Thứ Sáu, 24/07/2015 08:23

Tết trong miền nhớ

Tết trong ký ức tuổi thơ tôi lưu lại cùng những phiên chợ rộn ràng, hối hả trong buổi sáng tờ mờ sương của một miền quê nghèo ngày cuối năm.

Ba họa sỹ nhận giải thiết kế tem Tết Mậu Tuất, Kỷ Hợi, Canh TýTết vẫn chưa qua?Tết thầy xưa và nay

Trong cái không khí se lạnh của những ngày cuối đông, từ sớm tinh mơ, các bà, các chị tay thúng hối hả đến phiên chợ Tết. Người họp chợ đông đúc, tiếng mời chào, trả giá râm ran cả một vùng. Tôi không còn nhớ nỗi thời thơ ấu đã bao lần theo mẹ đến những phiên chợ Tết, nhưng với tôi ngày ấy, chợ Tết là một bức tranh đầy sắc màu, hấp dẫn lạ thường. Cả một thế giới với đủ gam màu nhảy múa trước đôi mắt trong veo của trẻ thơ. Ở đó, có bà cụ móm mém nhai trầu đon đả chào mời mua quả cau miếng trầu, có bác nặn tò he với bàn tay khéo léo, chỉ chốc lát đã tạo ra được các con vật ngộ nghĩnh đầy sắc màu, có chú bán bong bóng bay xanh đỏ tím vàng…

Theo chân mẹ vào gian hàng quần áo, tôi như lạc vào không gian mơ ước, cái cảm giác vừa sung sướng, vừa ngại ngùng khi đứng giữa chợ mặc thử chiếc áo đẹp thơm mùi vải vẫn còn nguyên vẹn như ngày hôm qua. Niềm vui dâng lên trong tôi một cách khó tả khi được mẹ mua cho một đôi giày hay bộ đồ mới. Tôi cứ mân mê, hít hà mãi mùi vải mới trên suốt đường về, lòng mong ngóng đến giao thừa để được mặc.

Ngày ấy, cứ đến đầu tháng Chạp, ở quê tôi từ đầu làng đến cuối xóm đâu cũng rộn ràng, nhộn nhịp. Ai cũng tất bật để chuẩn bị một cái Tết tươm tất. Cứ tầm 25 Tết, mẹ tôi đã tranh thủ làm những mẻ bánh thuẫn vàng ruộm. Thích nhất là được ngồi bên chái bếp ngắm tay nghề đổ bánh thuẫn của mẹ. Mùi thơm thoang thoảng tỏa ra từ những chiếc khuôn bánh thuẫn khiến lũ trẻ con chúng tôi không kìm được nỗi thèm thuồng, kiên nhẫn kê dép ngồi xung quanh bếp lửa đợi mẻ cuối cùng mẹ sẽ phát cho mỗi đứa một cái. Cảm giác cầm chiếc bánh nóng hổi trên tay, cắn nhẹ một miếng và cảm nhận mùi thơm của trứng, bột bình tinh quyện vào nhau thơm phức, từ từ tan ra trong miệng có lẽ không ai trong mấy chị em tôi có thể quên được.

Nhớ đêm 30 Tết, cả nhà quây quần bên nồi bánh tét. Trong ánh sáng bập bùng của bếp lửa, tiếng than củi nổ tí tách, chị em chúng tôi cuộn tròn bên mẹ vừa thưởng thức củ khoai, củ sắn mẹ lùi chín thơm lừng vừa nghe mẹ kể những câu chuyện về ngày xửa ngày xưa, chuyện về ông Táo, ông Công, chuyện bánh chưng, bánh dầy ngày Tết, chuyện vì sao phải luộc bánh vào đúng đêm giao thừa... Rồi chúng tôi bàn bạc sôi nổi kế hoạch đi chơi Tết, hay thì thầm tâm sự những ước mơ trong năm mới.

Tuổi thơ chúng tôi trôi qua nhẹ nhàng trong ánh lửa đượm, với mùi khói rạ cay nồng bên vạt áo mẹ, với những mẩu chuyện không có điểm dừng trong đêm 30 chờ Tết.

MINH HIỀN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giao lưu, hợp tác quốc tế trong giảng dạy
Giao lưu, hợp tác quốc tế trong giảng dạy

Lần đầu tiên, các trường đại học (ĐH) hàng đầu của Hàn Quốc sang Việt Nam để tham gia hoạt động thực tập, dự giờ và giao lưu văn hóa tại trường trung học phổ thông (THPT) ở Huế. Không chỉ mang giá trị và ý nghĩa lớn về mặt học thuật, hoạt động này còn hướng đến thực tiễn trải nghiệm và liên kết văn hóa đa quốc gia.

Trúc Chỉ trong những ngôi nhà Việt
Trúc Chỉ trong những ngôi nhà Việt

Làm sao để Trúc Chỉ có mặt trong tất cả những ngôi nhà Việt là ước mơ từ thuở mới bắt đầu của họa sĩ Phan Hải Bằng, Ngô Đình Bảo Vi và các cộng sự. Ước mơ này thành hiện thực khi tác phẩm Trúc Chỉ đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành lớn của Việt Nam với nhiều không gian. Sản phẩm mới nhất trong Tết Quý Mão này sẽ là bộ thiết kế “Bàn thờ Táo Quân”, gồm kệ thờ và tranh bài vị Táo Quân chế tác từ Trúc Chỉ.