trồng hoa và san lấp nền.

Theo ông Đỗ Văn Phú, trước khi cải tạo đất, Ban Quản trị HTX đều có tờ trình và phương án xin cải tạo đất ruộng trồng lúa gửi Phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy và đã được UBND thị xã đồng ý. “Phần đất dôi dư, chúng tôi cho các lái xe để bù lại chi phí cải tạo. Bởi việc cải tạo đất người dân không phải tốn kinh phí. Các chủ xe này mang đất bán lại cho các nhà vườn, chúng tôi không đứng ra thu một nguồn kinh phí nào từ việc cải tạo đất”, ông Phú nói. Tuy nhiên, ông Phú thừa nhận có thu “tiền bãi” 2 triệu đồng đối với chủ xe. Số tiền này dùng để tu bổ kênh mương hư hỏng sau khi hạ thấp đất.

Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh thông tin, đến nay mới chỉ cải tạo được khoảng 1 mẫu trên tổng số gần 3,2 ha toàn diện tích. Nguyên nhân do thời tiết nhiều ngày mưa lớn, xe cơ giới không thể vào ruộng. Ông Việt cho rằng, diện tích đất dôi dư sau khi cải tạo “không đưa ra khỏi địa bàn” mà chỉ bán lại cho những hộ dân có nhu cầu cải tạo vườn trồng hoa trong khu vực và số đất đó do các hộ dân tự thỏa thuận với các chủ xe chở đất để bù lại chi phí cải tạo.

Ông Dương Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế thi xã Hương Thủy khẳng định: “Quyết định đồng ý phương án cải tạo đất đã nêu rõ, nếu chở phần đất dôi dư ra khỏi khu vực cải tạo thì phải có ý kiến cơ quan có thẩm quyền là UBND tỉnh; đất sau khi cải tạo chở ra khỏi khu vực là sai. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh”.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Y tế cơ sở, y tế dự phòng - cánh tay nối dài trong phòng, chống dịch bệnh
Y tế cơ sở, y tế dự phòng - cánh tay nối dài trong phòng, chống dịch bệnh

Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội đề nghị tỉnh làm rõ nhiều vấn đề như, cơ chế thanh toán kinh phí để mua test kít; chính sách đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế,… đặc biệt, những kiến nghị của tỉnh cần cụ thể hơn để đoàn giám sát có cơ sở tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.

Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sở
Giám sát, gỡ khó cho tuyến y tế cơ sở

Tại buổi làm việc với Trung tâm Y tế huyện Phú Vang (Trung tâm) chiều 20/2, ông Dương Thanh Bình, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của đơn vị này.

Giám sát tiêu hủy đối với phế liệu tồn đọng
Giám sát tiêu hủy đối với phế liệu tồn đọng

Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử lý hàng hóa tồn đọng trong địa bàn hải quan, Luật Bảo vệ môi trường và chỉ đạo của Tổng cục Hải quan trong việc tiêu hủy, giám sát tiêu hủy đối với phế liệu tồn đọng.